Vừa qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) đã tiến hành thanh tra hoạt động xuất khẩu lao động tại 19 doanh nghiệp trên toàn quốc. Số doanh nghiệp này quản lý 21.629 lao động đang làm việc tại các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ðài Bắc, Anh, Libia, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).
Nhìn chung các doanh nghiệp được thanh tra đều có ý thức chấp hành pháp luật về XKLÐ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Hiện cả nước có khoảng 160 doanh nghiệp làm công tác XKLÐ. |
Tuy nhiên trong quá trình tổ chức hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp nói trên đều có những vướng mắc về chính sách, thủ tục theo quy định hiện hành, đặc biệt là tình trạng tuyển chọn lao động không bảo đảm nguyên tắc công khai, nhất là đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc; thời gian, chương trình và chất lượng đào tạo không bảo đảm; ký hợp đồng không đúng mẫu, nội dung hợp đồng không ghi đúng thực tế các khoản chi phí của người lao động trước khi xuất cảnh; một số biên bản thanh lý hợp đồng lao động không thể hiện rõ các khoản thu chi tài chính; một số doanh nghiệp còn tìm cách thu thêm tiền của người lao động thông qua đối tác bằng cách trừ lương hằng tháng, khiến người lao động về nước trước thời hạn bị thiệt thòi vì phải đóng phí dịch vụ cho cả thời gian họ không làm việc; tất cả lao động đi Ðài Bắc đều phải chịu mức phí môi giới cao hơn quy định khoảng 20 triệu đồng/người, đặc biệt có công ty người lao động phải nộp mức phí 70 triệu đồng, cao hơn quy định đến 50 triệu đồng; không thực hiện đầy đủ báo cáo về các khoản thu, nộp tiền đặt cọc, tiền bảo hiểm xã hội, đóng góp quỹ hỗ trợ XKLÐ...
Ngoài yếu tố khách quan, các sai phạm trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan như: Nhận thức chưa đầy đủ, cập nhật chưa kịp thời các quy định của pháp luật về XKLÐ, thiếu cán bộ hiểu biết sâu về chuyên ngành và công tác XKLÐ. Không ít hiện tượng coi nhẹ pháp luật, coi thường lợi ích của người lao động, chạy theo lợi nhuận, không thực hiện hết nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp XKLÐ theo quy định. Người lao động cần việc làm song ít hiểu biết về pháp luật nên sẵn sàng chấp nhận nhiều điều kiện bất hợp lý mà doanh nghiệp và đối tác nước ngoài đưa ra, đặc biệt đối với các thị trường khá hấp dẫn như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ðối với một số doanh nghiệp, XKLÐ là việc phụ trong sản xuất kinh doanh nên không chú trọng nhiều đến tìm hiểu văn bản pháp luật về XKLÐ, chưa tìm hiểu kỹ đối tác, nên có nhiều vi phạm...
Trước thực trạng trên, đoàn thanh tra đã kiến nghị Bộ LÐ-TB và XH chỉ đạo cơ quan chuyên môn khẩn trương làm việc với các doanh nghiệp tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc và xử lý những sai phạm chung quanh việc thu phí XKLÐ của lao động tại Ðài Bắc, đồng thời đàm phán với phía đối tác điều chỉnh bên môi giới thu phí môi giới theo đúng quy định. Bổ sung kịp thời, đầy đủ tài liệu đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động, nhất là với những thị trường mới mở. Ðiều chỉnh, sửa đổi quy định về thanh toán tiền đặt cọc để không trái với Ðiều 358 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Cũng qua đợt thanh tra này, doanh nghiệp XKLÐ đã đề xuất với các cơ quan chức năng một số biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp làm đúng quy định đã đề ra. Trước hết, việc tìm nguồn lao động ở các địa phương gặp nhiều khó khăn do các sở LÐ-TB và XH chỉ cấp giấy giới thiệu tuyển lao động cho các doanh nghiệp với thời hạn 3-6 tháng. Ðây là một trong những yếu tố gây cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp (doanh nghiệp phải trả tiền cho các địa phương và trung tâm giới thiệu việc làm để có được lao động, sinh tiêu cực và cuối cùng người lao động phải chịu gánh nặng chi phí đó). Ðề nghị Bộ LÐ-TB và XH nghiên cứu điều chỉnh quy định trên.
Thứ hai, do ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải ký hợp đồng trách nhiệm và bảo lãnh, nên đã có hiện tượng giữ lại 20% tiền vay (thậm chí có nơi giữ lại đến 40%), dẫn đến người lao động không đủ tiền chi phí trước khi đi. Nhà nước cần chỉ đạo ngành ngân hàng thống nhất với các địa phương tạo điều kiện cho người lao động vay đủ số vốn cần thiết.
Thứ ba, quy định "việc tuyển chọn lao động chỉ được tiến hành khi hợp đồng XKLÐ đã đăng ký" đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì với những đơn hàng nhỏ, lẻ, đối tác nước ngoài thường yêu cầu trên một tháng, nếu làm theo quy định thì khó đáp ứng kịp thời yêu cầu cả về thời gian và chất lượng lao động. Bộ LÐ-TB và XH cần cho phép các doanh nghiệp chủ động tạo nguồn lao động trước khi ký kết và đăng ký hợp đồng, nếu doanh nghiệp không đưa được lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì phải bồi thường mọi chi phí mà người lao động đã bỏ ra.
Thứ tư, đề nghị nêu rõ thời hạn cụ thể trong quy định báo cáo cơ quan thẩm quyền trước khi ký kết hợp đồng đưa lao động đi làm các nghề đặc thù; ký kết hợp đồng với số lượng lớn lao động; hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở những nơi chưa có lao động Việt Nam hoặc chưa có cơ quan đại diện Việt Nam, để doanh nghiệp có thể ký kết hợp đồng trong giới hạn cho phép nếu chưa nhận được văn bản trả lời của Cục Quản lý lao động ngoài nước, tránh bỏ lỡ thời cơ.
Thứ năm, cần có khung phí môi giới cho từng nước (đặc biệt là đối với thị trường Trung Ðông, một thị trường tiềm năng và đang có nhu cầu lao động lớn) để thống nhất mức phí giữa các doanh nghiệp, bảo đảm công bằng xã hội. Nên có mức lương tối thiểu quy định cho từng thị trường để tiện cho việc đàm phán với đối tác nước ngoài.
Thứ sáu, cần có kế hoạch kiểm tra, rà soát các đơn vị trực thuộc, các trung tâm, chi nhánh mượn tư cách của doanh nghiệp XKLÐ để hoạt động. Thứ bảy, Bộ LÐ-TB và XH nên tổ chức cho các doanh nghiệp cùng tham gia khảo sát các thị trường tiềm năng trong khối Thị trường chung châu Âu và Trung Ðông.
Như vậy, chỉ qua một đợt thanh tra cũng đã phát hiện rất nhiều vi phạm, vướng mắc và bất cập từ người lao động đến các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Những vi phạm sẽ phải xử lý; những vướng mắc, bất cập do một số quy định không còn phù hợp cần được nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh. Song điều cơ bản nhất là phải thực hiện nghiêm túc yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tuyển chọn và quản lý người lao động của các doanh nghiệp làm công tác đưa người đi làm việc ở nước ngoài.