Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng và thương mại thủy sản Nga
22 | 08 | 2011
Những năm gần đây, sản lượng khai thác thủy sản của Nga tăng ổn định. Cục Nghề cá Liên bang Nga cho biết, Nga đã khai thác 2,1 triệu tấn thủy sản trong nửa đầu năm 2011, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2010, đặc biệt là khai thác cá hồi

Dự báo tổng sản lượng cá hồi năm 2011 đạt 430.000 tấn, tăng 24% so với năm 2010. Trong khi đó, Nga cũng tiếp tục tăng NK cá và từ tháng 10/2010 đến tháng 5/2011, giá trị NK cá của Mỹ vào Nga đạt kỷ lục 40 triệu USD, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng khai thác

Sản lượng thủy sản khai thác của Nga trong nửa đầu năm 2011 tăng do tăng khai thác các loại cá trích, cá tuyết và cá hồi, trong khi sản lượng cá minh thái giảm 2% so với cùng kỳ năm 2010. Cá minh thái chiếm 40% tổng sản lượng khai thác của Nga năm 2010, tiếp đó là cá tuyết, cá trích, cá hồi đỏ, cá haddock và các loài khác. Dù sản lượng khai thác tăng liên tiếp trong 8 năm gần đây nhưng vẫn thấp hơn rất nhiều so với thời kỳ trước khi Liên Xô tan rã. 

Nga có 5 ngư trường khai thác chính, trong đó ngư trường Viễn Đông (Châu Á – Thái Bình Dương) chiếm 66% tổng sản lượng khai thác, tiếp đến là ngư trường Bắc Đại Tây Dương. Ngư trường phía đông, ngư trường Caxpi, Azôp và Biển Đen đóng góp không đáng kể vào sản lượng khai thác của nước này. So với năm 2010, khai thác thủy sản tăng nhưng không đồng đều. Cụ thể, sản lượng khai thác tại Viễn Đông tăng 6%, ngư trường phía bắc tăng 16%, Caxpi 1%, trong khi sản lượng tại các ngư trường thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước ngoài tăng đến 29%.

Các tập đoàn sản xuất và kinh doanh thủy sản hàng đầu của Nga là “Russkoye More”, “ROC-1”, “Meridian”, “Santa Bremor”, “Baltiyskiy Bereg”. Trong đó, Baltiyskiy Bereg chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất thủy sản cũng như thị phần phân phối thủy sản ướp lạnh và đông lạnh tại Nga.

Khai thác và kinh doanh cá hồi

Dự kiến khai thác cá hồi năm 2011 sẽ đạt 420.000 tấn, tăng 24%. Theo các nguồn tin thương mại, nguồn cung cá hồi tại Nga đang dồi dào do nước này NK một lượng lớn cá hồi Chilê đồng thời dữ trữ nhiều cá trong kho lạnh tại cảng Xanh Pêtecbua và Murmansk. Nguồn cung lớn khiến giá cá hồi thế giới giảm, giá cá tại Na Uy giảm 17% từ 300 rup/kg trong tháng 3/2011 xuống còn 250 rup/kg vào giữa tháng 6/2011. Giá cá hồi tại thị trường nội địa cũng có xu hướng giảm. Tại Viễn Đông Nga, cá hồi đỏ có giá 90 – 97 rup/kg; cá hồi chó 115 – 135 rup/kg; cá hồi sockeye 165 – 180 rup/kg. Khai thác cá hồi nội địa tăng cũng là nguyên nhân khiến giá bán buôn trứng cá hồi giảm.

Tuy dự đoán nguồn cung tăng và giá giảm trong năm 2011, nhưng mức giá các nhà cung cấp và XK đưa ra trong mùa khai thác khan hiếm năm 2010 vẫn không giảm tương ứng với tình hình cá hồi năm nay. Vì vậy, giới kinh doanh cá hồi tại Nga, bao gồm cả trứng cá hồi, vẫn găm một lượng hàng lớn trong kho và đợi khi kết thúc mùa khai thác cá hồi và giá cá sát với tình hình thị trường mới bắt đầu ký hợp đồng cung ứng trứng cá hồi cho năm 2011.

 

Thương mại

Nga vẫn tiếp tục tăng NK cá hồi. Năm 2009, NK cá hồi vào nước này giảm do khủng hoảng nhưng đã phục hồi trở lại vào năm 2010 và trong 5 tháng đầu năm 2011 tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Các đối tác chính của Nga là NaUy, Trung Quốc, Aixơlen, Canađa và Chilê.

Tuy Mỹ chưa chiếm thị phần lớn tại Nga nhưng thủy sản của Mỹ XK sang Nga đang tăng mạnh, đạt kỷ lục gần 60 triệu USD năm 2010, cao gấp đôi so với năm 2009. Sản phẩm XK chủ yếu của Mỹ là trứng cá hồi, tăng gần 9 lần, từ gần 4 triệu USD năm 2010 lên 32 triệu USD năm 2011. Nguyên nhân do năm 2010 khai thác cá hồi của Mỹ đạt thấp nên không thu được nhiều trứng, trong khi nhu cầu cá hồi và trứng cá hồi tiếp tục tăng mạnh.

Theo Cơ quan Thống kê Nga, năm 2010, giá thủy sản bán lẻ tại Nga tăng 4,8%. Dự báo năm 2011, nhu cầu thủy sản và lượng tiêu thụ thủy sản trung bình sẽ tăng cao, đối với các loài có giá rẻ như cá trích, cá tuyết hake và cá vược, cũng như thủy sản và sản phẩm chế biến sẵn có giá cao, gồm cả cá hồi và trứng cá hồi. Thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi, nhu cầu tiêu thụ tăng và kinh tế phục hồi khiến cá ướp lạnh và đông lạnh NK vào Nga tăng. Ước tính mỗi người dân Nga tiêu thụ khoảng 18kg thủy sản/năm.

Cơ cấu tiêu thụ thủy sản tiếp tục phụ thuộc nhiều vào thu nhập, giá cả và thói quen tiêu dùng của người Nga. Năm ngoái, thói quen tiêu dùng của người Nga khá ổn định, tập trung chủ yếu vào các loài cá trích, cá minh thái, cá thu, cá hồi và cá hồi ráng. Thủy sản đông lạnh là mặt hàng truyền thống tại Nga. Sắp tới nhu cầu trứng cá hồi tại nước này có thể tăng nếu giá NK vẫn giữ nguyên ở mức năm 2010.

Tuy NK nhiều cá nhưng XK cá của Nga vẫn tăng, đạt 2,2 tỷ USD, chủ yếu xuất sang các thị trường Châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Chính sách của chính phủ

Một trong những trở ngại lớn của ngành thủy sản Nga là vấn đề quản lý giá. Cụ thể, biên độ giữa giá bán buôn và bán lẻ thủy sản cao hơn 50%. Chẳng hạn giá cá minh thái đông lạnh bán buôn tại Vlađivôxtôc là 40 rup/kg nhưng giá bán lẻ tại Maxcơva là 130 rup/kg.

Theo Cục Chống độc quyền Liên bang Nga, ước tính khâu môi giới trung gian góp 46% vào việc tăng giá bán lẻ, chi phí kinh doanh chiếm 20%, còn các nhà chế biến chiếm 34%.

Cũng theo thống kê của Cục, các loài cá giá rẻ có mức tăng giá bán lẻ cao nhất, cá trích – 49%, cá tuyết xanh – 64% và cá ốt vảy nhỏ – 52%. Đối với các loài có giá đắt hơn, giá bán lẻ chỉ tăng 10% so với giá gốc do người tiêu dùng không thể mua nếu tăng cao hơn.

Hình thức tăng giá này là một chiêu bài để nhà sản xuất và kinh doanh thủy sản tránh đóng thuế. Tại cuộc họp chính phủ gần đây, Phó Thủ tướng Nga Zubkôp đã yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân chênh lệch giá bán buôn – bán lẻ tăng chóng mặt. Về thuế quan, Cục Nghề cá Liên bang đã đề xuất Bộ Phát triển kinh tế tăng mức thuế NK phi lê cá minh thái đông lạnh do loại sản phẩm này có nguồn gốc là cá nguyên liệu của Nga XK sang Trung Quốc để chế biến và được NK trở lại Nga, điều này gây ảnh hưởng đến ngành chế biến nội địa.

Một khó khăn khác mà Nga phải đối mặt là tình trạng khai thác trái phép và buôn lậu thủy sản, đặc biệt đối với cua khai thác tại Kamchatka. Cua Kamchatka bị khai thác vượt mức cho phép 6 lần, cua đuôi ngựa 15 lần. Đối chiếu số liệu tại Hải quan các nước cho thấy lượng cua của Nga NK vào các nước này cao hơn nhiều so với số liệu XK cua tại Hải quan Nga.

Về chính sách, chính phủ Nga ngày càng quan tâm đến vai trò của nuôi trồng thủy sản. Hiện Luật Nuôi trồng thủy sản đang được trình Quốc hội Nga xem xét lần 2. Dự kiến nhiều khả năng sản lượng nuôi trồng thủy sản của Nga sẽ đạt mức 400.000 tấn, gấp đôi mức dưới 200.000 tấn hiện nay.

Can thiệp của chính phủ

Hè năm 2009, sau khi cá hồi lập kỷ lục khai thác tại Viễn Đông, chính phủ đã công bố ý định can thiệp bình ổn giá thủy sản Tuy nhiên cho đến nay, chính phủ chưa có thêm động thái cũng như tuyên bố nào về vấn đề này. Trước tình hình sản lượng khai thác cá hồi tại Viễn Đông sẽ tăng cao trong năm 2011, chính phủ Nga đang lên kế hoạch chi 1 tỷ rup để can thiệp làm giảm biến động giá cá hồi. Kế hoạch bình ổn này sẽ được tập đoàn có tầm cỡ Liên bang “National Fishery Resources” tiến hành với mục tiêu giảm thiểu biến động phức tạp về giá, qua đó cải thiện điều kiện của ngư dân tại Viễn Đông trong mùa khai thác 2011, cũng như ngăn chặn giá cá bán lẻ tăng vọt khi nguồn cung giảm tại khu vực nước Nga ở Châu Âu. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ thu mua cá hồi đỏ của ngư dân trong trường hợp giá cá thấp hơn mức giá trung bình trên thị trường những năm trước. Tuy nhiên, giới kinh doanh Nga cho rằng, chính phủ không cần thiết phải can thiệp điều chỉnh giá bởi từ trước đến nay thị trường thủy sản Nga vẫn trong tình trạng cạnh tranh giá. Theo nhiều chuyên gia, việc chính phủ can thiệp có thể khiến thị trường bất ổn và xuất hiện cạnh tranh không cần thiết.

 



Báo cáo phân tích thị trường