Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển chuỗi cung ứng để giảm bất ổn thị trường thực phẩm
14 | 09 | 2011
Cung ứng thực phẩm theo dạng chuỗi và cũng cố mối quan hệ giữa các thành phần trong chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến, tiêu thụ được xem là giải pháp để ngăn ngừa những bất ổn trên thị trường thực phẩm, đặc biệt là trong các tháng cao điểm cuối năm.

Theo Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thì mặc dù giá thịt heo từ giữa tháng 8 trở lại đây đã giảm nhưng vẫn còn đứng ở mức rất cao. Trong tháng 7, đỉnh cao của đợt “sốt” giá thịt heo vừa qua ở miền Bắc đã tăng đến gần 80%, trong khi ở miền Nam tăng không kém, từ 53 đến 71% so với tháng 1-2011.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công Thương, nhận xét tại hội thảo về chuỗi cung ứng thực phẩm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 13-9 rằng cũng như các mặt hàng thiết yếu khác, hệ số co giãn của cầu đối với thực phẩm rất thấp nên cho dù giá tăng cao, cầu cũng chỉ giảm rất ít. Khi cầu khó giảm, cách tốt nhất để bình ổn thị trường thực phẩm là duy trì nguồn cung ổn định.

“Nếu chúng ta có chuỗi cung ứng thực phẩm từ khâu chăn nuôi, chế biến đến khâu phân phối sản phẩm ra thị trường với mối liên hệ chặt chẽ thì nguồn cung sẽ luôn được đảm bảo và thị trường sẽ không gặp phải những bất ổn như đã xảy ra”, ông nói.

Chuỗi cung ứng theo ông An cơ bản bao gồm các khâu sản xuất (gồm cả giống, thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi), chế biến và phân phối.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Thanh Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam thì trong chuỗi cung ứng, chính người chăn nuôi hiện đang phải chịu nhiều thiệt thòi khi đầu ra luôn bị các công ty thu mua bắt chẹt. Trong khi đó, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước từ công tác dự báo nhu cầu thị trường cho đến giống, vắc xin, chi phí tiêu hủy khi xảy ra dịch bệnh... cũng tồn tại nhiều bất hợp lý.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường