Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chủ tich Hiệp hội TACN: “Phải giúp cho doanh nghiệp đứng vững trên sân nhà”
15 | 01 | 2010
AGROINFO - Chăn nuôi là một ngành chủ đạo trong nông nghiệp. Hiện nay, việc phát triển các Doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (VVN) nói chung và các DN VVN lĩnh vực chăn nuôi nói riêng đang được Bộ, các ngành quan tâm. Chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TACN về vấn đề này…

Với tư cách chủ tịch hiệp hội TACN Việt Nam, ông nhận định thế nào về vị thế của các DN thức ăn chăn nuôi (TACN) Việt Nam hiện nay? DN TACN Việt Nam vừa và nhỏ có những thuận lợi, khó khăn thế nào?

Về thuận lợi, DN Việt Nam là người Việt Nam, họ sẽ hiểu thị trường Việt hơn. Theo tôi, họ cũng chỉ có thuận lợi thế thôi. Trong khi đó khó khăn mới là vấn đề nổi cộm. DN TACN Việt Nam hiện đang bị yếu thế trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. DN nước ngoài hiện nay chiếm gần 75% thị phần TACN và ngày càng bành trướng. Dù có đi vào ngõ, về vùng nông thôn chúng ta vẫn thấy có mặt đại lý của Cargill, của S Hope,… Chúng ta có thể thấy rõ DN TACN Việt Nam hiện có vị thế rất yếu và có khả năng ngày càng thua thiệt.

 
 Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN. Ảnh: VNN

Theo ông nguyên nhân do đâu dẫn tới tình trạng này?

Thứ nhất, DN TACN Việt Nam vốn nhỏ lẻ nhưng không hề có sự trợ giúp nào từ phía Chính phủ. Tôi không thấy một chính sách hỗ trợ nào cho người nông dân chăn nuôi, cũng như với các DN TACN nhỏ. Tôi nghĩ việc để nước ngoài chiếm đến 75% thị phần là một vấn đề cần xem xét, cần có chính sách điều chỉnh. DN hiện nay thiếu vốn, thiếu công nghệ, đặc biệt là công nghệ chế biến. Cái khó khăn nhất chính là thiếu sự hỗ trợ đầu tư của chính phủ, thiếu các chính sách để đẩy các  DN lên. Trong khi DN nước ngoài tràn vào nước ta, có vốn mạnh, đầu tư mạnh. Chính vì vậy, DN Việt rõ ràng trở nên yếu thế trong cạnh tranh. Thứ hai, một thực tế đang diễn ra là sự bất cập của chính sách tiền tệ mà cụ thể là sự ghim giữ đồng USD của các ngân hàng, không cho DN nhập khẩu mua, đổi USD. Như thế tức là DN sẽ không có tiền để thanh toán cho đầu vào, khi mà nguyên liệu TACN chủ yếu phải nhập khẩu. Không có đầu vào sản xuất, sản lượng giảm, lợi nhuận cũng giảm, chưa kể đến các đơn hàng DN đã ký, không có tiền USD thanh toán phải chịu tiền phạt, tiền lưu kho ngoại quan,... Vì thế DN khó khăn lại càng trở nên khó khăn, thua lỗ hơn. Tôi cho rằng việc ghim giữ không cho DN nhập khẩu mua, đổi USD là một việc làm rất vô lý.

Vâng, theo như ông nói, Việt Nam hiện nhập nhiều nguyên liệu TACN, liệu nước ta có tiềm năng tự cung được đủ nguồn này không?

Có lẽ là rất khó. Ngô thì càng ngày càng thiếu. Sáu tháng đầu năm ta đã nhập 800 nghìn tấn, sáu tháng cuối năm nhập thêm 200 nghìn tấn nữa là 1 triệu tấn.

Trong khi cứ nói Việt Nam nhiều ngô, nhưng thực tế chỉ có hơn 1 triệu ha ngô với năng suất chỉ 38 tạ/ha, tức là sản lượng khoảng 4 triệu tấn. Cứ cho là tiêu dùng một triệu tấn và ba triệu tấn làm nguyên liệu TACN thì so với nhu cầu khoảng 10 triệu tấn, cung chỉ đạt được 30%. Muốn tăng sản lượng thì phải tăng năng suất, muốn tăng năng suất phải đầu tư cho ngô, cho vùng ngô. Nhưng tôi cũng chưa thấy chính sách đầu tư vùng ngô cụ thể thế nào để có thể cung đủ lượng ngô cho quốc gia. Thủy lợi cũng chỉ đầu tư cho cây lúa chứ đâu có đầu tư cho cây công nghiệp…. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của cơ quan chính sách, cần tham mưu chính sách đầu tư vùng ngô cho Bộ, cho Chính phủ.  Về khô dầu đậu tương, tôi khẳng định chúng ta không hề có thế mạnh. Riêng TACN phải nhập vì sản lượng của Việt Nam chỉ khoảng 250 nghìn tấn.

Bộ Tài chính mới ban hành thông tư 216 về tăng thuế một số nguyên liệu TACN, theo ông, chính sách này đã hợp lý chưa và có ảnh hưởng thế nào đối với Doanh nghiệp, người chăn nuôi?

Tôi cho rằng chính sách tăng thuế nguyên liệu TACN là không cần thiết. Tăng thuế đồng nghĩa với tăng giá thành, tăng giá bán nguyên liệu. Người chăn nuôi phải chịu đầu vào cao hơn, lợi nhuận giảm, thậm chí thua lỗ, dẫn tới bỏ chăn nuôi. Đây mới là cái hại cho xã hội.

Đó là chưa kể đến rất nhiều loại phí khác như phí vận chuyển, tiêu cực phí,… Đối với DN, tất cả chi phí đều đánh vào giá thành, dẫn tới giá đầu ra cao hơn giá của nước ngoài. Giá TACN, sản phẩm chăn nuôi đang diễn biến cao.

Trong khi đó tôi chưa thấy ai nói về bình ổn giá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Mà việc bình ổn giá  là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Bộ Nông nghiệp cần đảm bảo về chất lượng thức ăn, bộ Tài chính phụ trách về vấn đề thuế, Bộ Công Thương là vấn đề thị trường…

Có lẽ DN, hiệp hội muốn có nhiều ý kiến kiến nghị về các chính sách, vậy theo ông, việc thực hiện hoạt động đối thoại chính sách như các chương trình tọa đàm, hội thảo, báo chí… truyền thông ý kiến của DN tới các nhà làm luật có nên tổ chức thường xuyên? Sắp tới Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT có tổ chức tọa đàm đối thoại DN VVN với nhà lãnh đạo, liệu hiệp hội TACN Việt Nam có sẵn sàng hợp tác thực hiện hoạt động có ý nghĩa này?

Các hoạt động đối thoại chính sách như thế rất hay và thiết thực. Tôi cho rằng báo chí, các phương tiện nghe nhìn là công cụ có tính tác động khá mạnh. Ứng dụng trang web cũng tốt, nhưng sẽ vướng khó khăn là DN VVN Việt Nam thường yếu về ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet. Thậm chí các ấn phẩm, tài liệu có đưa xuống DN họ cũng chưa chắc đã có thời gian để đọc. Về tọa đàm, tôi nghĩ đây là một hoạt động rất tốt, phía hiệp hội sẽ sẵn sàng hợp tác, kết nối DN để gửi các câu hỏi cho chương trình. Cần đẩy mạnh các hoạt động này, phối kết hợp với nhiều Bộ ngành để có hiệu quả, hỗ trợ chính sách nhiều mặt cho chăn nuôi nói riêng và nông nghiệp nói chung.

Xin cảm ơn ông

Lan Anh – Kim Giang (thực hiện)



Báo cáo phân tích thị trường