Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những tín hiệu đáng mừng
23 | 04 | 2008
Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước có những biến động phức tạp, khó lường, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, ngày 3-3-2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 319/TTg-KTTH về việc tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát năm 2008.
Sau một tháng rưỡi thực hiện các giải pháp nói trên, với sự đồng thuận cao của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội, công cuộc kiềm chế lạm phát của Việt Nam đã có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thách thức phía trước vẫn còn rất lớn...


Chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm lại


Bằng sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại. CPI tháng ba đã giảm còn 3,02% được coi là thành công bước đầu của việc áp dụng biện pháp "cả gói" về chống lạm phát của Chính phủ, trong đó thắt chặt tiền tệ là biện pháp chủ chốt. Sang tháng 4, nhiều mặt hàng đã bắt đầu giảm giá. Từ ngày 10-4, giá vé tàu hỏa đã giảm từ 7 đến 10% so với giá cũ. Giá thép xây dựng sau một thời gian khá dài biến động, nay đã chững lại. Hiệp hội Thép Việt Nam cam kết giữ nguyên giá trong tháng 4. Giá phân bón trong tháng 4 cũng “hạ nhiệt” hơn so với tháng 3. Đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khẳng định với phóng viên báo Quân đội nhân dân: “Cùng với Chính phủ, ngành Dầu khí đang tích cực triển khai các giải pháp kiềm chế lạm phát, theo đó Đạm Phú Mỹ sẽ giảm giá bán phân đạm trong quý II so với quý I năm nay”.


Người tiêu dùng và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm đến giá lương thực, thực phẩm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Theo ghi nhận của phóng viên và các cộng tác viên báo Quân đội nhân dân, trong mấy ngày gần đây, giá lương thực, thực phẩm đã không còn tăng như trước nữa, thậm chí một số mặt hàng đã bắt đầu giảm nhẹ. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá bán lẻ gạo ngày hôm qua (20-4) đã giảm khoảng từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá thịt lợn cũng giảm khoảng từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 3.


Chưa có số liệu thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, chắc chắn CPI tháng 4 sẽ thấp hơn tháng 3.


Cả xã hội đồng thuận kiềm chế lạm phát


Tiếp theo văn bản chỉ đạo các biện pháp kiềm chế lạm phát của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu tháng 3 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục có các cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để nghe mọi người hiến kế và tạo ra sự đồng thuận của toàn xã hội trong công cuộc kiềm chế lạm phát. Thủ tướng Chính phủ đã gửi thông điệp đến toàn dân kêu gọi mọi người tiết kiệm, chung sức, chung lòng, cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Những “Hội nghị Diên Hồng” bàn về giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đã được đông đảo người dân quan tâm.


Để ưu tiên tập trung cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, tại buổi giao ban Thường trực Chính phủ về công tác điều hành xuất, nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, bảo đảm cung cầu hàng hóa, quản lý giá cả đối với các mặt hàng chiến lược mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: Đến tháng 6-2008 chưa tăng giá 10 mặt hàng thiết yếu, trừ khi có trường hợp đột biến giá. Đó là các mặt hàng: xăng dầu, điện, than, nước sạch, vé xe buýt, vé tàu hỏa, vé máy bay, xi măng, sắt thép, học phí và viện phí.


Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước cần đẩy mạnh tiết kiệm, nhất là đối với các cơ quan hành chính Nhà nước, trước mắt cần thực hiện tiết kiệm 10% mức tiêu thụ xăng, dầu. Thủ tướng giao Bộ Công thương và các doanh nghiệp thương mại bảo đảm đủ cung cầu các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất trong nước. Thủ tướng cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường và các hiệp hội ngành hàng tăng cường quản lý giá, bán theo giá niêm yết và xử phạt nghiêm minh đối với những doanh nghiệp, cửa hàng bán không đúng giá niêm yết.


Những thách thức mới


Dù đã có những tín hiệu vui trong công cuộc kiềm chế lạm phát, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đứng trước những thách thức mới khá gay go và phức tạp. Kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái có thể sẽ làm chao đảo hệ thống tài chính toàn cầu và đẩy nhiều nền kinh tế vốn đang bị trục trặc vĩ mô vào tình thế rất xấu. Trên thị trường quốc tế, giá nhiều loại vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu vẫn có xu hướng tăng cao. Cuối tuần qua, giá dầu thô đã đạt kỷ lục mới. Tại Niu Y-oóc (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5-2008, tăng 1,83USD, lên mức 116,69USD/thùng. Trước đó có thời điểm giá dầu thô ở thị trường này đạt 117USD/thùng, mức cao nhất từ trước tới nay.


Trong nước, đợt rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ đã gây tổn thất lớn về vật chất và tác động bất lợi đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng ở gia súc, dịch tai xanh ở lợn… vẫn đang tiếp tục đe dọa đến nền nông nghiệp. Trong điều kiện kinh tế nước ta có sức cạnh tranh chưa cao lại mới bước đầu vận hành theo cơ chế thị trường và đang hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thì những hệ quả nặng nề của thiên tai, dịch bệnh và những biến động bất lợi của kinh tế toàn cầu đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng và đến mặt bằng giá trong nước.


Tại cuộc họp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây để các doanh nghiệp hiến kế kiềm chế lạm phát, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu đã nhấn mạnh: Khu vực sản xuất nông lâm thủy sản... hiện đang đối mặt với vô vàn khó khăn: thiếu thuốc trừ sâu, vắc-xin phòng chữa bệnh gia súc, thiếu phân bón... Trong khi đó, chính sách lãi suất cho vay của ngân hàng đang góp phần thu hẹp lại sản xuất nông nghiệp làm gia tăng trầm trọng sự mất cân đối giữa mối quan hệ tiền - hàng.


Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội,
năng suất sản xuất của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới từ 2 đến 15 lần nên giá thành rất đắt. Mía trồng ở Thái Lan được 120 tấn/ha, trong khi sản lượng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 60 tấn/ha. Cà chua trồng theo công nghệ I-xra-en đạt 60 tấn/ha, công nghệ Việt Nam chỉ đạt 6 tấn/ha. Năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất cao và bảo quản sản phẩm kém dẫn đến giá thành cao. Mối liên hệ giữa sản xuất và lưu thông rất lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm. Giá cả ở siêu thị thường cao hơn giá ở chợ ngoài. Chợ đầu mối nông sản chỉ có được một vài cái ở phía Nam, còn miền Bắc hầu như không có. Tình trạng nông dân bị ép giá rất phổ biến. Một ki-lô-gam tôm ở Thái Bình là 90.000 đồng/kg, nhưng về đến chợ Châu Long (Hà Nội) là 160.000 đồng/kg.


Nhiều chuyên gia lo ngại, đến thời điểm tháng 7, giá cả lại có cơ hội leo cao vì chủ trương không tăng giá chỉ đến hết tháng 6.


Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện


Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP về các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Nghị quyết đề ra 8 nhóm biện pháp chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm này, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch tổ chức, triển khai ngay trong tháng 4-2008. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, 8 nhóm giải pháp này là đồng bộ, chặt chẽ, nhưng vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện. Nghị quyết đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả lại tùy thuộc vào sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương. Ví dụ như việc cắt giảm, sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư Nhà nước và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước. Các bộ trưởng; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; chủ tịch hội đồng quản trị; tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế; tổng công ty Nhà nước, phải thực hiện việc rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư để cắt bỏ các công trình đầu tư kém hiệu quả, tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành, những công trình đầu tư cho sản xuất hàng hóa thuộc mọi thành phần kinh tế để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sản xuất. Việc rà soát này không đơn giản bởi sẽ “động chạm” đến quyền lợi cục bộ của một số tập thể, cá nhân.


Việc thực hiện chính sách tiết kiệm, cắt giảm những khoản chi mua sắm chưa thật cần thiết, giảm tối đa các hội nghị, giảm chi phí đi lại; cắt giảm các khoản chi tiếp khách, các đoàn công tác nước ngoài bằng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc ngân sách mà không thật thiết thực; tiết kiệm năng lượng, phương tiện… nếu không có sự tự giác và gương mẫu của người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp và không có chế tài kiểm tra chặt chẽ cũng khó có thể đạt được hiệu quả như mong muốn.


Được biết, vào ngày chủ nhật (27-4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì việc giao ban qua mạng Internet. Nội dung chủ yếu của buổi giao ban này là: Kiểm điểm tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa phương về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững; Đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, đề xuất các giải pháp cho thời gian tới. Đây là nét mới trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tiến tới giảm dần các cuộc họp, hội nghị tập trung đông người theo cách làm truyền thống, nhằm thực hành tiết kiệm thời gian, chi phí và tiền củacông quỹ mà vẫn đạt hiệu quả như mong muốn. Đây cũng là tín hiệu mừng và hy vọng nó sẽ được nhân rộng ra các bộ, ngành, địa phương.



Theo Quân Đội Nhân Dân
Báo cáo phân tích thị trường