Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT cho rằng cần tập trung đầu tư cải thiện chất lượng sản phẩm.
Yếu từ khâu bảo quản đến sức cạnh tranh
Trên thực tế chuỗi cung ứng rau quả qua nhiều tầng đã ảnh hưởng đến chất lượng và tăng giá thành sản phẩm. Thương lái thu mua của nông dân rồi cung cấp cho nhà buôn sỉ vận chuyển về các tỉnh phân phối cho đại lý, chợ đầu mối, sau đó sản phẩm mới đến người tiêu dùng. Hằng năm, Tập đoàn Metro thu mua tại Việt Nam khoảng 8.500 tấn rau quả, riêng khu vực Đà Lạt chiếm đến 30%. Big C cũng thu mua 70% nông sản là rau quả. Mặc dù sản phẩm đạt chất lượng cao, song lại nhanh chóng giảm sút do bao bì không thích hợp, không ứng dụng đúng kỹ thuật bảo quản, sản phẩm hư hỏng chiếm khoảng 50%.
Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh Long Hoàng Hậu (Bình Thuận), cho biết công ty đang ứng dụng dây chuyền khép kín từ khâu trồng trọt đến đóng gói xuất khẩu trái thanh long khá hiệu quả. Phần lớn tiêu chuẩn sản phẩm đều được thị trường châu Âu chấp nhận. Tuy vậy, doanh nghiệp (DN) thường xuyên gặp khó khăn trong khâu bảo quản sản phẩm. Bà Trà Giang, chủ DNTN Chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia, cho biết gần đây giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng nên chi phí sản xuất của nông dân cũng tăng lên đáng kể. Hiện nay giá thu mua các loại rau quả... tăng 20% - 30% so với tháng trước, đội giá thành sản phẩm lên tương ứng.
Đầu ra cho nông dân
Theo các chuyên gia nước ngoài, DN Việt Nam cần trang bị kho lạnh hiện đại, ứng dụng dây chuyền công nghệ từ khâu vệ sinh, đánh bóng, phân loại, định cỡ, đóng gói và vận chuyển đúng kỹ thuật tránh hư hỏng làm tăng giá thành rau quả. Đặc biệt là phải nắm vững những quy định mới của quốc gia nhập khẩu.
Theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp, năm 2007, Sở Nông nghiệp TPHCM và Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam tiếp tục hợp tác chương trình hỗ trợ nông nghiệp. Theo đó, hai kho sơ chế bảo quản rau quả với tổng mức đầu tư 200 triệu đồng sẽ xây dựng tại Củ Chi và Bình Chánh, trong đó Metro tài trợ 80% kinh phí; tổ chức 19 lớp tập huấn cho nông dân kỹ năng bán lẻ, nghiên cứu thị trường qua Internet; xây dựng các chương trình thông tin rau quả trên sóng truyền hình, phát thanh; huấn luyện nông dân kỹ thuật sản xuất, bảo quản, vận chuyển rau quả...
Bộ Thương mại cũng có dự án GTZ ký kết với Tập đoàn Metro để gia tăng xuất khẩu nông sản ở nước ta thông qua kênh phân phối của tập đoàn này trên thế giới. Động thái đầu tiên là Metro Group Buying – MGB đã chính thức hoạt động tại Việt Nam, hợp tác chặt chẽ với nông dân, kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm tại các cơ sở chế biến để giới thiệu nhà cung cấp cho hệ thống Metro Cash & Carry tại 28 quốc gia.
Mới đây, một dự án về thông tin thị trường nông nghiệp tiến hành từ năm 2007- 2010 cũng đã ký kết giữa hai chính phủ Việt Nam và Canada, tập trung hỗ trợ cho các địa phương có thế mạnh về sản xuất rau quả. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cũng sẽ hỗ trợ tài chính cho các dự án nông nghiệp, đặc biệt là những dự án nâng cao chất lượng sản phẩm rau quả.
Theo NLĐ