Dạy "cái" ND muốn học
Theo TS. Đặng Kim Sơn-Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp, nông thôn, tuy cơ cấu nông nghiệp Vĩnh Phúc chuyển dịch đúng hướng, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi thực trạng chung của cả nước, đó là đất canh tác ngày càng thu hẹp, ruộng đất manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, trình độ thâm canh của ND còn hạn chế, hàm lượng công nghệ trong nông sản thấp, ND thiếu việc làm, thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị cách biệt. Xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn cần huy động được sự sáng tạo của ND. Phải dạy những "cái" ND muốn học để họ sản xuất ra "cái" thị trường cần.
GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nên xây dựng các trung tâm dạy nghề ngắn hạn cho ND. Chỉ từ 5-7 ngày ND có thể học được các nghề nuôi ếch, cá, ba ba, thỏ. Dạy nghề cho ND thực sự hiệu quả khi gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản. Theo ông Lân Dũng, chính sách đầu tư, hỗ trợ không nhất thiết phải là cho ND "cần câu, con cá" mà hãy chỉ cho ND nuôi, trồng như thế nào, ai mua, yêu cầu chất lượng ra sao, bán ở đâu được giá cao nhất.
Đầu tư vào công nghệ sinh học
Một trong những giải pháp để sản xuất nông nghiệp cho thu nhập cao nhất là áp dụng công nghệ sinh học. GS. Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: "Khi tôi sang Vân Nam (Trung Quốc), quan chức ở đây tuyên bố trong tương lai xuất khẩu hoa của tỉnh này sẽ vượt Hà Lan. Họ huấn luyện ND kỹ thuật nuôi cấy mô. ND thực hành dễ dàng chứ không như ở nước ta, công nghệ sinh học chỉ "đóng khung" trong các phòng thí nghiệm. Vĩnh Phúc có thể kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học. Theo đó, ND sẽ góp vốn bằng đất đai, hoặc nhà đầu tư thuê đất. ND trở thành công nhân nông nghiệp vừa được đào tạo nghề, vừa có thu nhập cao".
Theo Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện KHNN VN, ND Vĩnh Phúc trước tiên phải sản xuất nông sản, thực phẩm sạch rồi mới tính tới sản xuất hàng hoá để xuất khẩu. Đi liền với việc sản suất sạch là xây dựng thương hiệu cho nông sản, thực phẩm.
Khơi dậy tính chủ động của ND
Diện tích nuôi trồng tăng, năng suất tăng đã kéo tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản của Vĩnh Phúc tăng, đạt xấp xỉ 10.000 tấn với giá trị ước đạt hơn 100 tỷ đồng năm 2006. Nhiều chuyên gia đánh giá, nuôi trồng thuỷ sản vẫn có thể tăng trưởng, tạo ra giá trị cao hơn khi địa phương quy hoạch được những vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, chuyển ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thuỷ sản giống mới có giá trị xuất khẩu...
Ông Nguyễn Đăng Vang-Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho rằng: Vĩnh Phúc có gần 689 trang trại, diện tích bình quân 4,12ha/trang trại. Diện tích trang trại nhỏ£ khó áp dụng công nghệ, không đảm bảo về an toàn sinh học. "Khu chăn nuôi tập trung chỉ nên dành cho 1-2 hộ, như thế mới dễ áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn chăn nuôi, kiểm soát được dịch bệnh. Vĩnh Phúc nên bố trí các khu chăn nuôi tập trung cách xa đô thị từ 50-60km".
Giáo sư, Viện sĩ Đào Thế Tuấn "mách nước" cho Vĩnh Phúc 2 cách có thể tạo thêm việc làm và thu nhập cho ND. Thứ nhất là xây dựng mô hình du lịch cộng đồng mà trong đó có sự tổ chức, tham gia của ND. Cách thứ 2 là "biến" các hiện tượng môi trường thành thu nhập cho ND. Vĩnh Phúc nên có các HTX, nhóm ND sản xuất đồ chơi, đồ lưu niệm từ rác thải đô thị, sản xuất phân bón hữu cơ từ phế thải nông nghiệp. "Làm được như vậy, chính ND sẽ là người chủ động, tự giác đứng ra tổ chức khai thác, bảo vệ, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh và giữ vệ sinh môi trường"-ông Tuấn khẳng định.
Điều chỉnh chính sách đất đai
Nhà báo Hữu Thọ-nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hoá T.Ư cho rằng, cấp T.Ư cũng cần xây dựng một nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn và ND khi VN đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Vĩnh Phúc cần tổng kết xem hiện nay ND đang tích tụ ruộng đất theo hình thức nào. Hình thức tích tụ nào là phù hợp với xu thế thì hợp thức hoá và khuyến khích. Nhà báo Hữu Thọ cũng đồng tình với Vĩnh Phúc về chủ trương không tổ chức chia lại ruộng đất vào năm 2013, vì như vậy sẽ gây ra sự sáo trộn rất lớn trong nông thôn, gây khiếu kiện trong ND. Ông cũng ủng hộ kiến nghị của Vĩnh Phúc với T.Ư là nên giao đất sản xuất nông nghiệp cho ND với thời hạn 50 năm thay vì 20 năm như hiện nay. "Vấn đề giao đất lâu dài liên quan rất lớn tới việc tích tụ ruộng đất. Nếu không có tích tụ ruộng đất thì sẽ không có sản xuất lớn, sản xuất hàng hoá"-nhà báo Hữu Thọ khẳng định