Cây trồng của nền nông nghiệp đô thị
Trong số 750.000 tấn rau củ quả tiêu thụ mỗi năm tại TPHCM, vùng rau TP mới chỉ đáp ứng khoảng 285.000 tấn, còn lại từ các tỉnh, sản xuất rau quả. TP có những thế mạnh riêng các nơi khác không thể có được, đó là gắn với thị trường tiêu thụ gần chục triệu người. Vì vậy, diện tích gieo trồng rau quả TPHCM tăng lên mỗi năm từ diện tích lúa được chuyển đổi. Năm 2011 có thêm 57 nông dân trồng rau ở các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh được cấp giấy chứng nhận sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP. Dù bước đầu có nhiều khó khăn nhưng sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP là con đường tất yếu và là yêu cầu của thị trường trong bối cảnh an toàn vệ sinh thực phẩm này càng được người tiêu dùng quan tâm và tìm mua ngày càng nhiều. Vì vậy, đó cũng là đòi hỏi người nông dân sản xuất phải thực hiện.
Bởi theo chỉ đạo của UBND TP, sắp tới, tất cả các loại rau quả trồng trên địa bàn TPHCM đều phải đáp ứng yêu cầu an toàn cho người tiêu dùng. Sản xuất RAT theo VietGAP đang được các hợp tác xã nông nghiệp TPHCM áp dụng. Ông Trần Văn Hợt, Chủ nhiệm HTX Ngã 3 Giồng, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cho biết hiện đơn vị đã triển khai thực hiện trên 10ha rau xanh các loại theo chuẩn VietGAP. Về kỹ thuật trồng không có gì quá mới mẻ như sản xuất RAT đơn thuần khi chưa có VietGAP, nhưng khi triển khai cũng gặp không ít khó khăn do chưa phù hợp với thói quen sản xuất lâu nay của người nông dân.
Việc sản xuất RAT theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi một sự quản lý chặt chẽ, cần được ghi chép đầy đủ các chi tiết từ khâu xử lý đất trồng, nguồn nước tưới tiêu, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thời gian cách ly với phân và thuốc trước khi thu hoạch cho đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Muốn đạt được các tiêu chuẩn quy định cần có sự hợp tác sản xuất và quản lý chi phí để đăng ký chứng nhận VietGAP. Giá thành sản xuất RAT theo VietGAP cao hơn giá rau trồng theo lối truyền thống do tốn nhiều công sức, thời gian và chi phí, nhất là thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Điều này làm cho nông dân lo ngại trong việc sản xuất theo VietGAP. Họ cần có thời gian nhất định để quen dần phương pháp sản xuất mới này.
Cùng bắt tay với nông dân
Trước những khó khăn của bà con nông dân và yêu cầu sản xuất, đòi hỏi cần nhiều giải pháp hỗ trợ tích cực. Nhiều đơn vị thuộc Sở NN-PTNT TPHCM đã vận động, hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất theo VietGAP. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp (HCACS) có nhiệm vụ tổ chức cấp giấy chứng nhận thực hành VietGAP cho rau sau khi Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM xác nhận đầy đủ các tiêu chuẩn quy định để có thể sản xuất RAT. Đồng thời giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất RAT xây dựng mạng lưới liên kết để tiêu thụ sản phẩm RAT của nông dân.
Kinh nghiệm thời gian qua cho thấy, muốn RAT theo VietGAP tồn tại và phát triển trước hết phải xây dựng mạng lưới tiêu thụ trên cơ sở liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. TPHCM có nhiều kinh nghiệm hợp tác tiêu thụ RAT giữa nông dân với nhiều hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC, Metro…; tổ chức sản xuất và tiêu thụ RAT của HTX Thỏ Việt (huyện Củ Chi) qua hệ thống bán lẻ rau của HTX lập ra bên cạnh kênh tiêu thụ thông qua các hệ thống siêu thị. Đặc biệt thời gian gần đây, Công ty TNHH Hương Cảnh (huyện Hóc Môn) xây dựng mô hình sản xuất, sơ chế, tiêu thụ RAT khép kín, trong đó cam kết sẽ bao tiêu 100% sản phẩm RAT của nông dân ngay khi xuống giống.
Nếu giá thị trường RAT tăng cao, công ty sẽ điều chỉnh giá thu mua với 50% sản phẩm theo giá thị trường, 50% theo giá hợp đồng cam kết. Trường hợp giá thị trường RAT xuống thấp, doanh nghiệp cam kết thu mua 100% theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, công ty còn đầu tư xây dựng nhà sơ chế có bể sục khí ozone để đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ cho rau, củ, quả tươi ngon. Công ty còn sử dụng bao bì có dán tem nhãn ghi mã vạch để truy suất từng lô hàng… Theo ông Hợt, chính sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp, nhất là khâu mua bán RAT đã tạo động lực để nông dân an tâm sản xuất rau sạch nhiều hơn.