Mùa này đi dài theo tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865 chạy giữa ruột Đồng Tháp Mười dài hàng chục cây số, chỗ nào cũng thấy sân phơi đầy ắp lúa vàng. Ông Trần Văn Bé Hai vừa chạy ghe chở 40 tấn lúa ướt từ Vĩnh Hưng (Long An) về đổ lên sân phơi ở ấp Long Phước xã Mỹ Phước Tây, xoa tay cười giòn, nói: “Nhờ sân phơi mà hàng xáo tụi tui đỡ mất công chạy tìm lò sấy”.
Dịch vụ cho thuê sân phơi lúa xuất hiện vào giữa năm 2009 ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy. Ông Phạm Kim Lập, người đầu tiên bỏ tiền xây sân phơi lúa ở ấp 5A, kể: “Hồi đó, lúc thu hoạch lúa vụ hai 2009 tui thấy hàng xáo chở lúa ướt từ khắp nơi về bán cho chợ lúa gạo đầu mối Phú Cường phải khốn đốn chạy tìm lò sấy nên tui nghĩ đến việc làm sân phơi cho hàng xáo thuê”. Không có đất đai, ông Lập thuê 6.000m2 đất trồng tràm của ông Tư Trinh ở ấp 5A với giá 20 triệu đồng/năm trong thời hạn năm năm. Ông Lập bỏ ra hơn trăm triệu đồng đầu tư sân phơi lúa công suất 140 tấn/mẻ, có bến để ghe lúa neo đậu. Sân phơi vừa khai trương, ngay lập tức hàng xáo đăng ký thuê nườm nượp. Vào mùa thu hoạch lúa rộ, hàng xáo phải điện thoại đăng ký trước hai, ba tuần để chủ sân “sắp tài”. Chỉ sau một vụ lúa, với giá cho thuê sân phơi 20.000 đồng/tấn lúa, ông Lập đã thu hồi được vốn đầu tư, đến nay xem như lãi ròng.
Khi thấy sân phơi lúa của ông Lập luôn trong tình trạng quá tải, nhiều nông dân ở ấp 5A, ấp 5B và các ấp khác của xã Phú Cường đua nhau phá đất trồng tràm, bạch đàn để mở sân phơi lúa làm dịch vụ.
Theo ông Đỗ Văn Vương, cán bộ xã Phú Cường, cho biết nhà nào có vài ngàn, thậm chí vài trăm mét vuông đất ven kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865 là đầu tư mở sân phơi. Sân lớn, sân nhỏ gì hàng xáo cũng hỏi thuê, không nơi nào bỏ trống. Dịch vụ cho thuê sân phơi từ Phú Cường đã lan ra Mỹ Phước Tây, Tân Hoà Tây, Thạnh Lộc, Mỹ Thành Bắc. TS Lê Văn Bảnh, viện trưởng viện Nghiên cứu lúa đồng bằng sông Cửu Long nói dịch vụ sân phơi lúa cho thuê ở Tiền Giang đã giải quyết rất tốt tình trạng thiếu lò sấy lúa. Hiện tại toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ mới có khoảng 6.500 lò sấy lúa lớn nhỏ, chỉ giải quyết được 30% nhu cầu của nông dân.
Suốt dọc tuyến kinh Nguyễn Văn Tiếp và tỉnh lộ 865, nơi nào có dịch vụ sân phơi lúa là nơi đó nhộn nhịp không khí làm ăn, dưới kinh ghe lúa đậu đông ken, trên bờ xe tải tới lui tấp nập ăn hàng, không thua gì khu chợ lúa gạo đầu mối Bà Đắc ở xã An Cư, huyện Cái Bè.
Ông Trần Thanh Hải, phó chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho biết một sân phơi giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động, một mẻ lúa phơi ba ngày khô, tiền công phơi, đảo, xúc lúa vô bao là 40.000 đồng/tấn, người già, phụ nữ đều làm được. Tiền công bốc vác lúa từ ghe lên bờ và ngược lại là 45.000 đồng/tấn. Trung bình một tháng một lao động có thể kiếm hơn một triệu đồng từ sân phơi lúa.