Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Giá gạo tương lai còn nhiều bất ổn
02 | 08 | 2016
Các triển vọng nguồn cung ngắn hạn giúp duy trì đà phục hồi giá gạo Indica, nhưng nhu cầu nhập khẩu thấp.

Tình trạng giá gạo quốc tế thấp duy trì từ cuối năm 2014 đã bị cắt đứt trong tháng 5/2016, khi giá chào bán gạo trên thị trường quốc tế phản ứng trước triển vọng nguồn cung khả dụng xuất khẩu giảm từ các nước xuất khẩu chính. Chỉ số giá tổng hợp mặt hàng gạo của FAO (2002-2004=100) tăng khoảng 3 điểm trong tháng 5 vừa qua và dao động quanh ngưỡng 199- 200 điểm từ đó đến nay. Nhìn chung, giá gạo tăng gần đây chủ yếu do giá chào bán gạo Indica chất lượng thấp và chất lượng cao đã tăng lần lượt 7% và 9% kể từ tháng 3 đến nay. Chỉ số giá gạo thơm cũng phục hồi 16% trong cùng giai đoạn, phản ánh sức mua tăng, chủ yếu liên quan đến nhu cầu tăng cao trước kỳ lễ Ramadan.

Khuynh hướng giá này đối ngược với tình hình trên thị trường gạo cỡ trung, khi nguồn cung dồi vào và thiếu lực mua đẩy chỉ số giá gạo Japonica giảm 19 điểm so với mức hồi tháng 3, xuống còn 223 điểm. Nhờ tăng trong quý 2/2016 nên hiện giá gạo Indica đã sắp tương đương với mức giá trong cùng năm 2015, nhưng vẫn không đủ để bù đắp mức giảm giá phân khúc gạo thơm. Cộng với tình hình ảm đạm trên thị trường gạo Japonica đã đẩy Chỉ số giá tổng hợp mặt hàng gạo trong 7 tháng đầu năm 2016 của FAO giảm 9,1% xuống còn 197 điểm so với mức cùng kỳ năm 2015.

FAO Rice Price Indices July 2016

Nhìn từ các nhà xuất khẩu lớn, giá chào bán từ Thái Lan tăng ổn định từ tháng 1/2016 nhờ doanh số bán gạo tăng vững trong những tháng đầu năm 2016 và kỳ vọng nguồn cung khả dụng xuất khẩu giảm mạnh sau khi sản lượng giảm mạnh gây ra bởi hai năm hạn hán liên tiếp. Đến tháng 7/2016, giá gạo Thái 100% B tham chiếu đã tăng 16% so với mức giá hồi tháng 3, đạt 456 USD/tấn. Khuynh hướng giá gạo Thái Lan tăng chỉ bị kìm hãm bởi sự rời bỏ thị trường gạo Thái Lan của một số người mua và chính phủ nước này tung ra lượng gạo lớn từ các kho dự trữ.

Thực vậy, môi trường thị trường thuận lợi đã thúc đẩy các nhà chức trách Thái Lan tăng xả hàng từ kho dự trữ gạo dồi dào của nước này, trong một nỗ lực giải phóng toàn bộ các kho gạo đến giữa tháng năm 2017. Từ tháng 4, 1,9 triệu tấn gạo đã được bán thông qua các cuộc đấu giá và cuối tháng 7, Thái Lan tiếp tục chào bán thêm 3,81 triệu tấn gạo.

Trong khi đó, lực mua yếu gây áp lực lên giá chào bán gạo Mỹ, đặc biệt là trong phân khúc gạo cỡ trung, bất chấp cạnh tranh giảm từ Ai Cập và Úc, giá gạo tham chiếu của mỹ vẫn đứng ở mức 610 USD/tấn trong tháng 7, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2010.

Phần nào bị ảnh hưởng bởi giá chào bán của các nước khác tăng, giá gạo hạt dài của Mỹ bắt đầu tăng trong tháng 5, mặc dù triển vọng sản xuất năm 2016 bội thu đã kìm hãm đà tăng giá. Với mức chào bán 454 USD/tấn trong tháng 7, giá gạo Mỹ tham chiếu đứng giá so với giá hồi tháng 3 và thấp hơn so với giá loại gạo Thái 100% B cùng chất lượng, trái ngược với tình trạng giá gạo Mỹ liên tục cao hơn trong hơn 3,5 năm qua. Trong tháng 1/2016, giá gạo Mỹ cao hơn giá gạo Thái Lan tương đương chất lượng đến 100 USD/tấn.

Sau khi được hỗ trợ bởi các hợp đồng G2G lớn vào quý 4/2015, giá gạo Việt Nam liên tục tăng trong suốt tháng 5, nhờ thông tin sản lượng vụ đông xuân giảm do hạn hán và xâm mặn. Thị trường đảo chiều giảm giá trong tháng 6, khi giá gạo 25% tấm giảm xuống còn 337 USD/tấn, từ mức 346 USD/tấn trong tháng 5 và 341 USD/tấn trong tháng 3. Giá gạo chào bán từ Việt Nam giảm trong thời gian gần đây chủ yếu phản ánh tình trạng không có hợp đồng mua mới theo kênh chính ngạch, trong khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng không còn khi nước này thắt chặt kiểm soát biên giới.

Giá gạo từ Pakistan diễn biến trái ngược với giá gạo Việt Nam nhờ hoạt động xuất khẩu vững đã duy trì đà tăng giá. Sau khi liên tục có giá thấp hơn giá chào bán gạo Việt Nam và Ấn Độ chất lượng tương đương từ tháng 9/215, giá gạo IRRI 5% của Pakistan được chào bán với giá 365 USD/tấn trong tháng 7, tăng 18% so với tháng 3 và tương đương giá chào bán gạo Ấn Độ. Với sự tăng giá của thị trường gạo thơm, phân khúc mà nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá chào bán gạo Basmati tăng 32% kể từ tháng 3 – 7 lên 900 USD/tấn.

Giá chào bán gạo từ Ấn Độ cũng tăng. Trong phân khúc gạo trắng Indica và gạo đồ, mức tăng giá là từ 11 – 18%, phản ánh nguồn cung giảm do sản lượng vụ Rabi thấp, nhu cầu từ các nước Tây Phi phục hồi và doanh số bán tăng đột biến sang Iraq trong tháng 6. Đối với phân khúc gạo thơm, giá gạo Pusa Basmati đã tăng 9% từ tháng 3 – 7, nhờ xuất khẩu sang vùng Cận Đông ổn định. Mặc dù vậy, mức giá chào bán gạo Pusa Basmati ở mức 850 USD/tấn vẫn thấp hơn 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tương lai gần, triển vọng giá gạo vẫn còn nhiều bất ổn. Về phía cung, triển vọng sản xuất lúa gạo tại phía Bắc bán cầu trong năm 2016 nhìn chung là khả quan. Tuy nhiên, vụ sản xuất vẫn đang trong giai đoạn đầu, với nguồn cung các vụ gạo này sẽ không xuất hiện trên thị trường cho tới tận quý 4/2016. Cho tới lúc đó, giá chào bán gạo trên thị trường quốc tế có thể nhận được hỗ trợ nhờ nguồn cung từ các nhà xuất khẩu lớn giảm. Tuy nhiên, một phần nguồn cung giảm này sẽ được bù đắp nhờ các đợt xả kho gạo chính phủ, mà hiện nay tiêu biểu là Thái Lan.

FAO Rice Price July 2016 - 1FAO Rice Price July 2016 - 2

Hơn nữa, bất kể đà tăng giá gạo có vững chắc hay không thì đợt tăng giá gạo trên thị trường quốc tế gần đây không gắn với nhu cầu nhập khẩu tăng đáng kể, nhưng sẽ là rào cản đáng kể cho sự quay trở lại thị trường của những người mua lớn. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp các nước đang đối mặt với tình trạng giảm sâu của giá đồng nội tệ, nhưng cũng là thách thức của các nước đang triển khai các chương trình tự cung tự cấp gạo đầy tham vọng hoặc có các cơ quan giao dịch gạo thuộc sở hữu nhà nước liên quan sâu tới giao dịch gạo quốc tế.

Theo UN FAO



P.K.Dung - biên dịch
Báo cáo phân tích thị trường