Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguyên liệu cá tra: Nhà máy hoạt động cầm chừng
03 | 03 | 2011
Tại ĐBSCL, do nguồn cung thiếu hụt, giá cá tra nguyên liệu lên đến trên 25.000 đồng/kg. Nhiều nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu phải tạm thời ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.

Hằng ngày, nhân viên của từng doanh nghiệp liên tục rảo qua các vùng nuôi tìm mua cá đang tới lứa thu hoạch. Lượng cá nuôi trong dân không còn bao nhiêu nên đơn vị nào cũng tranh mua, thay nhau đẩy giá cá vượt mức 25.000 đồng/kg.

Công nhân ít việc

Tại Cụm công nghiệp Mỹ Quý, TP Long Xuyên (An Giang), sớm chiều không còn thấy cảnh công nhân lũ lượt vào ca, tan ca như trước. “Cá nguyên liệu khan hiếm, giá tăng quá cao lại rất khó mua. Tình hình hết sức căng thẳng, công nhân phải nghỉ liên tục” - ông Nguyễn Trung Can, tổng giám đốc Công ty cổ phần An Xuyên, than thở.

Còn tại Cụm công nghiệp Thốt Nốt và Khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ), tình hình sản xuất của những đơn vị chế biến thủy sản cũng tương tự. Tại nhiều nhà máy, phân xưởng trở nên trống vắng. “Bên bộ phận thành phẩm còn thỉnh thoảng có việc làm. Riêng các bộ phận vận chuyển, phi lê..., công nhân phải nghỉ việc dài dài vì không thu mua được cá” - chị Nguyễn Thị Đào, công nhân Nhà máy Ấn Độ Dương, cho hay.

Theo nhiều doanh nghiệp, giá cá vượt 25.000 đồng/kg cho thấy mức độ thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu đang rất căng thẳng. Nguyên nhân do trước đó bị thua lỗ kéo dài, lại gặp khó khăn về vốn đầu tư, nhiều hộ nuôi bỏ nghề nên hiện lượng cá tới lứa thu hoạch rất ít. Bà Trần Thị Vân Loan, tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long, cho biết tình trạng này xảy ra từ hơn bốn tháng trước và lúc này đang diễn ra nghiêm trọng nhất. “Hiện không ít nhà máy phải tạm đóng cửa, số còn hoạt động cũng giảm từ 50% công suất” - ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, nói.

Còn thiếu dài dài

Có hợp đồng bao tiêu mới được vay vốn

Theo hiệp hội thủy sản một số tỉnh, để phát triển nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL thì Nhà nước cần có chính sách giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi, đồng thời nên khoanh nợ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn vay lãi suất ưu đãi...

Một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại ĐBSCL cho biết hiện các ngân hàng không giải quyết vay đối với những hộ nuôi cá đang còn nợ. Theo ông Phạm Ngọc Thạch - giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đồng Tháp, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh hiện nay rất thận trọng, chỉ cho vay đối với những trường hợp có hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đối với những hộ đang nuôi có tiềm lực kinh tế, nhưng cũng chỉ ở mức 30% trên số vốn đầu tư.

Mặc dù giá tăng cao cho mức lãi khoảng 5.000 đồng/kg, nhưng tình hình nông dân đầu tư nuôi cá vẫn trầm lắng. Vốn có tám ao chuyên nuôi cá tra với tổng diện tích 3,6ha, do thua lỗ liên tục, từ năm 2010 bà Nguyễn Thị Lùng (Châu Phú, An Giang) hiện chỉ còn nuôi hai ao nhỏ. “Giá thức ăn, thuốc men cứ tăng hoài. Trong khi giá cá lúc lên lúc xuống nên không dám nuôi nhiều” - bà Lùng nói.

Theo ông Phạm Văn Quỳnh - giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, đầu năm nay khi giá cá vừa tăng thì giá thức ăn, thuốc men... nhảy theo. Chi phí đầu tư nuôi cá hiện nay tăng gần gấp đôi so với ba năm trước. Trong khi kể từ đó đến cuối năm 2010, qua nhiều đợt thua lỗ nặng nhiều hộ cạn vốn, thậm chí nợ nần, ngân hàng lại hạn chế cho vay nên người nuôi không thể đầu tư.

Trước tình hình đó, không ít doanh nghiệp đang tính xây dựng vùng nuôi cho mình. Tuy nhiên, một số đơn vị cho rằng việc đầu tư này đòi hỏi vốn khá lớn, đồng thời quá trình nuôi phát sinh nhiều chi phí khiến giá thành nuôi cao, hiệu quả kinh tế đạt thấp. “Một nhà máy có công suất chế biến khoảng 200 tấn cá/ngày, mỗi năm phải có 70.000 tấn cá nguyên liệu và vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng. Do đó, nguồn cung cá nguyên liệu vẫn chủ yếu từ dân, nếu nông dân nghỉ nuôi thì các nhà máy đói dài dài” - ông Nguyễn Duy Nhứt, phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho hay.

Một khó khăn nữa là lượng con giống thả nuôi đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân từ thua lỗ đã làm hàng loạt cơ sở làm giống bị phá sản, nhiều đàn cá bố mẹ dùng sản xuất giống phải bán đổ bán tháo trước đó. Người dân cho biết mấy ngày qua giá cá giống loại 1,2-1,5 phân đã trên 55.000 đồng/kg nhưng mua không có. Theo bà Trần Thị Vân Loan, tình trạng khan hiếm con giống ảnh hưởng rất lớn tới việc đầu tư nuôi cá, nên nạn thiếu nguyên liệu có khả năng sẽ tiếp tục kéo dài.



Theo Tuổi Trẻ
Báo cáo phân tích thị trường