Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vẫn canh cánh nỗi lo lạm phát
05 | 04 | 2010
Tính đến hết quý I, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước đã tăng 4,12%. Điều này sẽ tạo sức ép lớn với những tháng cuối năm, bởi bình quân CPI phải giữ được ở mức 0,03%/tháng. Ghìm lạm phát cả năm ở mức 7%, cùng lúc phải đạt mức tăng trưởng 6,5% là nhiệm vụ hết sức khó khăn.
Nỗi lo lạm phát

Năm 2010, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách nới lỏng tín dụng linh hoạt để duy trì mức tăng trưởng kinh tế không dưới 6,5% theo kế hoạch đặt ra như một điều kiện bảo đảm ổn định xã hội. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư xã hội thấp, khó có thể cải thiện trong năm 2010 đã tạo sức ép nới lỏng điều kiện tín dụng của các ngân hàng (NH), do đó làm tăng nguy cơ bùng nổ lượng tiền vào lưu thông, từ đó trực tiếp làm tăng áp lực lạm phát. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư số 03/2010/TT-NHNN quy định tăng tỷ giá bình quân liên NH giữa USD và VND (thêm 603 đồng) kể từ ngày 11-2-2010, tăng thêm 3,3% so với tỷ giá trước đó. Ngoài những tác động tích cực, sự điều chỉnh tỷ giá này có thể làm tăng giá hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu, do đó làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp (DN).
Kiểm soát, bình ổn giá hàng hóa sẽ góp phần hạn chế việc lạm phát tăng. Ảnh: Linh Tâm

Một nhân tố quan trọng nữa tác động không nhỏ đến CPI của quý II là sự cộng hưởng tác động đồng thời của việc tăng giá các sản phẩm xăng, điện, than, nước, giá cước vận tải các loại và tăng lương khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ có liên quan trực tiếp, gián tiếp sẽ tăng do phải chịu ảnh hưởng của các yếu tố tăng giá "đầu vào". Cùng với các nhân tố trong nước kể trên tác động đến CPI, sự phục hồi của kinh tế thế giới cũng có tác động không nhỏ đến sự gia tăng CPI. Sự hồi phục từng bước của kinh tế thế giới sẽ kéo theo sự gia tăng hoạt động tiêu thụ hàng hóa, nguyên liệu. Xu thế tăng giá của nhiều loại hàng hóa, vật tư trên thị trường thế giới năm 2010 kéo theo giá xăng, phân bón, thuốc trừ sâu và các nguyên liệu khác tăng theo, tạo áp lực tăng giá các hàng hóa và dịch vụ, đưa mặt bằng giá trong nước lên mức cao hơn. Dự báo, CPI quý II tăng khoảng 4,47% so với tháng 12-2009.

Mục tiêu ghìm lạm phát cả năm ở mức 7% cùng lúc phải đạt mức tăng trưởng 6,5%, trong khi kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố rủi ro là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Theo các chuyên gia, phương án hợp lý hơn cả là áp dụng chính sách tiền tệ và tài chính thận trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bằng các chính sách khác như cải cách thể chế, giảm thủ tục hành chính, chuyển dịch cơ cấu đầu tư, cơ cấu chi ngân sách...

Nỗ lực với các giải pháp

Để kiềm chế lạm phát, các ngành chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp bình ổn giá. Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng được các bộ, ngành, địa phương tăng cường thực hiện. Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) đã mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường (từ ngày 20-3), tập trung thanh tra, kiểm tra những DN lớn, đơn vị phân phối có tính chất chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh với một số mặt hàng thiết yếu như sắt, thép, xi măng, phân bón, đường, sữa, tân dược. Lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm ở nhiều DN trên địa bàn. Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trong đợt ra quân này, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm ở nhiều DN, tập trung vào một số lỗi như không niêm yết giá theo quy định (mặt hàng thuốc tân dược, thép nhập khẩu, sữa); nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ; hàng chục mặt hàng có dấu hiệu tăng giá bất hợp lý; một số đơn vị chỉ xuất hàng trên hóa đơn, song thực chất hàng hóa vẫn được "găm" trong kho để chờ thời cơ đẩy giá lên. Lực lượng kiểm tra cũng phát hiện tình trạng thông đồng để tăng giá bán giữa đại lý phân phối và nhà sản xuất.

Tổng cục Thống kê cho biết, tăng giá điện sẽ được tính vào tháng 4, giá nguyên nhiên liệu nhập khẩu đang có xu hướng tăng, lãi suất ngân hàng cao... nên việc khống chế CPI năm 2010 ở mức 7% là rất khó. Giải pháp kiềm chế tăng CPI là phải bảo đảm được cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, kiểm soát được giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống... bên cạnh đó, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty đầu tàu tiết giảm chi phí, thận trọng tính toán giá bán... Đồng thời, phải giám sát được nguồn cung tiền ra thị trường, cung tiền phải đúng đối tượng nhằm mục đích thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có đánh giá thật khách quan đối với những ngành đang thu lợi lớn trong 8 tháng trở lại đây. Nếu ngành nào siêu lợi nhuận phải xem xét, kiểm tra, bởi đây có thể là yếu tố kích thích tăng giá. Quan trọng nhất là phải kiểm soát được khu vực bán lẻ thị trường tự do (chiếm tới 40% doanh số các mặt hàng trong "rổ" tính CPI).

Vì vậy, ngoài việc kiểm soát, bình ổn giá cả hàng hóa, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn cho DN phân phối đầu tư dài hạn và mở rộng mạng lưới bán hàng để hạ giá thành sản phẩm, tránh lạm phát cao, hạn chế nhập siêu...



Theo Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường