Theo nội dung dự thảo chương trình, có 9 dự án ưu tiên bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, gồm điều tra hiện trạng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam; điều tra hiện trạng nguồn lợi thủy sản nội địa Việt Nam; xây dựng hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường sống của các loài thủy sản; xây dựng mô hình quản lý nguồn lợi dựa vào cộng đồng; thiết lập, đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động 16 khu bảo tồn biển Việt Nam.
Ngoài ra còn có dự án quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa tại Việt Nam; thả bổ sung và tái tạo giống thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế vào hệ thống các hồ chứa vừa và lớn; phục hồi, nhân giống nguồn lợi tôm biển; truyền thông quốc gia về nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tổng vốn đầu tư cho chương trình dự kiến khoảng 430 tỷ đồng. Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư cho các hoạt động điều tra, nghiên cứu nguồn lợi thủy sản, xây dựng cơ sở dữ liệu; hỗ trợ ngư dân chuyển đổi khai thác thủy sản tự nhiên vùng biển ven bờ ra xa bờ, hoặc các ngành nghề thay thế khác.
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được khuyến khích đầu tư nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các hoạt động như lai tạo, sản xuất các loại giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao; xây dựng hệ thống các khu bảo tồn, khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản kết hợp với các hoạt động phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nhất trí với những mục tiêu mà chương trình đưa ra, nhưng đề nghị quan tâm hơn tới công tác dự báo ngư trường, cập nhật hơn các số liệu về thành phần loài, trữ lượng, sản lượng khai thác và biến động quần thể… để có cái nhìn tổng quan, chính xác hiện trạng nguồn lợi thủy sản tại 63 tỉnh, thành phố./.
Theo Vietnam+