Đại sứ Việt Nam tại WTO cùng các thành viên trong phái đoàn Việt Nam sẽ cũng với Ban thư ký WTO chuẩn bị và tham dự buổi lễ này.
Theo cam kết, ngay sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, hàng loạt cam kết sẽ lập tức có hiệu lực. Bộ Tài chính cho biết, sẽ có 1.812 dòng thuế được giảm ngay ở mức bình quân khoảng 30- 40%.
Các mặt hàng đang có mức thuế suất cao từ 30% trở lên sẽ được cắt giảm ngay từ đầu năm 2007 là: hàng dệt may giảm 63%; giày dép, mũ các loại giảm 20%; hoa, cây cảnh giảm 25%; một số loại rau như cà, nấm, ớt… giảm 40%; dầu thực vật giảm từ 20% - 40%; mỹ phẩm các loại, xà phòng giảm 20% - 40%; sản phẩm nhựa gia dụng giảm 20%; bánh kẹo các loại giảm từ 20% - 30%; thịt chế biến giảm 20%; giấy từ 10% - 20%; sản phẩm liên quan đến thiết bị điện giảm 20%, một số hàng tạp hóa khác giảm từ 20% - 25%...
Theo Bộ Thương mại, hiện nay đã hoàn tất và trình Chính phủ đề án về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi VN gia nhập WTO.
Có nhiều biện pháp được đề cập trong đề án này như nhấn mạnh vấn đề hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế phù hợp với các nguyên tắc và quy định của WTO. Yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm trong chương trình hành động của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp và mọi người dân trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ sẽ phải rà soát để điều chỉnh chiến lược tổng thể phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và xây dựng chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ… phù hợp với tình hình mới
Bên cạnh đó, Bộ Thương mại cùng Ủy ban quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với các bộ ngành khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ thông qua chương trình thực hiện cam kết trong tháng 1-2007.
Đây là chương trình nhằm phổ cập rộng rãi các cam kết đã thỏa thuận; lộ trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với những nội dung cụ thể liên quan trực tiếp đến các cam kết gia nhập WTO của từng ngành trong bối cảnh gia nhập WTO.
Việt Nam chính thức trở thành thành viên WTO, hoàn thành chuyến đi kéo dài ba thập niên để hội nhập xu thế kinh tế toàn cầu, tờ Financial Times nhận xét: "Tiềm năng và sự tăng trưởng của Việt Nam hiện nay là không thể phủ nhận. Kinh tế đất nước càng được thúc đẩy hơn bởi làn sóng xuất khẩu sang Mỹ, khi một thỏa thuận thương mại được thông qua, trong đó có việc Mỹ giảm thuế với hàng nhập khẩu Việt Nam.
Hiệp định song phương được ký kết năm 2000 sau thời kỳ dài đàm phán đã cho phép các công ty như Nike, Victoria's Secret và Disney dồn vốn đầu tư vào lĩnh vực hấp dẫn nhất của Việt Nam: đó là lực lượng lao động trẻ phong phú, cần cù, tích cực.
Thương mại Mỹ - Việt ước đạt 8,1 tỉ USD trong năm 2006. So sánh với thương mại hai chiều chỉ đạt 1,1 tỉ USD năm 2000 khi hàng xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ chưa đầy 400 triệu USD.
Bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu, và những nghề nghiệp mới do nó tạo ra - là động lực cho sự bùng nổ về tiêu dùng. Người Việt Nam nhà nhà mua tivi, máy tính, camera, đi du lịch nước ngoài... Cuộc cách mạng tiêu dùng này được coi là ''kết quả'' kể cả về chiều sâu, chiều rộng của một xã hội thịnh vượng".
Tuy nhiên, cùng với cơ hội lớn là một loạt những thách thức ma không phải giờ đây chúng ta mới nhận thấy. Ngay từ ngày hôm nay chúng ta sẽ phải tuân thủ một cách nghiêm chỉnh các quy định cam kết theo lộ trình với WTO.
Qua hai thập niên cải cách kinh tế, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại mà khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam sẽ phải vật lộn và giải quyết những tồn tại ấy. Cam kết thực hiện chương trình dài hạn về cải tổ, tự do hóa, tư nhân hóa sẽ đổi mới kinh tế và cả hoạt động của chính phủ, đồng thời tạo ra một sân chơi mới cho các công ty nước ngoài.
"Tất cả mọi người đều hiểu rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài là điều có lợi, mang lại dòng vốn và những kỹ năng quản lý'', Võ Trí Thanh, một chuyên gia về chính sách thương mại của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói. "Tuy nhiên, có một số lĩnh vực khá nhạy cảm, và vì thế cũng có nhiều khó khăn. Những ngành công nghiệp đòi hỏi chuyên môn cao có thể được hưởng lợi từ hội nhập và sử dụng những lợi thế so sánh của chúng tôi. Nhưng các ngành công nghiệp nặng đòi hỏi nguồn vốn lớn như mía đường, giấy hay xi măng có thể mất vị thế của mình''.
Mặc dù với những cam kết khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam vẫn còn đứng trước những mâu thuẫn xung quanh việc: để các doanh nghiệp nhà nước là đối tượng của áp lực cạnh tranh thị trường hay ''buông xuôi'' họ. Trong khi từ bỏ quyền kiểm soát một số doanh nghiệp nhỏ, Chính phủ đã đổ dòng vốn lớn vào một số doanh nghiệp nhà nước, hy vọng tạo ra những nhà vô địch quốc gia kiểu như mô hình Hàn Quốc.
Những lĩnh vực ấy là bảo hiểm, khai khoáng, dầu mỏ, vận tải, viễn thông và điện lực. Hà Nội đã thành lập một công ty mẹ thuộc quyền sở hữu nhà nước - kiểu như Temasek của Singapore - để quản lý vốn đầu tư và tối đa hóa lợi tức.
Phóng viên BBC tại Hà Nội, Bill Hayton nói nhìn chung kinh tế có thể được lợi nhưng một số khu vực có thể phải chịu thiệt thòi.
Cách đây 20 năm không hề có kinh tế tư nhân ở Việt Nam, nhưng nay đó là khu vực năng động nhất của nước này.
Tuy nhiên trong khi công nghệ tăng trưởng trên 10% một năm, nông nghiệp chỉ được có 3%. Chính vì vậy có người sợ rằng vào WTO có thể gia tăng những sự chênh lệch ở Việt Nam.
Martin Rama, kinh tế gia hàng đầu của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói có nguy cơ việc này sẽ làm tăng khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
"Một phần của vấn đề này có thể giải quyết bằng cách cải thiện cơ sở hạ tầng nhưng chính phủ cần có những chính sách đặc biệt để ít nhất phải kềm được sự cách biệt đó."
"Thực là đáng nói khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7-8% mà không tạo những chênh lệch đáng kể nhưng duy trì được sự thành công đó đòi hỏi có quyết tâm cao hơn," ông Rama nói.