Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
EU nhập khẩu 91% cá thịt trắng
12 | 10 | 2011
Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Nhập khẩu thủy sản EU (AIPCE-CEP), trong năm 2010, các nhà chế biến EU đã tiêu thụ 2,8 triệu tấn cá biển thịt trắng khai thác, trong đó 89% được NK.

Nếu tính cả các loài cá nước ngọt thịt trắng, tỷ lệ NK để chế biến lên tới 91% về khối lượng.

Các loài cá nước ngọt chủ yếu được sử dụng ở EU là cá vược trắng, cá rô phi và cá pangasius, chiếm 88% trong tổng số 925.000 tấn cá nước ngọt NK năm 2010.

Cá pangasius tiếp tục tăng mạnh ở Châu Âu, xấp xỉ với cá minh thái Alaska và được coi là loài cá thịt trắng phổ biến thứ ba ở EU với nguồn cung 700.000 tấn. Cá tuyết vẫn là loài được ưa chuộng nhất với nguồn cung tăng lên 961.000 tấn năm 2010.

Năm 2010, tổng nguồn cung thủy sản của EU chỉ tăng 1% lên 15,1 triệu tấn trong đó NK chiếm 62%. Năm ngoái, tiêu thụ ổn định ở mức 13 triệu tấn nhưng XK tăng 8,8% lên 2,118 triệu tấn.

Việt Nam chiếm 80% tổng khối lượng cá nước ngọt NK vào EU, sau đó là các nước Châu Phi chuyên cung cấp cá vược trắng và Trung Quốc cung cấp cá rô phi.

    Trung Quốc là nước XK nhiều nhất thủy sản khai thác vào EU, chiếm khoảng 1/4 tổng khối lượng NK của thị trường này mặc dù phần lớn chúng được khai thác ở ngoài lãnh hải nước này.  

Cá tuyết vẫn được ưa chuộng nhất ở EU

Năm 2010, tổng khối lượng khai thác các loài cá tuyết, cá minh thái tự nhiên và các loài cá thịt trắng khác tăng lên 2,775 triệu tấn, ngược với xu hướng giảm từ năm 2006 mặc dù hạn ngạch cá minh thái Alaska ở vùng biển Alaska bị cắt giảm. Nguyên nhân tăng sản lượng khai thác là do hạn ngạch khai thác đối với một số loài cá thịt trắng phổ biến trên thế giới tăng sau khi bị cắt giảm ở giai đoạn đầu của thập kỷ vừa qua, trong đó có cá tuyết biển Bantich. Bên cạnh đó, còn do sản lượng nuôi trồng thủy sản nước ngọt giảm trong vài năm qua, nhất là cá pangasius, và các vấn đề thời tiết gần đây ở các khu vực chủ yếu nuôi cá rô phi.

Cá tuyết:  Trong số các loài thủy sản khai thác tự nhiên, cá tuyết được ưa chuộng nhất ở Châu Âu năm 2010 với tổng lượng tiêu thụ đạt 961.000 tấn, tăng 4% so với năm 2009. Cùng thời điểm đó, hơn 60% cá tuyết toàn cầu được chứng nhận MSC (nhãn sinh thái của Hội đồng Quản lý Biển), trong đó có nhiều loài ở Châu Âu.

Lượng cập cảng cá tuyết vào EU đã được cải thiện, tăng lên 138.000 tấn năm 2010 nhờ kế hoạch bảo tồn trong nhiều năm, các cơ chế quản lý và việc tuân thủ quy định tốt hơn. Nguồn cung cá tuyết của EU vẫn thấp, chỉ 14% nhưng hiện đang tăng và hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường.

EU vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất cá tuyết, chiếm hơn 70% sản lượng toàn cầu.

Cá minh thái Alaska: Cá minh thái Alaska là loài được ưa chuộng thứ hai ở EU sau cá tuyết. Khối lượng loài này đã phục hồi nhẹ lên 723.000 tấn nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 907.000 tấn của năm 2008.

NK cá tuyết vào EU từ Mỹ tăng lên 32% (trước đó là 28%), NK từ Nga giảm xuống 97.000 tấn tương đương 13% (trước đó là 16%) - mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây, NK từ Trung Quốc giảm xuống còn 54%.

Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là đến ngày 12/2/2010, hệ thống chứng nhận khai thác IUU của Nga chưa có hiệu lực nên sản phẩm khai thác những tuần trước đó không thể chuyển sang EU. Phần lớn các nhà chế biến Châu Âu đều có biện pháp dự phòng tránh nguy cơ nguồn cung giảm bằng cách mua nhiều sản phẩm hơn trong năm 2009 nên đã ảnh hưởng đến khối lượng thủy sản đầu năm 2010. Khai thác bền vững là một yêu cầu của các thị trường chính ở Châu Âu và các sản phẩm đã được chứng nhận của Mỹ sẽ được ưu tiên khi vào thị trường này.

Các loài cá thịt trắng khác: Khối lượng cá bơn giảm 10% xuống 220.000 tấn do hạn ngạch và sản lượng khai thác thủy sản ở Bắc Đại Tây Dương như Na Uy, Faroe, Aixơlen giảm, lượng cập cảng của các tàu EU giảm. Cá bơn đang tìm kiếm thị trường mới và cơ hội bên ngoài EU. Giá cá đã tăng và đang phải cạnh tranh với các loài cá khác.

EU đã tiêu thụ khoảng 55% nguồn cung của thế giới năm ngoái. Nguồn cá bơn tự cung ở EU chiếm khoảng 24% trong sản lượng khai thác năm 2010. Chỉ 73% hạn ngạch khai thác loài cá này được cập cảng.

Khối lượng cá hồi đỏ giảm 10% do các vấn đề của ngành thủy sản Aixơlen trong năm 2010. Nguồn cá tự cung của EU tăng từ mức 20% lên 30%. Chỉ 70% hạn ngạch khai thác loài cá này ở EU được cập cảng năm 2010.

Cá tuyết chấm đen ổn định ở mức 213 tấn. Sản lượng khai thác loài này ở EU giảm 7% năm 2010 mặc dù nguồn lợi ở Aixơlen không giảm mạnh, tuy nhiên chúng được bù đắp bởi sự phục hồi nguồn cá tuyết chấm đen ở biển Baren. EU vẫn là thị trường quan trọng nhất đối với loài cá này, chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ của thế giới. Nguồn cá tự cung ở EU chiếm 22% với lượng cập cảng đạt 89% năm 2010.

Khối lượng cá tuyết mecluc tăng 2% lên 530.000 tấn. Hạn ngạch khai thác cá tuyết mecluc trên thế giới vẫn ổn định nên lượng tiêu thụ đi theo xu hướng của nguồn cung.

Khối lượng cá hôki tăng đáng kể năm 2010, lên 41.000 tấn, chủ yếu được NK từ Niu Dilân. Sau một vài năm giảm hạn ngạch, nguồn lợi ở Niu Dilân năm 2010 đã bước sang giai đoạn phục hồi.

Cá bơn sao tăng đáng kể năm 2010 khi lượng cập cảng tại EU tăng 16% lên 75.000 tấn, tương đương 92% tổng nguồn cung. Đối với loài này, EU tiêu thụ hoàn toàn cá nội địa.

     Tổng khối lượng các loài cá khai thác tự nhiên được tiêu thụ ở Châu Âu đã tăng lần đầu tiên trong năm 2010. Cùng với các loài cá nuôi nước ngọt (cá pangasius, cá rô phi và cá vược trắng), tổng lượng tiêu thụ cá thịt trắng tại EU đã tăng 1,6 % năm 2010.

Theo Vasep



Báo cáo phân tích thị trường