Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà Mau: Nuôi tôm chân trắng: Hướng mở cho nông dân
10 | 11 | 2011
Không được quy hoạch vùng nuôi tổng thể nhưng thời gian gần đây, tôm chân trắng được người nuôi tôm công nghiệp trong và ngoài tỉnh Cà Mau chuyển sang nuôi, cho hiệu quả cao. Đối tượng nuôi mới này đang tỏ ra lợi thế về năng suất cao, thời gian nuôi ngắn nên dễ quản lý dịch bệnh. Thế nên diện tích nuôi tôm chân trắng ngày một tăng nhanh.

Ông Tân Sình Sềm, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi tôm công nghiệp Tân Phong, ấp Tân Phong, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau), khẳng định: “Nếu ở ao 3.000 m2 nuôi tôm sú thành công, cuối vụ tôm đạt kích cỡ 30 con/kg thì sản lượng không vượt quá 3 tấn. Nhưng ở diện tích đó, người nuôi thẻ chân trắng chỉ mất 2 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ 100 con/kg thì sản lượng đạt 4 tấn, lãi trên 200 triệu đồng”.

Khẳng định hiệu quả

Đây là vụ nuôi thứ 2 anh Sềm nuôi tôm chân trắng. Ở vụ nuôi đầu, sản lượng thu được từ 4 đầm, với diện tích mỗi ao nuôi 3.000 m2 là 17,2 tấn, lãi trên 800 triệu đồng. Ở vụ nuôi này, tôm đang đạt trọng lượng khoảng 80 con/kg và năng suất ước từ 17 - 20 tấn từ 4 ao nuôi, lãi gần 1 tỷ đồng.

Với thành công trên, phong trào tôm chân trắng đã lan tỏa đến nhiều người nuôi tôm khác trong xã. Từ đó hình thành Hợp tác xã Tân Phong, cách đây chỉ 6 tháng, với 16 thành viên nhưng 15 thành viên nuôi thẻ chân trắng.

Anh Quách Văn Xìa, thành viên Tổ hợp tác (THT) Nhị Nguyệt, ấp Ngã Bát, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, cho biết, từ đầu năm 2008 đến nay, anh nuôi tôm chân trắng 13 vụ đều thành công. Nếu cùng thời gian nuôi thì thẻ chân trắng hiệu quả hơn, thu hoạch nhanh hơn, dễ nuôi hơn tôm sú, vì thế lợi nhuận cao hơn. Hiện nay, THT Nhị Nguyệt diện tích nuôi tôm thẻ đạt 90%, chỉ còn lại 10% nuôi tôm sú. Vụ nuôi vừa qua tỷ lệ thành công trên 70%.

Đa số người nuôi tôm chân trắng cho rằng, mô hình này thích hợp cho những hộ nuôi có vốn ít, ít thời gian chăm sóc, nuôi theo phương châm “đánh nhanh thắng nhanh”. Do chỉ có 2 tháng nuôi nên sự biến động môi trường ao nuôi gần như không có, dịch bệnh chưa ghi nhận xuất hiện, năng suất luôn đạt khá nên sự chuyển đổi từ đối tượng tôm sú sang tôm chân trắng ngày một nhiều.

Đối tượng nuôi mới này cần có chi phí cao hơn tôm sú về con giống và thức ăn. Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, cho biết, từ khi triển khai Quyết định 1239 của UBND tỉnh ngày 1/9/2008 đến nay về quy hoạch nuôi tôm chân trắng thì diện tích nuôi hiện nay đạt trên 120 ha. Diện tích tăng nhanh là do thời gian nuôi ngắn, vòng quay mùa vụ nhanh, năng suất cao hơn sú. Còn giá tôm thì ổn định hơn tôm sú nên người dân mạnh dạn đầu tư mô hình này.

Hướng mở vùng nuôi

Trước đây, chủ trương của Bộ Thủy sản chỉ đạo nuôi tôm chân trắng phải thận trọng, biệt lập vùng nuôi do triệu trứng bệnh Taura đã từng gây thiệt hại lớn trên đối tượng này. Bên cạnh đó, một phần đây là vật nuôi ngoại lai nên không loại trừ khả năng cạnh tranh với các loài bản địa về môi trường sinh thái.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, thực tế từ năm 2006 đến nay, dịch bệnh Taura ở tôm chân trắng và dịch bệnh khác không xảy ra trên đối tượng này. Do chủ trương người dân không được nuôi đối tượng này ngoài vùng quy hoạch nên phần nào hạn chế sự phát triển nuôi tôm chân trắng những năm qua.

Vùng nuôi tôm chân trắng được khẳng định khi vào thời điểm cuối năm 2010 và đầu năm 2011, dịch bệnh gan tụy xảy ra trên tôm sú từ các tỉnh miền Trung đến Cà Mau làm cho nhiều hộ nuôi tôm điêu đứng, không còn vốn để tái sản xuất.

Đến nay, nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trên gan tụy mới được các nhà nghiên cứu kết luận là do phần lớn các hộ nuôi tôm sử dụng sản phẩm diệt tạp có thành phần Sypermethrin, Dipterex (thuốc trừ sâu) và thuốc bảo vệ thực vật như: Padan, Dexit... Đây là bài học đắc giá cho người nuôi tôm cần xem xét rút kinh nghiệm cho những vụ nuôi tiếp theo.

Theo đó, mô hình tôm chân trắng song song với tôm sú ngay trong cùng vùng nuôi không bị nhiễm bệnh và cho hiệu quả tuyệt đối, được người nuôi phát hiện, đúc kết, tự chuyển đổi từ đối tượng tôm sú sang thẻ chân trắng.

Đồng thời, ở thời điểm đó, Bộ Thủy sản cũng khuyến khích nuôi thẻ thay tôm sú ở những vùng bị dịch bệnh, nhưng phải theo quy hoạch. Từ đó, diện tích nuôi tôm chân trắng càng ngày càng khẳng định hiệu quả.

Ông Châu Công Bằng cho biết thêm, hiện tại tôm thẻ có thể nuôi đến kích cỡ 30 - 40 con/kg như tôm sú nhưng thời gian nuôi thì ngắn hơn rất nhiều và giá trị từ bằng đến cao hơn tôm sú.

Quan trọng nhất là tỷ lệ thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy rất thấp như ở những tháng đầu năm. Nó có khả năng kháng bệnh đối với các loại bệnh do các yếu tố môi trường gây ra.

Đó là điều mà người nuôi tôm trong tỉnh đang xem xét chuyển sang nuôi đối tượng này. Khả năng chống chịu trước sự biến động của môi trường mạnh hơn sú, thời gian nuôi được rút ngắn, ít rủi ro. Cùng với hiệu quả mang lại từ nuôi tôm chân trắng trong toàn tỉnh hiện nay đang mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm công nghiệp.

Cuối năm 2010, diện tích nuôi tôm chân trắng chỉ đạt khoảng 300 ha. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, mô hình nuôi tôm chân trắng phát triển mạnh.

Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT thì đã có gần 500 ha nuôi tôm chân trắng trên toàn tỉnh. Nhưng thực tế, diện tích này có tới khoảng 700 ha, bằng 1/4 diện tích thực nuôi tôm công nghiệp của tỉnh là 2.700 ha.

Hiện tại, ngành nông nghiệp cũng đang khuyến cáo người dân nuôi đối tượng này nhưng phải nằm trong vùng quy hoạch, được phép nuôi tôm công nghiệp.

(Theo Báo Cà Mau)



Báo cáo phân tích thị trường