Thị trường chuyển biến
Trong những tháng đầu năm 2013, Nhà máy đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí - PVFCCo) và Nhà máy đạm Cà Mau (thuộc Công ty TNHH MTV phân bón dầu khí Cà Mau) đều chạy ổn định với công suất tối đa. Tổng công suất của hai nhà máy vào khoảng 1,6 triệu tấn/năm so với tổng nhu cầu của thị trường phía nam là khoảng 1,2 triệu tấn và nhu cầu toàn quốc là khoảng 2 triệu tấn.
Phía bắc, Nhà máy đạm Ninh Bình với công suất 560.000 tấn/năm đã chính thức đưa sản phẩm ra thị trường từ vụ đông xuân 2012-2013. Cùng với Đạm Hà Bắc công suất 190.000 tấn/năm, hai nhà máy thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam này có thể cung ứng khoảng 750.000 tấn urê/năm.
Xuất khẩu Đạm Phú Mỹ ra nước ngoài - Ảnh: Mai Ngọc
|
Như vậy khi cả bốn nhà máy hoạt động hết công suất, lượng urê sản xuất nội địa sẽ đạt khoảng 2,3 triệu tấn so với nhu cầu hiện tại là khoảng 2 triệu tấn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt.
Chủ động đón đầu và đẩy mạnh xuất khẩu
Đối phó với tình thế này, ngoài việc củng cố, giữ vững thị trường trong nước, một hướng đi mà các nhà sản xuất đang nỗ lực triển khai là xuất khẩu. Đi đầu trong hướng này là PVFCCo. Ngay khi tương quan cung - cầu tại thị trường phân bón nội địa vẫn hết sức thuận lợi cho nhà sản xuất, PVFCCo đã lên kế hoạch vươn ra ngoài biên giới với hai mục tiêu chính. Đầu tiên là mở rộng thị trường tiêu thụ khi nguồn cung trong nước bắt đầu dư thừa. Thứ hai là thực hiện mục tiêu dài hạn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất, kinh doanh phân bón và hóa chất.
Để thực hiện các mục tiêu này, PVFCCo triển khai theo 2 hướng: hướng thứ nhất là hợp tác với các nhà kinh doanh phân bón quốc tế lớn, thông qua họ xuất khẩu hàng tới các nước có nhu cầu; hướng thứ hai là trực tiếp xâm nhập thị trường các nước trong khu vực. Đi theo hướng thứ nhất, năm 2012 PVFCCo đã xuất khẩu 80.000 tấn phân urê sang Thái Lan, Philippines, Malaysia... Triển khai hướng thứ hai, từ năm 2009 PVFCCo đã tiến hành hàng loạt chuyến khảo sát thị trường tại Campuchia, Lào, Myanmar... Tháng 5.2010, văn phòng đại diện tại Campuchia ra mắt, và một năm sau được nâng cấp lên thành chi nhánh với đầy đủ chức năng kinh doanh trực tiếp. Năm 2012, PVFCCo đã xuất sang Campuchia 20 ngàn tấn phân urê, mới chỉ đáp ứng 10% nhu cầu của Campuchia vốn đang phải nhập khẩu 100% sản phẩm này. Hiện chi nhánh tại Campuchia đang tiến hành xây dựng hệ thống kho cảng và hệ thống phân phối tại đây.
Cũng trong năm 2012, PVFCCo bắt đầu triển khai thành lập văn phòng đại diện tại Myanmar, thị trường tiềm năng với nền nông nghiệp lúa nước phát triển lâu đời và đang phải nhập khẩu tới 90% phân bón. Ngay sau đó, 1.500 tấn đạm Phú Mỹ được xuất khẩu thử nghiệm sang thị trường Myanmar để khẳng định sự có mặt của thương hiệu phân bón hàng đầu Việt Nam ở thị trường được coi là "mảnh đất vàng" cuối cùng của Đông Nam Á này. Gần đây nhất, vào tháng 3.2013, một khách hàng Myanmar đã ngỏ ý muốn mua 5.000 tấn urê từ PVFCCo.
Ông Nguyễn Hồng Vinh - Phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng và xây dựng hệ thống phân phối - cho biết hiện PVFCCo đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để nhận giấy phép và văn phòng đại diện tại Yangon có thể chính thức hoạt động vào tháng 4 tới.
“Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn những nguồn hàng từ Trung Đông và các nước vùng Baltic nhờ có vị trí thuận lợi, nằm gần vùng tiêu thụ phân bón lớn như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Myanmar…”, ông Vinh nói. Nhập hàng từ Trung Đông hoặc vùng Baltic phải mất thời gian vận chuyển từ 40-60 ngày, trong khi thời gian vận chuyển từ Việt Nam chỉ khoảng 3-5 ngày. Cước phí vận chuyển từ Việt Nam so với từ các khu vực khác cũng thấp hơn đáng kể.
Trong năm 2012, PVFCCo đã xuất khẩu khoảng 100.000 tấn urê sang các nước trong khu vực. “Dự kiến trong những năm tới, Tổng công ty sẽ xuất khẩu 200.000 - 300.000 tấn mỗi năm, đóng góp khoảng 25% doanh thu, lợi nhuận chung của tổng công ty,” ông Vinh cho biết. Việc xuất khẩu thành công sẽ làm giảm đáng kể áp lực cạnh tranh trong nước, đồng thời mang lại một nguồn thu ngoại tệ cho doanh nghiệp và đất nước. Đây là một hướng đi rất căn cơ, đảm bảo cho doanh nghiệp một thị trường rộng lớn và khả năng tăng trưởng bền vững, chấm dứt cảnh gà què ăn quẩn cối xay.