Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khoa học công nghệ - Cầu nối giữa doanh nghiệp và nông thôn
30 | 11 | 2011
Đưa khoa học công nghệ về nông thôn thông qua doanh nghiệp được coi là con đường ngắn nhất giúp việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít khó khăn, trở ngại từ chính người hưởng thành quả (nông dân) và cơ chế của Nhà nước.
Trước hết, có thể thấy, nông thôn là địa bàn rộng lớn, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hệ thống hạ tầng và vùng sản xuất nông nghiệp chưa phát triển, sản xuất nhỏ, năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch lớn...
Công ty TNHH Hiệp Thành là đơn vị được lựa chọn chủ trì tiếp nhận công nghệ và thực hiện các nội dung của dự án. Để thực hiện đề tài này, Hiệp Thành phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) triển khai. Theo đó, Công ty hỗ trợ nông dân đổi mới công nghệ từ khâu sản xuất giống; hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình thâm canh chè giống mới; tổ chức đào tạo kỹ thuật viên… Dự án đã trở thành tiền đề cho việc phát triển vùng chè an toàn, có chất lượng cao quy mô 800ha tại Yên Thế.
Chè là loại cây công nghiệp được trồng từ những năm 1970 tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), đem lại giá trị kinh tế cao. Nhưng vì nhiều lý do nên trước năm 2008, hầu như diện tích chè tập trung tại đây đã bị xóa sổ, chỉ còn khoảng 200ha nhưng đã thoái hóa, nhiều nương chè đã chuyển sang trồng cây khác. Nhiều cơ sở chế biến không tồn tại hoặc hoạt động cầm chừng. Thấy rõ tầm quan trọng của việc cần phải khôi phục diện tích cũng như thương hiệu chè Yên Thế, UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị và được Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thực hiện dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống vô tính, trồng thâm canh, cải tạo nương chè già cỗi bằng một số giống chè mới và chế biến chè an toàn.
Ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành chia sẻ, bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp của chính quyền địa phương thì rất cần sự giúp đỡ của các nhà khoa học. Đặc biệt, trong mối quan hệ "4 nhà" thì quan hệ doanh nghiệp - nhà khoa học là nhân tố mới khi Việt Nam còn là nước nông nghiệp lạc hậu. Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác với các cơ quan, viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để thực hiện tốt các dự án.
Theo PGS.TS Phạm Tất Khương, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vùng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp là yếu tố đảm bảo thành công. Các doanh nghiệp có lợi thế về tiềm lực tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu của việc tiếp nhận những công nghệ tiên tiến. Thực tế cho thấy, chuyển giao công nghệ cho nông dân thông qua doanh nghiệp làm tăng giá trị tới 30%.
Ông Khương cho rằng, để công tác chuyển giao khoa học công nghệ cho nông thôn đạt hiệu quả thì Nhà nước cần phải coi doanh nghiệp là một thành phần quan trọng, cần được khuyến khích, hỗ trợ trong hoạt động chuyển giao. Cùng với đó là khuyến khích thành lập các hiệp hội ngành nghề có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp. Mặt khác, để chuyển giao nhanh các sản phẩm công nghệ cần đẩy mạnh việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ, cần có một cơ quan Nhà nước làm đầu mối kết nối cung, cầu công nghệ hoạt động hiệu quả nhằm giúp các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rút ngắn được quá trình tìm hiểu thị trường, tìm hiểu nguồn cung - cầu công nghệ.
Theo ông Khương, Việt Nam có khoảng 11 triệu hộ nông dân nhưng có trên 7 triệu mảnh ruộng. Bình quân đất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng là 0,42ha/hộ, Đồng bằng sông Cửu Long là 0,78 ha/hộ. Ở miền núi, diện tích đất nông nghiệp càng ít, phần lớn là ruộng bậc thang nhỏ hẹp. Chính điều này đã hạn chế rất lớn đến việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, nhất là cơ giới hóa việc làm đất, thu hoạch, vận chuyển vật tư và sản phẩm. Hiện, tỷ lệ thất thoát nông sản sau thu hoạch lúa từ 11-13%; ngô từ 13-15%. Ngay trong lĩnh vực thủy sản, lâu nay nhiều người vẫn cho rằng không bị mất mát gì thế nhưng tỷ lệ thất thoát cũng lên tới 20%...
Một vấn đề khác cũng được ông Khương nêu rất rõ là đối tượng tiếp cận công nghệ trong sản xuất nông nghiệp lâu nay chủ yếu là nông dân. Đây là những đối tượng có trình độ dân trí chưa cao, trình độ tiếp cận công nghệ còn thấp nên khả năng tự đổi mới công nghệ thấp, không đủ kinh phí tiếp nhận.
Dưới tác động của các hoạt động khoa học công nghệ, nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp còn bị hạn chế do nhiều khó khăn.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường