Gieo cấy mạ sân là phương pháp gieo hạt giống lúa trên nền sân ximăng hoặc nền đất phủ nilon để hạt giống phát triển thành cây mạ rồi mới đưa ra ruộng cấy. Mạ sân là một kỹ thuật cải tiến của phương pháp làm mạ cấy thông thường, thay vì hạt giống được gieo xuống ruộng, thì nền để gieo mạ sân là nền ximăng hoặc nền đất cát hay đất cứng bằng phẳng, phủ ni-lông và chia thành nhiều ô nhỏ (kích thước 0,6x1,2 m) được ngăn với nhau qua những thanh gỗ hay bẹ chuối, tàu dừa.
Hỗn hợp đất bùn để gieo mạ gồm bụi sơ dừa trộn chung với bùn non và một ít phân DAP, sau 10-12 ngày đem ra cấy. Năng suất tăng từ 10-20% so với sạ hàng hoặc sạ lan. Sản xuất giống bằng phương pháp mạ sân tiết kiệm được hơn 50% lượng lúa giống, giảm từ 50-80% chi phí thuốc diệt ốc, diệt cỏ, trử lẫn. Đặc biệt, chủ động được lịch thời vụ và hạn chế được sâu bệnh, nhất là rầy nâu.
Ông Trần Hoàng Minh, tổ trưởng tổ nhân giống ấp Vĩnh Trung, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn (An Giang) cho biết: "Thành công của các tổ nhân giống trong thời gian qua là nhờ áp dụng kỹ thuật làm mạ Dabog (mạ sân) tiên tiến nhằm giúp nông dân chủ động trong mọi mùa vụ, quản lý tốt tình hình dịch bệnh nhất là trong vụ hè thu 2006, khống chế thành công áp lực rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Nhờ áp dụng tốt quy trình sản xuất giống nên chất lượng lúa giống ngày càng cao, tổ có điều kiện cung cấp giống có chất lượng cho bà con tại địa phương và các nơi khác trong và ngoài tỉnh. Từ đó các thành viên trong tổ tăng lợi nhuận và ổn định cuộc sống, giải quyết việc làm cho trên 10.000 lao động/vụ, bình quân 1 ha tạo công ăn việc làm cho 35-40 lao động thời vụ. Đặc biệt làm hạt giống đạt chất lượng sẽ góp phần làm giảm áp lực sâu bệnh gắn với bảo vệ môi trường".