Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhật Bản đấu giá gạo nhập khẩu để làm dịu giá nội địa
12 | 09 | 2016
Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức thành công đợt bán gạo nhập khẩu trong 31 tháng vào thứ 4 tuần trước do giá gạo nội địa cao thúc đẩy các nhà hàng tại nước này tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn. Các nhà bán buôn đã mua 10.416 tấn gạo nhập khẩu trong đợt đấu giá đầu tiên mà Bộ Nông lâm thủy sản nước này tổ chức trong năm tài khóa 2016. Lượng gạo đấu giá thành công này chiếm 35% trong tổng lượng 30.000 tấn gạo chào bán. Cả lượng chào bán lẫn lượng bán thành công đều đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2014.

Gạo cỡ trung đánh bóng từ Mỹ, nước cung cấp gạo hàng đầu loại này cho Nhật Bản, chiếm 4.866 tấn trong lượng đấu giá thành công. California, nơi loại gạo này được sản xuất, đang có vụ thu hoạch bội thu. Giá loại gạo này bao gồm thuế tại thị trường Nhật Bản khoảng 168 Yên/kg, tương đương 1,65 USD/kg, thấp hơn 10 Yên/kg so với đợt đấu giá gần nhất vào tháng 3, nhờ nguồn cung tăng và giá gạo thế giới giảm.

Gạo dùng làm thực phẩm sản xuất tại Nhật trở nên ngày càng đắt đỏ do nông dân tăng diện tích sản xuất gạo dùng cho TACN. Sản lượng gạo làm thực phẩm trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 7,35 triệu tấn, giảm 90.000 tấn so với năm 2015, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp. Liên đoàn các hiệp hội HTX nông nghiệp toàn quốc, được biết đến với tên Zen-Noh, cho biết giá bán buôn loại gạo phổ biến nhất trên bàn ăn của người Nhật có giá 16.000 Yên/60kg, tăng 500 Yên so với niên vụ trước.

Một loạt nhà hàng đã thay thế gạo nội địa bằng gạo nhập khẩu khi giá gạo nội địa tăng mạnh vào năm 2012. Khi giá nội địa giảm, Nhật Bản cũng ngừng hoàn toàn nhập khẩu gạo dùng làm thực phẩm. Nhưng nay khi giá gạo nội địa tăng, có vẻ bàn ăn của người Nhật sẽ lại có gạo nhập khẩu. Các nhà bán buôn cho biết các chuỗi nhà hàng đều đang quan tâm hơn tới nguồn gạo nhập khẩu.

Nhật Bản nhập khẩu 770.000 tấn gạo hàng năm theo hệ thống hạn ngạch tiếp cận tối thiểu. Có tới 100.000 tấn trong đó được bán cho tiêu dùng trực tiếp, trong khi phần còn lại được sử dụng để sản xuất thực phẩm chế biến hoặc snack.

Theo Customs Today



Phạm Kim Dung - Biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường