Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thất thu từ phụ phẩm, hạ giá mua chính phẩm
25 | 07 | 2011
Từ cuối quý 2/2011, sản lượng cá tra nguyên liệu có dấu hiệu dư thừa, liên tục rớt giá. So với các tháng hồi đầu năm nay, giá cá giảm từ 17 – 24%, người nuôi chịu lỗ trong khi giá xuất khẩu vẫn khá cao.

Tiến độ mua 30.000 tấn cá tra quá lứa, theo như cam kết của hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) hồi cuối tháng 6, đến nay xem như chưa đạt.

Tỷ giá, giá bán phụ phẩm giảm

Ông Dương Nguyễn Ngọc Minh, chủ tịch uỷ ban Cá nước ngọt, thuộc Vasep, thông tin, gần một tháng qua, tính cả số lượng cá quá lứa và đến lứa bắt, doanh nghiệp đã mua tới 80.000 tấn, nhưng thực tế, vẫn còn nhiều trại cá còn tồn với số lượng khá lớn. Tình trạng này khiến giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hạ thấp: cá tra loại một dưới 1kg/con còn khoảng 23.000 đồng/kg, loại trên 1kg từ 21.500 – 22.000 đồng, giảm 17 – 24% so với mức dao động 27.000 – 29.000 đồng/kg hồi quý 1 và hai tháng đầu quý 2 năm nay. Theo tính toán của người nuôi cá, giá cá hiện nay khéo nuôi lắm mới có lời, còn không là từ huề đến lỗ vốn.

Cá tra nguyên liệu giảm giá, theo lý giải của doanh nghiệp, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, đó là kỳ nghỉ hè từ tháng 6 hàng năm ở thị trường châu Âu, Mỹ thường kéo theo nhu cầu tiêu thụ cá giảm. “Hai tháng qua, các nhà nhập khẩu ít giao dịch, chỉ tập trung bán hàng đã mua trước nên doanh nghiệp không ký được hợp đồng”, chủ một doanh nghiệp cho biết.

Tuy nhiên, có nguyên nhân khác, được xem là yếu tố quyết định giá cá giảm sâu như hiện nay nhưng không doanh nghiệp nào dám trả lời thẳng thắn, đó là nguồn thu từ chênh lệch tỷ giá và giá bán phụ phẩm (xương, da, đầu, ruột cá) không còn cao như trước.

Trong suốt quý 1 và vài tháng đầu quý 2 năm nay, giá 1kg philê cá tra xuất khẩu đi châu Âu, mặc dù vẫn ngang mức hiện nay là 3,2 – 3,4 USD, nhưng khi quy đổi ra tiền đồng, đã mất 800 đồng/USD do tỷ giá giảm từ khoảng 21.300 đồng/USD xuống còn 20.500 đồng/USD. Một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thu về mỗi tháng khoảng 5 triệu USD, thì riêng khoản này đã mất 4 tỉ đồng.

Theo tính toán của các doanh nghiệp, trung bình cứ khoảng 3kg cá tra nguyên liệu chế biến ra 1kg philê xuất khẩu, doanh nghiệp tận thu 2kg phụ phẩm, giá bán từ 7.000 – 7.200 đồng/kg. Phụ phẩm cá tra được các nhà máy thức ăn gia súc mua lại, chế biến thành bột cá rồi xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng vài tháng nay, việc xuất khẩu bột cá sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn, nên giá phụ phẩm giảm còn khoảng 5.000 đồng/kg. Thông thường, doanh thu từ phụ phẩm sẽ đủ bù đắp các khoản chi phí chế biến (lương công nhân, điện, nước…) Nay, do thất thu các khoản trên, doanh nghiệp giảm giá mua nguyên liệu.

Người nuôi luôn yếu thế

Thị trường cá tra hiện nay trái ngược hoàn toàn với nhận định mà doanh nghiệp đưa ra trước đây là sản lượng cá sẽ giảm, giá ở mức cao suốt cả năm do thị trường xuất khẩu tốt hơn năm ngoái.

Bằng chứng là hồi đầu năm nay, Vasep cho rằng sản lượng cá tra năm nay sẽ giảm ít nhất 30%, tỷ lệ giảm rơi vào các hộ nuôi nhỏ lẻ. Trước nhận định này, nhiều nhà máy thay vì phụ thuộc vào nguồn cá trong dân như trước, nay bỏ vốn tự nuôi. Hồi tháng 6 vừa qua, Vasep khảo sát tại 43 nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra (chiếm 67% sản lượng xuất khẩu) cho thấy diện tích nuôi của doanh nghiệp đạt 2.247ha, chiếm 37% diện tích nuôi của đồng bằng sông Cửu Long. Trong số này, có 15% doanh nghiệp chủ động 100% nguồn nguyên liệu; 41% chủ động từ 60 – 80%; trên 43% chủ động từ 15 – 30% nguyên liệu. Những thay đổi trong xu thế nuôi trồng này ít người dân được biết nên cứ thấy giá cá tra cao, có lợi nhuận là bỏ vốn đầu tư nuôi. Đến khi thị trường gặp khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp ưu tiên bắt “cá nhà” trước, sau đó mới tính đến việc mua của dân, người dân mới vỡ lẽ.

Một lần nữa người nuôi cá và nhà chế biến xuất khẩu không có tiếng nói chung...

Theo Hoàng Bảy

SGTT



Báo cáo phân tích thị trường