Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Nội: Thực phẩm bán chạy trước ngày mưa bão
30 | 07 | 2011
Dù dự báo bão ảnh hưởng không nặng nề tới Hà Nội, nhưng sáng nay, nhiều bà nội trợ vẫn tích cực mua sẵm đồ dự trữ cho mấy ngày tới, phòng khi thiếu hàng, giá tăng.

Hai ngày nay, không khí mua bán tại các chợ, từ chợ dân sinh đến siêu thị... đều sôi động hơn bình thường. Thực phẩm, rau củ đắt hàng, giá có xu hướng nhích lên là những gì VnExpress.net ghi nhận tại hầu hết các chợ.

Chị Liên bán rau tại chợ Thái Hà (Hà Nội) cho hay, từ hôm qua đến sáng nay, sức tiêu thụ các loại củ, quả có thể để lâu như bí xanh, bí đỏ, bầu, khoai tây... tăng lên đáng kể. Từ sáng đến gần 11h trưa, chị bán được hơn 20 kg bí đỏ, gấp 5 lần so với ngày bình thường. Giá mỗi kg bí xanh, đỏ bán tại chợ này trong sáng nay phổ biến 12.000-13.000 đồng, tăng khoảng 3.000-4.000 đồng so với ngày thường. Tuy nhiên, những loại rau ăn lá khác như rau muống, dền, mồng tơi... giá tăng không đáng kể, nếu có cũng chỉ tăng khoảng 500 đồng so với trước.

Chị Nga, bán hàng rau tại chợ Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) cũng chia sẻ, một số loại rau củ có thể dùng dự trữ cũng tăng giá tại chợ đầu mối. Giá rau củ chỉ tăng khoảng 30%, trong khi các loại củ, quả như bầu, bí, mướp có mức tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với trước. "Giờ mỗi cân bí đã tăng gấp rưỡi, lên 8.000-11.000 đồng. Tuy nhiên, người mua không tỏ ra khó chịu, vì đi mua ngày mưa gió, mỗi mớ rau thấp nhất cũng 8.000 đến 20.000 đồng nên mức giá này cũng không đáng kể", chị Nga cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, xu hướng tích trữ thực phẩm trước bão của người dân không còn "mặn mà" như các năm trước. Tuy nhiên, tại nhiều chợ, lượng hàng bán ra vẫn tăng vọt so với bình thường.

Một tiểu thương tại chợ có ở phường Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) kể, ngày thường chị bán cũng được trên 30 mớ rau mỗi chiều, lãi khoảng 50.000 đồng, nhưng những ngày mưa bão, buôn bao nhiêu hết bấy nhiêu, khoảng 80 mớ rau cũng hết sạch. Số lượng rau bán tăng gấp đôi, tuy nhiên lãi lại tăng gấp ba, gấp bốn lần, khoảng 200.000 đến 400.000 đồng. Ngày thường bán mớ rau muống với giá 5.000 đồng, nhưng mưa gió bán cũng được 10.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi mớ tùy tình hình.

Các siêu thị cũng ghi nhận lượng khách tăng hơn bình thường. Lượng hàng bán ra trong hai ngày nay, so với mọi hôm cũng nhích hơn. Tuy nhiên, không có tình trạng người dân chen lấn, ồ ạt tranh nhau mua đồ chống bão như những mùa bão trước.

Đại diện siêu thị Big C cho biết, trong hai ngày 28 và 29/7, đơn vị này tiêu thụ được khối lượng lớn hàng hóa thuộc nhóm thực phẩm. Tỷ trọng bán hàng nhóm này cao hơn hẳn so với nhóm phi thực phẩm. Thịt lợn tươi sống, thịt gia cầm, các loại rau xanh như bắp cải, khoai tây, bí xanh và các mặt hàng đông lạnh là những mặt hàng bán chạy hơn cả. Ngoài ra, những loại đồ khô như mì, phở ăn liền, dầu ăn, đồ hộp... cũng là những mặt hàng có nhiều người mua.

Đại diện siêu thị trên đường Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, từ hôm qua đến hôm nay, khách đến mua sắm đông hơn. Những mặt hàng bán chạy nhất vẫn là gạo, thịt cá, rau xanh. Tuy nhiên, bà này cũng thừa nhận, so với những năm trước, năm nay người dân có phần bình tĩnh hơn. Nguyên nhân, theo bà này, là người dân thường xuyên được cập nhật thông tin về mưa bão. "Hơn nữa, các phương tiện thông tin đều nói bão hầu như không ảnh hưởng đến Hà Nội, chính vì thế mà tình hình mua bán không 'nóng' như các năm trước", bà này chia sẻ.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart thừa nhận, từ hôm có thông tin có bão, đơn vị này đã yêu cầu các nhánh siêu thị trên địa bàn thành phố chuẩn bị đầy đủ hàng hóa, lương thực thực phẩm để phục vụ người dân. Lượng hàng nhập về tăng mạnh 30-50% so với trước.

Tuy sức mua cũng tăng lên trong hai ngày gần đây, nhưng bà Hậu chia sẻ lượng người ồ ạt gom hàng với số lượng nhiều không đáng kể. "Những loại rau củ như bí đỏ, bí xanh bình thường người dân vẫn mua chống bão, siêu thị Fivimart ở đường Hoàng Quốc Việt nhập rất nhiều về, nhưng nhân viên cho tôi biết là lượng bán ra cũng chỉ bình thường", bà Hậu nói.

Dù thế, hầu hết các siêu thị đều cam kết giá hàng hóa sẽ ổn định ngay cả khi mưa bão. Phó Tổng giám đốc Fivimart khẳng định, ngay cả khi có mưa bão, đơn vị này vẫn kiên quyết giữ giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân. "Tình trạng nâng giá thực phẩm, rau của chỉ diễn ra tại chợ, còn siêu thị gần như không có. Nguyên nhân là nguồn cung cũng như giá cả trong các siêu thị thường ổn định do đã có hợp đồng mua bán hàng", bà Hậu nói.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sớm nay, tâm bão chỉ còn cách bờ biển Thái Bình - Hà Tĩnh khoảng 230 km, mạnh cấp 9-10. Hôm nay, bão đi nhanh chủ yếu theo hướng tây với tốc độ 20-25 km mỗi giờ.

Từ trưa nay, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh. Đến 16h chiều, tâm bão nằm trên vùng bờ biển từ Thái Bình đến Hà Tĩnh, suy giảm một cấp. Khi về tới Hà Nội, cơn bão đã suy yếu và chỉ có thể gây mưa trên diện rộng.

Theo Thanh Hoa - Hà Đan

Vnexpress



Báo cáo phân tích thị trường