Ngày 30/1, tại Hà Nội, Chính phủ bắt đầu họp phiên thường kỳ tháng 01 năm 2007 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng.
Trong ngày 30/1, các thành viên Chính phủ tập trung xem xét, thảo luận Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần; Tờ trình Dự thảo Nghị định về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại công ty nhà nước; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới; Tờ trình về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp; và Tờ trình về nghỉ ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Các thành viên Chính phủ đã thảo luận về việc chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty cổ phần và nhất trí đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 187/2004/NĐ-CP nhiều điểm mới. Đối tượng cổ phần hóa được mở rộng cả các Tập đoàn, các Tổng công ty nhà nước, công ty TNHH nhà nước một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Phương thức bán cổ phần được thực hiện theo cách đấu giá, bán thỏa thuận… để đảm bảo gắn với thị trường, tránh thất thoát vốn nhà nước. Về cơ chế bán cổ phần lần đầu, Dự thảo Nghị định mới quy định tỷ lệ bán ra thị trường không thấp hơn 30% vốn điều lệ. Mặt khác, để giảm thiểu hiện tượng trục lợi trong việc đấu giá, Dự thảo quy định nếu nhà đầu tư từ chối mua trên 30% số lượng cổ phiếu bán ra thì tổ chức đấu giá tiếp phần từ chối đó; không áp dụng cơ chế chọn thầu cho những nhà đầu tư trả giá thấp hơn như hiện nay.
Để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững khi gia nhập WTO, Chính phủ sẽ triển khai 12 nhiệm vụ cơ bản:
1- Tuyên truyền và phổ biến để toàn dân nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập WTO, những cơ hội và thách thức của Việt Nam;
2- Tập trung công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật, thể chế, ban hành những văn bản qui phạm pháp luật rõ ràng, cụ thể bảo đảm tự do kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của mọi chủ thể tham gia thị trường;
3- Xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố của kinh tế thị trường, chú trọng xây dựng các thị trường: lao động, đất đai và bất động sản, tài chính–tiền tệ, khoa học–công nghệ, đồng thời xây dựng lộ trình thực hiện giá thị trường đối với các loại hàng hóa và dịch vụ nhà nước còn định giá;
4- Đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn và hình thức đầu tư. Tạo cơ chế đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng;
5- Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp;
6- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính;
7- Chú trọng giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực;
8- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp và nông thôn;
9- Giải quyết tốt những vấn đề an sinh xã hội;
10- Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững;
11- Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc;
12- Bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống.
Đóng góp ý kiến xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phải thực hiện đồng bộ 12 giải pháp cơ bản trên, trong đó trước mắt chú trọng hoàn thiện các thể chế phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, nhanh chóng cải cách hành chính, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng kết cấu hạ tầng của đất nước.
Ngày 31/1, các thành viên Chính phủ sẽ tiếp tục thảo luận Tờ trình về Dự án Luật Đặc xá, Báo cáo về công tác thanh tra và giả quyết khiếu nại tố cáo năm 2006 và Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, tình hình thị trường trong nước và xuất, nhập khẩu tháng 1 năm 2007./.