Cùng với việc ào ạt thu mua nguyên liệu thủy sản, các thương lái nước ngoài cũng ồ ạt thu gom nhiều mặt hàng nông sản khác.
Theo Bộ Công Thương, việc các thương lái nước ngoài trực tiếp tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa của người nông dân là vi phạm quy định của Việt Nam.
Nguy cơ khó lường
Tình trạng tự tổ chức mạng lưới trực tiếp thu gom hàng hóa xuất khẩu của các thương lái Trung Quốc đã diễn ra trong một thời gian dài tại nhiều tỉnh trong cả nước. Đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với việc ào ạt thu mua nguyên liệu thủy sản, nhất là tôm sú ở các địa phương như Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, thương lái Trung Quốc cũng thu gom nhiều mặt hàng nông sản khác, từ hồ tiêu, cà phê, cao su, thịt lợn, trứng gia cầm đến cả khoai lang, sắn lát... Tại miền Bắc, vụ vải thiều Lục Ngạn vừa qua, có gần 100 thương lái Trung Quốc đã đến tận vùng vải tổ chức thu mua trực tiếp, mang về thị trường Trung Quốc tiêu thụ.
Đương nhiên, khi hàng hóa được thu gom ồ ạt với khối lượng lớn, giá cả sẽ có lợi cho người sản xuất. Nông sản được giá là niềm vui lớn nhất của những người nông dân “một nắng hai sương”, nhất là khi sản phẩm sản xuất ra được thương lái mua tận nơi, trao tiền tận tay với giá bán cao hơn giá thu mua trước đây.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam mua nông sản, thực phẩm với giá cao giúp cho việc tiêu thụ hàng của nông dân tốt hơn, được giá hơn là điều đáng mừng vì góp phần cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện tiếp tục mở rộng sản xuất phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc thu gom nông sản của thương nhân Trung Quốc tại thị trường Việt Nam thời gian qua đã gây xáo trộn thị trường trong nước. Giá các loại nông sản, thủy sản bị đẩy lên mức cao bất thường, gây nên những hệ lụy có thể nhìn thấy trước mắt hoặc ảnh hưởng lâu dài tùy ở từng mặt hàng. Trước hết đó là việc ảnh hưởng tới mặt bằng giá tiêu dùng trong nước mà theo phân tích của các chuyên gia, chỉ số giá tiêu dùng những tháng gần đây tăng do sự tăng giá bất thường của nhiều mặt hàng thực phẩm.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản trong nước, việc các thương nhân Trung Quốc về tận cơ sở sản xuất thu mua nông sản, thủy sản không chỉ đẩy giá trong nước tăng mạnh mà còn gây tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Nhiều ngành hàng xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam đã từng có văn bản gửi lên Bộ Công Thương phản ánh tình trạng này và cho rằng đây là hoạt động bất hợp pháp cần có sự quản lý chặt chẽ của các cấp chính quyền. Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng phản ánh việc thương nhân Trung Quốc mua vét thủy, hải sản, gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), việc Việt Nam thực hiện mua bán hàng hóa và xuất khẩu cho thương nhân nước ngoài là hoạt động thương mại bình thường. Những thương nhân nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam có quyền mua hàng hóa của Việt Nam để xuất khẩu.
Tuy vậy, quyền này không bao gồm quyền tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Ông Nguyễn Lộc An cũng khẳng định: “Các thương nhân, thương lái nước ngoài không được trực tiếp vào tận vườn thu mua nông sản. Họ chỉ được đi theo các lái buôn Việt Nam vào vườn với mục đích tham khảo mặt hàng, giá cả. Các công việc mua gom đều phải do thương lái người Việt đảm nhận. Họ chỉ được phép ký hợp đồng mua sản phẩm qua thương lái Việt Nam”...
Với thực trạng hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại đến tính bền vững của sản xuất. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, việc thu mua một số nông sản với giá cao bất ngờ sẽ khiến nông dân chạy theo lợi nhuận, chặt phá các loại cây đã được quy hoạch để trồng cây có giá hơn, từ đó phá vỡ quy hoạch và cơ cấu hệ cây trồng Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc mặc dù rộng lớn và đa dạng, song lại rất hay thay đổi, thiếu tính ổn định nên nguy cơ sẽ rất khó lường.
Thắt chặt kiểm soát
Theo Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thương nhân nước ngoài thu gom nông sản trong nước hầu hết là không có giấy phép, phần lớn xuất qua đường tiểu ngạch nên rất khó kiểm soát.
Cho đến nay số lượng hàng hóa nông sản thương lái Trung Quốc thu gom là bao nhiêu, các cơ quan quản lý cũng như các hiệp hội ngành hàng trong nước vẫn chưa có con số cụ thể. Tại các tỉnh được xem là “điểm nóng” của hiện tượng này như đồng bằng sông Cửu Long, các cơ quan quản lý địa phương cũng vẫn không nắm được thông tin đầy đủ về vấn đề này.
TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, đề xuất: Về mặt pháp lý chúng ta chưa có quy định danh mục các mặt hàng nông sản hạn chế thu mua. Vì vậy, đã đến lúc cơ quan chức năng cần đưa ra các danh mục mặt hàng hay quy định hạn chế đối với các mặt hàng nhạy cảm mà chúng ta đang có lợi thế cung ứng trong nước.
Theo quy định của WTO, Việt Nam có quyền cấm các thương nhân nước ngoài đăng ký kinh doanh và thu mua trực tiếp hàng hóa để xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Lộc An, công tác quản lý cách thức thanh toán trong hoạt động xuất nhập khẩu còn thiếu chặt chẽ (nhất là ở vùng biên giới) cũng tạo nhiều kẽ hở đối với hoạt động thương mại của các thương nhân Trung Quốc nên cần thắt chặt việc thu đổi ngoại tệ thì mới có thể kiểm soát được việc thu mua hàng hóa.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam, cũng cho rằng: Sản xuất của nước ta còn phân tán, liên kết giữa sản xuất và tiêu dùng cũng chưa cao nên khi thị trường tốt thì tất cả các đối tác bên ngoài nhảy vào mua, thị trường xấu thì không ai mua, khiến người sản xuất gặp khó khăn.
Vì vậy cần có sự liên kết như thế nào để giữ giá ổn định, tránh chuyện giá tốt thì nhảy vào mua bất chấp chất lượng, tạo thói quen mới là sản xuất hàng hóa không cần quan tâm đến chất lượng và khi đó đến lúc người ta không mua nữa thì người dân không biết bán cho ai. Đây là câu chuyện “dài hơi” mà cần đi vào từng ngành, từng lĩnh vực để có được kế hoạch sản xuất kinh doanh lâu dài.
Bên cạnh đó, để quản lý hoạt động thu mua nông sản, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc Quyết định 80 của Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tức là sản xuất, tiêu thụ hàng hóa phải có hợp đồng, thông qua hợp đồng để đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam.
Theo Đỗ Huyền - Thanh Hương\
Tin Tức TTXVN