Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Trung Quốc trước tăng trưởng kinh tế
21 | 08 | 2007
Tốc độ cải cách kinh tế chóng mặt ở Trung Quốc trong hai thập niên qua đã tạo nên một sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố trước đây trong năm, việc phát triển kinh tế thương mại hàng năm lấy mất hơn 266.000 hecta đất nông nghiệp, khiến cho khoảng 1 triệu nông dân mất đất canh tác.

Ở Trung Quốc nông dân không sở hữu đất họ canh tác mà chỉ có quyền sử dụng. Chính điều đó giúp các quan chức địa phương có thể kiếm tiền đút túi bằng cách bán đất nông nghiệp cho các chủ quản đầu tư.

Còn chính nông dân canh tác trên những mảnh đất này, hoặc không nhận được một xu nào, hoặc được bồi thường rất ít. Tình trạng này dẫn đến ngày càng có nhiều vụ biểu tình khiếu nại của nông dân, thường có xô xát, thậm chí gây chết người, như ở làng Tích Hữu, phía bắc tỉnh Hà Bắc hồi 6/2005.

Nông dân mất đất đồng nghĩa với mất kế sinh nhai. Nhiều người may mắn chuyển nghề hay bỏ lên thành phố tìm việc làm. Nhiều người đã cao tuổi đành phải trông chờ vào con cháu.

Mất đất cày cấy

Ngày nay đến các thành phố của Trung Quốc người ta khó nhận ra được lằn ranh giữa thành thị và nông thôn vì các tòa nhà, các hãng xưởng đang lấn ruộng đồng.

Tôi ghé thăm một ngôi làng cách thành phố Hối Châu trên dưới 1 giờ lái xe, nơi người ta nói sẽ một trung tâm kỹ nghệ tiếp theo những nơi đã phát triển như Thẩm Quyến.

Trong vô số nông dân bị lấy đất tại đây là gia đình bà Phan Khải, 74t, “Tôi có 4 người con trai, một con gái, và năm đứa cháu. Tất cả đều sống chung một nhà ở đây."

"Tôi đã làm nghề nông suốt cả đời ở đây nhưng bây giờ già rồi, vả lại cũng chẳng còn đất mà làm, nhà nước trưng dụng rồi. Sau khi mất đất chúng tôi phải chuyển qua đánh cá."

"Tôi không được trợ cấp gì từ chính phủ cả trong khi tiền y tế rất tốn kém."

"Tôi muốn giữ lại đất để canh tác nhưng không được, nhà nước trưng dụng và mọi người bắt buộc phải làm theo, không còn cách nào khác,” bà Khải nói.

Rất may, gia đình bà được đền bù một số tiền, gom lại trong nhà cũng đủ để xây một cái nhà nhỏ vài chục mét vuông. Nay toàn bộ đại gia đình bà Khải có nơi che mưa che nắng, nhưng các con của bà đều phải đổi nghề để kiếm sống.

Một trong mấy người con trai của bà, anh Tai, 39t mới đầu đi đánh cá nhưng thu nhập không đều, sau chuyển qua nuôi cua ở ven biển, “Tôi vui nhất là khi được mùa, bán được cua, còn buồn nhất là khi cua bị chết."

"Nếu được mùa một năm tôi cũng kiếm được hai ba chục ngàn nhân dân tệ. Với số tiền đó vừa đủ để trang trải trong nhà, mua thực phẩm và lo cho con đi học. Nhiều khi cũng dư chút tiề̉n để đánh bài cho vui, nhưng không phải là cờ bạc đỏ đen.”

Anh Tai nói bạn bè anh ở quê ai cũng muốn có cơ hội lên thành phố làm việc, nhưng anh nghĩ sẽ rất khó cho anh vì anh bây giờ chỉ biết đánh cá. Nhưng một người cháu của bà Khải, Đại Tấn Đào, 19t, tìm được việc làm trong một xưởng may ở Hối Châu.

“Em tên đang làm việc trong một xưởng đóng giày, mỗi ngày kiếm được 50 nhân dân tệ. Em hy vọng một ngày nào đó có thể về lại quê của em ở Hồ Nam.”

Hai đứa cháu nhỏ hơn còn đi học. Một trong hai đứa, Tô Quí Học, 14 tuổi, cuối tuần cũng phụ với cha nuôi cua, nhưng cháu đang cố gắng học để sau này làm cô giáo dạy tiếng Anh.

Tôi là nông dân nhưng bây giờ không còn nhiều việc nên thỉnh thoảng tôi phải đi làm cho các công trình xây dựng.

Nông dân Phương Nhuệ Tấn

Thất nghiệp cao

Nhưng tình trạng thất nghiệp ở nông thôn là một vấn đề lớn. Những người đã lớn tuổi ít có cơ hội đổi nghề, đa phần chỉ còn biết ở nhà và trông chờ vào con cháu.

Những người may mắn hơn, chuyển hẳn qua làm nghề khác như bác nông dân Phương Nhuệ Tấn ở làng Tứ Lệ, thuộc Giang Môn.

“Tôi có bốn người con, một đứa ở với tôi, có hai đứa cháu gái, còn ba đứa kia đã bỏ lên thành phố kiếm việc. Tôi là nông dân nhưng bây giờ không còn nhiều việc nên thỉnh thoảng tôi phải đi làm cho các công trình xây dựng."

"Đời tôi khổ lắm, trải qua đủ thứ, tuổi ngày càng cao nhưng vẫn phải làm việc. Được cái nhờ mỗi bữa ăn tôi đều uống một ly rượu đế cho nên vẫn còn khỏe mạnh.”

Một số đông đã bỏ lên thành phố tìm việc. Họ làm đủ mọi việc, từ nuôi người già yếu bệnh tật cho đến bán hàng rong. Các thanh niên có nhiều điều kiện hơn. Họ xin vào học việc rồi làm cho các hãng xưởng, từ xưởng vẽ cho đến xưởng may, xưởng giày, xưởng điện tử.

Nhưng cuộc sống ở thành phố đắc đỏ, nhiều người phải để con cái lại dưới quê cho ông bà trông, thỉnh thoảng mới về thăm con.

Theo thống kê chính thức, chỉ có 39,4% đem con cái theo khi họ lên thành phố làm việc. Đa số lo lắng cho sức khỏe, giáo dục và tinh thần của con cái ở xa.

Chu Trinh Phí, 24 tuổi, công nhân hãng điện tử, phải gởi cho bà ngoại nuôi đứa con 5 tháng dưới quê ở Hồ Nam, “Tôi là nhân viên phòng vật tư, chuyên mua nguyên liệu điện tử cho công ty. Tôi làm cho công ty này được 2 năm rồi. Chồng tôi cũng làm việc trong thành phố này."

"Chúng tôi có một cháu gái 5 tháng, nhưng vì cả hai vợ chồng phải đi làm suốt ngày, tiền thuê nhà thì đắc nên chúng tôi gởi cháu cho ông bà ngoại dưới quê nuôi hộ."

"Nhưng chúng tôi đang hy vọng nội trong năm sau sẽ mua được một căn hộ nhỏ và đón cháu cùng ông bà lên thành phố sống chung với chúng tôi,” Phí nói.

Thu nhập của những người như vợ chồng cô Phí tăng đáng kể nhờ tìm được việc làm ở thành phố. Thu nhập trung bình của những gia đình này được 2.400 USD trong năm 2005, so với 1.070 USD hồi còn dưới quê.

Ưu tiên mới

Tôi đến thăm Quảng Đông nhân kỉ niệm Trung Quốc 75 năm cuộc Vạn Lý Trường Chinh, đi đâu cũng thấy các chương trình văn nghệ cách mạng và khẩu hiệu kêu gọi dân chúng hãy phát huy truyền thống đó mà bắt tay đưa đất nước đến chỗ giàu mạnh.

Nhưng chính tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc trong những năm qua đã đem đến một thách thức mới cho giới lãnh đạo Trung Quốc.

Hồi tháng Ba, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã bế mạc phiên họp hàng năm của Quốc hội với lời hứa sẽ tìm cách cải thiện điều kiện sống cho hàng trăm triệu nông dân nghèo.

Ông Ôn Gia Bảo nhấn mạnh ưu tiên hiện nay của chính phủ tìm cách thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc nay chuyển từ tăng trưởng nhanh sang việc bảo đảm làm sao để phát triển đồng đều hơn.

Nhưng sự phát triển không đồng đều là điều không tránh khỏi, và thường tại những nước sống chủ yếu bằng nông nghiệp, nông dân là người chịu nhiều thiệt thòi trong tiến trình công nghiệp hóa.

Khác chăng tại những nước cộng sản như Trung Quốc, đó là phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, may ra nhờ vậy vẫn có thể bảo đảm được công bằng xã hội.

Thời gian sẽ cho biết họ có làm được không, nhưng trên thực tế, hiện tại điều đó chưa xảy ra.



Theo BBC
Báo cáo phân tích thị trường