Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp Việt Nam có sức hút đầu tư
11 | 10 | 2011
Sản xuất nông nghiệp tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam được đánh giá là ngành đáng đầu tư nhất thời gian này khi mang lại lợi nhuận ổn định từ 15 – 50%/năm trong thời gian qua.

Hiện nay, vị trí hàng đầu thế giới trong sản xuất và xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hiện như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều hay các sản phẩm chăn nuôi khác khiến các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới Việt Nam (VN) nhiều hơn.

Sức hút từ Việt Nam

Theo các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo vốn đầu tư tư nhân Đông Nam Á thường niên lần thứ II, năm 2011 mới diễn ra cuối tuần qua tại TP.HCM, hiện nay, các nhà máy chế biến lương thực, thực phẩm lớn trên thế giới ngày càng phát triển và đang chuyển dần từ châu Âu sang châu Á, trong đó có VN.

“VN có chuỗi cung ứng lương thực đặc sắc mà không một quốc gia nào trong khối ASEAN có được, tuyến hành lang kinh tế giao thương với nhiều nước trong khu vực cũng là một ưu thế lớn của VN”, ông John Vong – cố vấn Sacombank và Ngân hàng Thế giới IFC nhận định.

Ngoài ra, do ngày càng có nhiều các tiêu chuẩn mới cho sản phẩm nông nghiệp khiến các doanh nghiệp cần nguồn vốn đầu tư lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường và giữ uy tín cho thương hiệu các sản phẩm.

Ông Trần Xuân Nguyên - Giám đốc tài chính Cà phê Trung Nguyên cho rằng chi phí đầu tư cho ngành nông nghiệp ở VN thấp hơn so với các nước khác trong khu vực do điều kiện tự nhiên thuận lợi, giá nhân công thấp,… Điều này thu hút các nhà đầu tư khi đến VN. “Ngành cà phê VN sẽ thu hút khoảng 20 tỷ USD vốn đầu tư trong vài năm tới. Tuy nhiên, nếu chỉ bán cà phê thô như hiện nay, VN bỏ phí một khoảng lợi nhuận khổng lồ để có thể tái đầu tư cho ngành” - ông Nguyên nhận định.

Đồng tình với ông Nguyên, ông Prakash Jhanwar - Giám đốc khu vực OLAM Vietnam khẳng định: “Ngành nông nghiệp ở khu vực ĐNA là ngành hoàn toàn có thể an tâm để đầu tư”.

Ưu tiên chế biến nông sản, trồng cây ngắn ngày

Trả lời câu hỏi lĩnh vực nào ở VN khiến các họ quan tâm trước nhất, hầu hết các nhà đầu tư đều cho rằng, các sản phẩm liên quan tới gỗ mang lại lợi nhuận từ 12 – 18%/năm, dù không cao nhưng khoản lợi nhuận này rất ổn định, có sức thu hút lớn. Ngược lại, nếu muốn quay vòng vốn nhanh, họ sẽ đầu tư vào cây sắn, lúa gạo, ngô,… tức những sản phẩm có thể thu hoạch ngay trong năm. Ngoài ra, việc chế biến các nông sản phẩm thô của VN hiện nay thành những sản phẩm gia tăng giúp thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ khiến họ không thể bỏ qua.

Giải đáp những vướng mắc của các nhà đầu tư trong việc “rót” vốn vào VN thời gian tới, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, ông Đặng Xuân Quang - Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Công Thương) cho rằng, VN tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tích cực phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật để thuận lợi cho việc phát triển các quỹ đầu tư tư nhân tại VN.

Mặc dù có nhiều ưu thế thu hút vốn đầu tư tư nhân nhưng hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề khiến các nhà đầu tư e ngại. Trong đó, các nhà đầu tư cho rằng việc sản xuất nhỏ lẻ, thời gian sở hữu đất ngắn là vấn đề đáng ngại nhất khi đầu tư vào nông nghiệp khu vực ĐNA, trong đó có VN.

“Tôi quan tâm tới nông nghiệp VN rất nhiều, tuy nhiên việc tìm kiếm đất để đầu tư ở đây dường như ngày càng khó khăn. Lợi nhuận khi đầu tư vào nông nghiệp tỷ lệ thuận với quy mô đầu tư nên không thể có lợi nhuận lớn khi quy mô sản xuất nhỏ, lẻ” - ông John Vong nhận định.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, để giải quyết tình trạng sản xuất manh mún, không tập trung của nông dân hiện nay thì cần phải sửa đổi Luật Đất đai. Qua đó, nông dân có thể sở hữu đất trong thời gian dài, từ 50 – 100 năm, đồng thời Nhà nước cũng cần có phương án tập trung đất sản xuất thành những khu có diện tích lớn, tiện cho việc phát triển nông nghiệp.

Theo Dân Việt



Báo cáo phân tích thị trường