Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hải Phòng: Bà chủ trang trại với nhiều ý tưởng kinh doanh táo bạo
01 | 09 | 2007
Nhỏ thó, giọng nói đặc sệt vùng quê Vĩnh Bảo, luôn bận rộn với những đơn đặt hàng qua điện thoại di động là hình ảnh quen thuộc của bà chủ trang trại Ngô Thị Dịu (xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Khởi nghiệp làm giàu khi đã gần 40 tuổi, nhiều năm liền là Nông dân sản xuất giỏi, gương mặt điển hình của phong trào phụ nữ làm kinh tế giỏi của thành phố Hải Phòng, chị Dịu đã chứng minh "phụ nữ là nông dân" cũng biết cách làm giàu ngay trên quê hương mình.

Khởi nghiệp với gạo

Năm 1993, khi Công ty lương thực Vĩnh Bảo giải thể, chị Dịu "nghỉ việc" với 460.000 đồng và 10 năm kinh nghiệm làm việc tại xí nghiệp xay xát của Công ty. Đối diện với cảnh nghèo, chị Dịu cùng mấy người bạn sáng sớm đạp xe sang tận mạn cầu Nghìn (Thái Bình) mua gạo đem vào nội thành Hải Phòng bán. Vất vả là thế nhưng khi trừ chi phí, cuối ngày chia nhau mỗi người cũng chỉ được có 1.000 đồng. Khi nhiều người nản chí bỏ cuộc, thì chị Dịu đã quyết định thử vận may mới. Vay bạn bè được 2 triệu tiền vốn, chị mua thóc về thuê xát rồi bán. Thế nhưng thấy giá một chiếc máy xát công suất nhỏ không quá đắt lại rất thuận tiện, vậy là chị Dịu lại vay…700.000 đồng để mua chiếc máy xát đầu tiên công suất 6 tạ thóc/giờ. Sau hơn 10 năm kinh doanh, chị Dịu nói vui rằng "không thể nhớ" những gì có được từ vốn vay nhưng lại nhớ rất rõ đã phải vay vốn bao nhiêu lần. Tiền thuê mặt bằng để đặt chiếc máy xát giá chưa đến 1 triệu đồng ấy cứ "đội" lên theo giá thị trường, từ 100.000 đồng, 200.000 đồng/tháng đã đưa chị Dịu đến quyết định lại vay…hơn 10 triệu đồng mua mảnh đất 200m2 ở xã Tam Cường chỉ để… đặt máy. Khi mọi thứ đã dần đi vào ổn định, cơ sở kinh doanh gạo của chị bắt đầu tấp nập những chuyến ô tô chở trung bình 10 tấn gạo đến các huyện của Hải Phòng, rồi sang cả Thái Bình, Hà Nội. Công suất máy xát cũ không còn đáp ứng được yêu cầu, chị đã đầu tư vốn mới giàn máy công suất 100 tạ/giờ, rồi giàn máy xát liên hoàn công suất 2,5 tấn/giờ. Khi đầu tư giàn máy này bằng vốn vay gần 100 triệu/160 triệu đồng giá máy nhiều người thân của chị đã can ngăn. Thế nhưng chị Dịu đã thuyết phục mọi người bằng phép tính rất đơn giản: giàn máy mới giảm số công nhân 3 lần (từ 6 người xuống còn 2 người), công suất lại tăng nhiều lần, chỉ hơn 1 năm là hoàn vốn mua máy và sinh lãi. Với kho chứa gạo rộng hơn 1.000m2, hiện, trung bình mỗi tháng, máy xát nhà chị cho ra lò 300 tấn gạo (tương đương 500 tấn thóc), những ngày tháng vào mùa vụ lên tới 500 tấn gạo. Nhìn khoảng 5 tấn cám mỗi ngày từ hoạt động xay xát gạo thừa phí, chị Dịu quyết định thử sức khi phát triển chăn nuôi lợn, gà. Năm 2000, gia đình chị xây 700m2 chuồng trại, nuôi hơn 200 con lợn/lứa tại xã Tam Cường. Khi thấy trang trại gây ô nhiễm môi trường, vợ chồng chị đã đi khắp huyện Vĩnh Bảo hỏi thuê đất. Đầu năm 2004, chị thuê được khu đất rộng 2,5 ha với giá 200 triệu đồng trong vòng 20 năm. Tuy cách xa Tam Cường đến hơn 20 km nhưng đây là diện tích lý tưởng để chị thực hiện kế hoạch xây dựng trang trại tổng hợp. Chỉ trong vòng một năm gia đình chị cải tạo, xây dựng hệ thống chuồng trại, ao vườn khang trang và đưa vào chăn nuôi hàng loạt con giống mới. Điển hình là khu trại lợn nuôi gần 1.000 con, trong đó có 100 con lợn nái siêu nạc. Ba cái ao lớn, chị Dịu cho thả cá rô phi đơn tính. Không những thế, chị Dịu còn "thử vận may" mới khi nuôi ếch Thái Lan, 500 con thỏ NiuDilân và 77 con đà điểu trong trại…Mới đây, chị lại đấu thầu thành công 8 ha ở xã Hoà Bình (Vĩnh Bảo) để thực hiện dự định nuôi trồng thủy sản và lợn giống với ý định cung cấp giống thuần chủng cho toàn huyện.

Bí quyết kinh doanh "liều"

Với chị Dịu đã kinh doanh phải liều một chút nhưng liều dựa trên sức mình có thể làm được và quyết tâm làm đến cùng. Và chị đã chứng minh "chân lý này" khi dám kinh doanh theo kiểu chịu-nợ quay vòng. Nông dân bán thóc "chịu" cho chị, chị trả lãi hàng tháng để lấy vốn quay vòng và đổi ngược lại, nông dân lại chịu chị tiền con giống, tiền thức ăn chăn nuôi. Hiện, chị cung cấp vốn cho 36 trại lợn, 16 trại vịt đẻ với tổng số tiền cho chịu khoảng 700 triệu đến 800 triệu đồng (chưa tính nợ thóc) và tất cả chỉ được thanh toán khi đến mùa gặt. Nhiều người thân trong gia đình, đặc biệt là "ông xã" đã không đồng tình với cách làm "liều" này của chị Dịu vì nếu chẳng may gặp dịch là coi như mất trắng. Thế nhưng như lời của chị "nhờ ông trời thương" nên vụ nào cũng suôn sẻ và tính đi tính lại thì chị "được" nhiều từ cách làm "liều" này. Đó là được thị trường cho việc kinh doanh con giống, thức ăn chăn nuôi, được uy tín với nông dân để tạo ra mối cung ứng gạo ổn định và chất lượng cao. Thế nên sau hơn 10 năm kinh doanh, những bao gạo mang tên "Hãnh Dịu"-tên của hai vợ chồng chị đã có mặt tại hầu hết các huyện của Hải Phòng, đến cả Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nội…

Với tổng số vốn luân chuyển hiện đạt gần 10 tỷ đồng, thu nhập từ trang trại chăn nuôi và kinh doanh gạo mỗi tháng đem về cho gia đình chị 100 triệu đồng, chị Dịu đã được coi là nông dân giàu của Vĩnh Bảo. Thế nhưng bà chủ nông dân này còn ước mơ sẽ có đủ vốn để hoàn thiện mô hình kinh doanh theo chu trình khép kín: xay xát thóc gạo, chăn nuôi lợn gà từ cám bã-nuôi thuỷ sản từ nguồn phân để "cái nọ mới đỡ được cái kia và bớt "liều" đi. Hơn thế nữa chị còn đang hoàn tất việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý các trang trại lợn để chuồng trại dù có cách nhau đến vài km nhưng chỉ ngồi một chỗ người chủ trang vẫn nắm được trong ngày có bao nhiêu con lợn sinh, tính toán chế độ ăn cho hợp lý…./.



TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường