Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dân số, yếu tố quan trọng để phát triển bền vững.
16 | 06 | 2007
Chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Yếu tố cơ bản của tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là nguồn nhân lực, mà nguồn nhân lực luôn luôn gắn liền sự biến đổi dân số cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu của sự phát triển suy cho cùng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng dân số, sự phân bố dân cư và nguồn nhân lực thật sự phù hợp và tác động tích cực đến sự phát triển.

Ðể có sự phát triển bền vững, việc đáp ứng tăng nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của các thế hệ hiện tại không được ảnh hưởng các thế hệ tương lai trên cơ sở sử dụng tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái và chất lượng của sự phát triển. Trong thực tế, các yếu tố dân số có ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên và trạng thái môi trường. Dân số phù hợp sự phát triển đòi hỏi sự điều chỉnh các xu hướng dân số phù hợp sự phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Sự phù hợp đó là yếu tố quan trọng kích thích sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nâng cao tiềm lực của lực lượng sản xuất; là yếu tố cơ bản để xóa đói, giảm nghèo, giảm tình trạng thất nghiệp, giảm tỷ lệ mù chữ, tỷ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, nâng cao vị thế của người phụ nữ, giảm rủi ro về môi trường, mở rộng dịch vụ y tế, xã hội và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh, khoa học và công nghệ; góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chính vì vậy, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11-7 năm nay, cộng đồng quốc tế với Chương trình hành động về Dân số và phát triển đã đi được hơn nửa chặng đường trong hành trình 20 năm, được vạch ra từ Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển tại Cai-rô, Ai Cập năm 1994, với sự tham gia của 179 quốc gia trên thế giới. Ðây là dịp để cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển nhìn nhận, đánh giá và hành động mạnh mẽ hơn nữa nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tích cực hơn nữa trong lĩnh vực dân số, vì một quy mô dân số hợp lý, từng bước nâng cao chất lượng dân số, chống lại tình trạng đói nghèo; gắn liền công tác dân số với quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Là thành viên của các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ðảng và Nhà nước ta luôn coi việc xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu phát triển cốt lõi, là nhân tố căn bản để bảo đảm công bằng xã hội và phát triển bền vững, và là một bộ phận thiết yếu trong chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước (2001 - 2010). Các hoạt động về dân số và sức khỏe sinh sản luôn được dành sự ưu tiên đặc biệt với những chỉ báo và khuôn khổ đầu tư cụ thể. Mối quan hệ tương tác giữa dân số và phát triển kinh tế - xã hội bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của Ðảng và Nhà nước.

Báo cáo Phát triển con người (HDR) năm 2005 của Chương trình phát triển LHQ cho biết, do duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế nên vị trí xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đã được nâng lên: từ vị trí 112 năm 2004 lên vị trí 108 năm 2005 trong tổng số 177 nước được xếp hạng. Chỉ số phát triển con người là chỉ số tổng hợp của các chỉ tiêu về kết quả tăng trưởng kinh tế, giáo dục và y tế nhằm đo tiến độ trong lĩnh vực phát triển con người về dài hạn.

Báo cáo Phát triển con người năm 2005 hoan nghênh Việt Nam về thành tích giảm một nửa tỷ lệ nghèo so với năm 1990, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em và trẻ sơ sinh cũng như tăng cường sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế và xóa đói, giảm nghèo. Báo cáo ca ngợi Việt Nam đã đạt được tăng trưởng nhưng vẫn bảo đảm sự công bằng xã hội. Ông Kevin Watkins - Giám đốc Văn phòng Báo cáo phát triển con người - tác giả chính của Báo cáo khẳng định: "Bất cứ ai băn khoăn liệu việc phân phối thu nhập có quan trọng không, cần biết một thực tế là 10% số dân nghèo nhất ở Bra-xin còn nghèo hơn cả những người nghèo nhất ở Việt Nam, mặc dù Việt Nam có mức thu nhập trung bình thấp hơn nhiều".

Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, Chương trình mục tiêu quốc gia "Dân số - kế hoạch hóa gia đình" đã đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nếu như sau 32 năm (1960 - 1992) số dân nước ta đã tăng gấp 2,3 lần với mức giảm sinh bình quân mỗi năm chỉ được 0,45 phần nghìn, thì chỉ trong vòng mười năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của BCH T.Ư Ðảng (khóa VII) từ 1993 - 2003, tỷ lệ sinh giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm một phần nghìn.

Kết quả điều tra biến động dân số 1-4-2005 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ) là 2,1 con. Như vậy, hiện nay chúng ta đã tiếp cận mục tiêu đạt mức sinh thay thế, sớm hơn mười năm so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược dân số 2001 - 2010. Trên phương diện giảm mức sinh và kiểm soát tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, chúng ta cũng đã đạt được mục tiêu của chương trình hành động Cai-rô sớm gần mười năm.

Theo tính toán, dựa vào kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở (1-4-1999), thì đến năm 2010, số dân Việt Nam là 100 triệu dân, nhưng trong thực tế, có khả năng quy mô dân số này sẽ được khống chế chậm lại 15 năm (vào năm 2025). Sự khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số quá nhanh, bước đầu kiểm soát được việc gia tăng dân số sẽ là cơ sở cho sự ổn định quy mô dân số ở mức khoảng 115 - 120 triệu người vào giữa thế kỷ 21. Việc giảm sinh được vài chục triệu người thật sự là con số có ý nghĩa lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai của đất nước. Kết quả giảm sinh trong thời gian qua đã góp phần tăng GDP bình quân đầu người 1% mỗi năm, tác động quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và thành tựu xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, nếu Việt Nam thực hiện tốt Chương trình Dân số - kế hoạch hóa gia đình thì quy mô dân số sẽ ổn định ở mức 120 triệu người vào năm 2035 và GDP bình quân đầu người sẽ bằng 31,2 lần GDP bình quân đầu người năm 1990. Ngược lại, nếu không thực hiện tốt Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình thì quy mô dân số sẽ ở mức 160 triệu người vào năm 2035 và GDP bình quân đầu người chỉ bằng 25 lần GDP bình quân đầu người của năm 1990.

Mặc dù công tác dân số của chúng ta đã có những tiến bộ vượt bậc, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng trên chặng đường hướng tới việc giải quyết một cách toàn diện, đồng bộ và vững chắc các vấn đề dân số, trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn và thách thức. Hằng năm dân số nước ta tăng 1,1 đến 1,2 triệu người. Với hơn 83 triệu người, quy mô dân số nước ta khá lớn.

Do tác động mức sinh cao những năm trước đây, số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ hằng năm vẫn gấp gần ba lần số người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ. Những yếu tố đó tạo ra áp lực phát triển dân số rất lớn. Bên cạnh đó, những kết quả nhận thức và hành động về dân số của chúng ta chưa vững chắc. Nhiều vấn đề trong lĩnh vực dân số như tình trạng chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên, sự phát triển của đại dịch HIV/AIDS, chất lượng dân số thấp, di dân và quản lý dân số, an toàn cho các bà mẹ... chưa được giải quyết tốt.

Dân số là cửa ngõ xung yếu để chúng ta vượt qua những rào cản xã hội trên chặng đường phát triển bền vững của đất nước. Nhằm đạt được các mục tiêu về dân số và kế hoạch hóa gia đình trong Chiến lược dân số 2001 - 2010, tiến tới ổn định ở mức hợp lý về quy mô dân số vào giữa thế kỷ 21 đòi hỏi phải được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của toàn xã hội, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến củng cố và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ từ trung ương đến cơ sở; cải tiến cơ chế quản lý, chính sách, chế độ, nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục; vận động và cung cấp các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, v.v.

LÊ CẢNH NHẠC



Theo Cục BVMT
Báo cáo phân tích thị trường