Chuyện về làng sách trong kỷ nguyên Internet hệt như một câu chuyện phóng tác. Độc giả ngày càng mong mỏi được nắm bắt nội dung mình cần, thì thậm chí, họ càng sẵn sàng phá luật để đạt được mục đích. Phải nhìn nhận rằng nguy cơ bị ăn cắp bản quyền, “chôm” ý tưởng là rất cao nếu như nhà xuất bản không “mồi” trước nội dung quan trọng của sách (đã được đăng ký bảo hộ) trên mạng.
Cuối tháng mười năm ngoái, Hãng Adobe đã tung ra một công cụ đọc sách số (e-book) với tên gọi Digital Edition. Digital Edition hứa hẹn sẽ chuẩn hóa các định dạng e-book bằng cách cài mã bảo vệ nội dung chống vi phạm bản quyền rất tinh vi.
Một định dạng chuẩn thống nhất là rất cần thiết cho ngành xuất bản sách trên mạng. Vì hiện nay nhiều công ty, như hai đại gia Microsoft và Sony, đều dùng các định dạng e-book khác nhau và chỉ đọc được với các thiết bị đọc sách số như điện thoại di động hay máy PDA (sổ tay kỹ thuật số), e-book reader của chính hãng đó mà thôi.
Như thế, các nhà xuất bản phải mất thêm khoản tiền trả lương cho các lập trình viên để chuyển đổi định dạng sách số cho phù hợp với từng dòng máy này. Vì vậy với xu hướng đọc sách số, động thái này của Hãng Adobe là một hướng đi đúng đắn.
Trong khi những phát minh kỹ thuật số đang làm cuộc cách mạng về cách thức tiếp cận sách, ai dám quả quyết không có người khó chịu khi phải đọc sách qua màn hình vi tính, qua điện thoại cầm tay hay máy PDA? Thế nên, cho dẫu một thập kỷ qua đã chứng kiến sự bùng nổ của e-book, nhưng sách được in ấn chính thống sẽ không bao giờ chết!
Mặt khác, sản xuất sách đã - đang sẵn sàng để được số hóa; như thế sẽ tiết kiệm cho các nhà xuất bản một khoản tiền lớn và nhiều đầu sách khác lại ra đời. Con số thống kê cho thấy từ năm 1993-2004, số đầu sách xuất bản tại Mỹ đều gia tăng, mặc dù năm 2005 có sụt giảm đôi chút để nhường vị trí nước có đầu sách tiếng Anh phát hành nhiều nhất trên thế giới về tay Anh (206.000 đầu sách, trong khi Mỹ là 174.000).
A.Nguyên