Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CPI tăng cao và những thách thức kiềm chế lạm phát
20 | 07 | 2011
Theo các chuyên gia, muốn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17% thì phải bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa…
Chỉ số giá tiêu dùng tính theo tháng của năm 2011 có những diễn biến khác thường so với mọi năm. Điển hình như vào tháng 4 hàng năm, chỉ số CPI thường xuống thấp, thì năm nay lại tăng cao đột biến. Sau 2 tháng giảm tốc, thì đến tháng 7, chỉ số CPI lại đột ngột tăng cao. Các chuyên gia kinh tế dự báo, CPI tháng 8 có thể giảm nhẹ, song để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17% như Chính phủ đề ra, vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt.
Một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tăng 1,17% so với tháng trước, và tăng cao hơn so với thông lệ hàng năm là do nhóm thực phẩm tăng giá đột biến. Còn vì sao nhóm thực phẩm tăng mạnh thì được cơ quan chức năng lý giải là: nguồn cung thiếu (do dịch bệnh, thời tiết ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp); hoặc do thương lái nước ngoài thu gom nông sản, đẩy giá nông sản trong nước lên cao.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia kinh tế, thì việc giá thực phẩm nói riêng và giá cả hàng hoá thiết yếu nói chung tăng cao còn do hệ thống phân phối, hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thao túng giá.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hiện nay, hàng hóa đến tay người tiêu dùng phải đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí bất hợp lý. Hệ quả của tình trạng chuỗi sản xuất - phân phối bị chia cắt là giá cả tăng, tác động chỉ số giá tiêu dùng.
Ông Vũ Vinh Phú đưa ra dẫn chứng: “Một ví dụ về sự vô lý là 0,5 triệu tấn đường nằm trong nhà máy giá 17.000  đồng/kg trong khi đó thị trường bán lẻ vẫn là 26.000 đồng/kg. Như vậy là người tiêu dùng bị móc túi. Tương tự dầu ăn, sắt thép, các mặt hàng thiết yếu cũng vậy, toàn mua đứt bán đoạn, không thực hiện theo Quyết định 27 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thị trường nội địa. Vì thế cần phải chấm dứt độc quyền, phải có “nhạc trưởng”chỉ huy các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu”.
Một số chuyên gia dự báo, tốc độ tăng CPI trong tháng 8 tới sẽ đi xuống hoặc tăng thấp hơn so với tháng 7. Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục ít nhất là hết quý 3/2011, do nhiều yếu tố ảnh hưởng lớn tới CPI đã hạ nhiệt: Áp lực về điều chỉnh tỷ giá đã hết, giá các nguyên nhiên liệu đầu vào như than, xăng, dầu, điện đi vào ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá thực phẩm trong tháng 7 tăng mạnh, thì việc bổ sung nguồn cung thực phẩm trong tháng 8 là rất quan trọng. Nếu không mở rộng sản xuất, tái đàn kịp thời, thì có thể tiếp tục xu hướng như tháng 7, chứ không thể giảm nhanh như 2 tháng trước.
Thông thường, từ quý 2 trở đi, lạm phát tính theo tháng sẽ giảm dần, nếu không có biến động lớn như: giá nguyên nhiên liệu thế giới tăng, điện, than, xăng dầu trong nước nâng giá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, việc kiềm chế lạm phát năm nay đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Vì chỉ riêng 7 tháng qua, chỉ số CPI đã ở mức 14,46%. Như vậy, để đạt mục tiêu 17% như Chính phủ đề ra, thì CPI 5 tháng còn lại chỉ được ở mức 2,54%, nghĩa là trung bình mỗi tháng chỉ tăng 0,5%, sẽ khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những việc cần làm ngay lúc này là mở rộng sản xuất, đảm bảo nguồn cung hàng hoá, lương thực, thực phẩm; quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm. Đồng thời với đó là quản lý giá cả và thị trường. Tiến sỹ Vũ Đình Ánh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng “Quản lý giá cả và thị trường là một bộ phận trong kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý giá hiện nay chưa cao, theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng phải quản lý giá cả theo nguyên tắc, quy luật thị trường chứ không phải dựa vào các biện pháp hành chính.
Để kiềm chế lạm phát và bình ổn giá thị trường, cần nhiều giải pháp đồng bộ và triệt để. Theo đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), muốn đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 17% thì phải tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm ổn định cung - cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; thực hiện các biện pháp bình ổn giá; giám sát và hạn chế tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng thị trường, tăng giá bất hợp lý, buôn lậu qua biên giới. Đồng thời, kiên trì và nhất quán điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường và bảo đảm an sinh xã hội. Giải pháp là vậy, nhưng thực hiện được hay không lại đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và quyết tâm của cơ quan chức năng cũng như các địa phương./.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường