Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội nhập, nông dân cùng tiến
09 | 05 | 2008
“Thời hội nhập, nông dân phải đồng tâm hợp sức cùng xung trận”, PGS-TS Mai Thành Phụng, cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư quốc gia hào hứng nói về mô hình “Cánh đồng liên kết 4 nhà” ở Thọai Sơn, An Giang như vậy. Nơi đây, cả trăm nông dân vừa thắng lớn trong vụ lúa ĐX 2007-2008 nhờ biết bắt tay nhau.
Đất lúa hôm nay…

Về "vương quốc lúa" An Giang những ngày tháng tư nắng đẹp, cảm nhận thấy dư âm niềm vui được mùa còn lan tỏa. Những dãy nhà chất đầy bao lúa no tròn từ hiên nhà tràn ra sân. Phía sau nhà là cánh đồng trơ rạ dang tay phơi nắng nhưng chưa có dấu hiệu ngơi nghỉ. Lác đác một vài thửa ruộng đã xuất hiện luống cày vừa bật lên chờ nối thêm vụ mới.

Cả tuần trước ngày hội lớn của 700 nông dân xa gần về bên chân núi Thoại Sơn (An Giang), anh Bảy Tiêm (Nguyễn Văn Tiêm), nhà phân phối Việt Phong về phân bón lá Super Humate Sen Vàng - đại diện Cty An Hưng Tường sốt sắng báo tin: “Nhà báo về đây mà xem, tai nghe mắt thấy mới tin…”

Gặp lại KS Nguyễn Thanh Phương, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang (hiện là Giám đốc Sở KH-CN) cùng PGS TS Mai Thành Phụng đồng khởi xướng “liên kết 4 nhà” (nông dân-doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà quản lý). Theo ông Phương, An Giang hàng năm có 530.000ha đất lúa, đứng nhất cả nước về sản lượng với 3,2 triệu tấn/năm. Thế nhưng trước nền kinh tế hội nhập, cần có mô hình khuyến nông thích ứng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao chất lượng và hạ giá thành làm lúa, thông qua đó phát triển ngành nghề nông thôn, hướng tới tăng thu nhập cho nông dân.

Thế là không hẹn mà gặp, những người cùng ý tưởng: Cán bộ khuyến nông sẵn sàng, chính quyền địa phương đồng thuận, các doanh nghiệp (DN) hỗ trợ như An Hưng Tường, phân bón Yara, Cty BVTV An Giang, DN Bùi Văn Ngọ…kéo họ xáp lại với nhau. Đặc biệt đây là lần đầu 119 hộ nông dân ở An Bình, Thoại Sơn tự nguyện đưa 135 ha đất liền canh, sắp xếp thành 3 tổ để làm làm ăn liên kết.

Chưa làm đã thấy... lãi

Đồng lúa An Giang – HĐ

Nông dân Nguyễn Thúc Tín khen ngợi mô hình mới lần này như khơi thông nhiều gút mắc mà trước đây chưa gỡ được. Anh giãi bày: “Hình dung lại mới thấy thành công đến từ sự đồng lòng. Khi chính quyền địa phương cùng xốc vô vận động, từ Chủ tịch HĐND xã tới nông dân thì chỉ sau 2 lần họp dân, mọi chuyện đã đều răm rắp. Từ tiết kiệm giống bằng phương pháp sạ hàng đồng loạt, bón phân cân đối theo qui trình “3 giảm-3 tăng”, dùng thuốc BVTV theo “4 đúng”, tiết kiệm nước và thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp…tính chi li ra, chưa làm đã thấy lãi gần 2,4 triệu đồng/ha”.

Anh Ngô Văn Bảy, tổ trưởng tổ 3 chêm vào, nhưng phân tích thẳng thừng cái hay lẫn dở: Nếu mô hình vụ đầu làm không xong, nó sẽ tự rã chứ đừng nói tới vận động cho vụ sau. Lâu nay đa số nông dân đều quen tập quán sản xuất cũ, mạnh ai nấy làm. Tựu trung là thích sạ lúa dầy, bón nhiều phân đạm, thường lấy lúa ngang làm lúa giống. Vì thế lúa cỏ mọc đầy đồng, sâu bệnh phát sinh làm chi phí tăng cao, lúa làm ra không sáng đẹp, bán giá thấp.

Trong khi cách làm mới được hướng dẫn bài bản, tận tình. Nông dân cùng chí thú làm ăn, cùng ra đồng, chuẩn bị từng khâu cho tới lúc thu hoạch. Nay thì mọi chuyện đã sáng tỏ. Năng suất lúa cao ngất, bình quân đạt 7,8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 300-500kg/ha. Cá biệt có thửa đạt 9 tấn/ha. Tuy vậy, vụ đầu tiên làm theo kiểu mới, bà con nhận ngay ra cái nhược của đồng đất mình là thiếu căn bản thủy lợi nội đồng. Chốt lại, muốn liên kết bền bỉ lâu dài, theo anh Bảy rất cần một “người cầm trịch” như vị chỉ huy đánh trận vậy.

Nhận diện thách thức...

Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát từng phân tích, chi phí sản xuất cao đang là trở ngại lớn đối với người nông dân. Kinh tế khu vực nông thôn phần lớn đang phát triển theo hướng tự phát, thiếu quy hoạch. Từ đó dẫn tới việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm bị động. Đó là chưa kể tốc độ cơ giới hóa chậm, công nghệ chế biến lạc hậu. Mặt khác, cho đến nay thực trạng sản xuất nông nghiệp nước ta về cơ bản là manh mún, công nghệ chế biến, bảo quản thô sơ, chưa kết nối được giữa người sản xuất và tiêu thụ.

Do vậy trước thách thức phải biết hợp sức, đồng lòng. Nông dân thời hội nhập càng phải đồng lòng. Anh Bảy Tiêm tâm huyết điều này khi bàn với anh Bùi Phong Lưu, Giám đốc Cty Cơ khí nông nghiệp Bùi Văn Ngọ. Anh Lưu góp ý thêm: “Trước nông dân đứng riêng lẻ làm ăn, nay muốn tạo sản lượng hàng hóa lớn phải biết “kết bè”. Nông dân là trung tâm kết nối với các nhà khác trong mối liên kết 4 nhà. Bây giờ đã có mô hình Thoại Sơn, nhưng con đường phía trước còn dài nên rất cần các DN và nhà khoa học cùng địa phương “ráp lại” và tính toán xa hơn, thậm chí chia sẻ quyền lợi với nhau để cùng tiến lên”.

Một người tiến lên đơn lẻ sẽ khó thắng. Mô hình Thoại Sơn minh chứng điều này. Nhưng làm sao để nó nhân rộng ra 17 tiểu vùng trên diện tích 2.916ha với sự hưởng ứng của 2.447 nông hộ mới là điều mong mỏi?

+ Gia nhập WTO, cơ hội cho người nông dân và DN nước ta tiếp cận thị trường nông sản thế giới đã rộng mở với kim ngạch buôn bán gần 600 tỷ USD/năm. Vào năm 2000, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản chỉ mới đạt 4,197 tỷ USD nhưng đến 2007 - năm đầu tiên hội nhập, Việt Nam đã vượt lên 12 tỷ USD, đạt nhịp độ tăng trưởng bình quân 16,20%/năm.

+ Năm 2007 nhiều mặt hàng nông sản có giá trị\ xuất khẩu tăng mạnh, đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên như cà phê 1,7 tỷ USD, hơn 2006 gần 1 tỷ USD; thuỷ sản đạt 3,6 - 3,7 tỷ USD, tăng 100 - 200 triệu USD; đồ gỗ 2,5 tỷ USD; cao su 1,4 tỷ USD; gạo 1,4 tỷ USD...



Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường