Doanh số thực phẩm hữu cơ đang tăng trưởng với tốc độ 2 con số tại nhiều nước. Tốc độ tăng trưởng nhanh nhất được ghi nhận tại Trung Quốc, với 32%/năm từ 2010 – 2014, chủ yếu do công chúng nước này lo ngại về hóa chất độc hại trong thực phẩm do nhiều scandal bị phát hiện. Tại Thái Lan, doanh số thực phẩm hữu cơ đã tăng với tốc độ 7%/năm trong cùng kỳ, so với tốc độ tăng trưởng 5%/năm của thực phẩm thông thường, theo Green Net Cooperative, một tổ chức phi lợi nhuận tại Thái Lan cho biết. Các thực phẩm chính được sản xuất hữu cơ tại Thái Lan là gạo, cà phê, chè, các loại rau tươi như rau diếp, và các loại trái cây như dừa.
Giá cao hơn là động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất. Những người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm từ 15 – 50% cho các sản phẩm hữu cơ so với các sản phẩm thông thường. Điều này đối lập mạnh với tình trạng sụt giảm giá của nhiều mặt hàng nông sản của Thái Lan như ngô, bột sắn và đậu tương. Giá gạo – nông sản quan trọng nhất của Thái Lan – gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Khoảng 60% trong số 13 triệu nông dân Thái Lan tham gia trồng lúa và do giá thấp nên thu nhập của họ bị ảnh hưởng nặng nề.
Nông nghiệp không hóa chất đứng ngoài vấn đề biến động giá cả nông sản được giao dịch trên thị trường toàn cầu. Cho tới nay, nông nghiệp hữu cơ vẫn là ngành sản xuất ngách, siêu nhỏ tại Thái Lan. Chỉ 0,3% đất nông nghiệp của Thái Lan được chứng nhận hữu cơ, so với tỷ trọng 1% trên toàn cầu, theo Cơ quan phát triển nông nghiệp hữu cơ Thái Lan và Earth Net Foundation cho biết. Chưa đến 0,2% nông dân Thái Lan thực hành nông nghiệp hữu cơ. Đáng chú ý là 58% thực phẩm hữu cơ bán tại hệ thống bán lẻ Thái Lan là sản phẩm nhập khẩu.
Tại sao sản phẩm hữu cơ xuất xứ Thái Lan không được bày bán nhiều hơn? Các rào cản gia nhập ngành rất cao, đối với cả những nhà sản xuất và các doanh nghiệp. Nông dân muốn tránh những rủi ro sức khỏe trong khi sử dụng thuốc BVTV tổng hợp sẽ nhận ra rằng không phải mọi mảnh đất trên đất đai của họ có thể được chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Để đủ điều kiện chứng nhận, một mảnh ruộng phải được thủy lợi hóa với nguồn nước không bị ô nhiễm. Yêu cầu này đã loại trừ phần lớn đất đai nằm gần các nhà máy. Mọi khu vực đất gần những con đường lớn cũng bị cho là không đủ điều kiện do ô nhiễm không khí.
Nông dân cũng gặp trở ngại bởi những chi phí khởi nghiệp, do thu nhập của họ suy giảm trong giai đoạn cần để chuyển đổi ruộng đất sang sản xuất không hóa chất. Thời gian chuyển đổi yêu cầu là từ 12 – 18 tháng để kinh doanh nội địa và từ 2 – 3 năm cho xuất khẩu. Trong giai đoạn này, những người nông dân không thể thu được giá cao do sản phẩm của họ vẫn chưa được chứng nhận. Ngoài ra, họ phải làm quen với việc năng suất suy giảm trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. So với nông nghiệp thông thường, năng suất và những phương pháp tự nhiên thấp hơn từ 13 – 61%/ha, phụ thuộc vào loại cây trồng.
Nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi nhiều mồ hôi nước mắt hơn. Tiến tới sản xuất không hóa chất tức là phải nhổ cỏ bằng tay và tự sản xuất phân bón hữu cơ. Không có các loại hóa chất, nông dân phải từ bỏ độc canh – biện pháp sản xuất một loại cây trồng năm này qua năm khác trên cùng một mảnh ruộng. Thay vào đó, họ cần áp dụng luân canh, đa canh để cải thiện chất lượng đất và giảm dịch hại. Thực hành canh tác này đòi hỏi nhiều nỗ lực và giảm hiệu quả kinh tế theo quy mô.
Canh tác quy mô nhỏ có thể tác động tới các nhà bán buôn và bán lẻ liên quan tới nguồn cung và kinh doanh hàng hóa hữu cơ. Thay vì đóng gói to, họ phải xoay xở với những gói hàng nhỏ bé hơn và đa dạng chủng lợi hơn. Lượng giao dịch thấp hơn là tăng tương đối các chi phí như vận chuyển, chế biến, phân phối và marketing.
Các cơ chế chứng nhận thách thức các nhà xuất khẩu bởi không có một hệ thống chung cho các sản phẩm hữu cơ. Mỹ, Nhật Bản và EU đều có các hệ thống tiêu chuẩn riêng. Do đó, để xuất khẩu một sản phẩm tới các thị trường khác nhau, một nông dân phải gánh vác chi phí của nhiều chứng nhận khác nhau. Trong tương lai, các hệ thống quốc tế đa phương hoặc được hài hòa hóa, như Tiêu chuẩn ASEAN cho nông nghiệp hữu cơ (Asean Standard for Organic Agriculture -ASOA). Hệ thống tiêu chuẩn theo hướng này sẽ thúc đẩy tăng thương mại các sản phẩm hữu cơ giữa các nước thành viên, nhưng hiện nay, vấn đề chứng nhận vẫn là một trở ngại lớn.
Trong khi đó, cạnh tranh quốc tế đang tăng cao. Một trong những đối thủ chính của Thái Lan trên thị trường xuất khẩu gạo, Việt Nam đang vượt Thái Lan về sản xuất thực phẩm hữu cơ (?). Việt Nam đã xuất khẩu được một lượng lớn chè hữu cơ và hiện Bộ Công thương Việt Nam đang hướng đến mục tiêu gạo hữu cơ. Việt Nam có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhỉnh hơn Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan, về phần mình, muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất thực phẩm hữu cơ. Bộ Nông nghiệp muốn đưa Thái Lan trở thành nước dẫn đầu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Đông Nam Á, đặt mục tiêu tăng cả diện tích đất nông nghiệp hữu cơ và doanh thu sản phẩm hữu cơ thêm 20%/năm trong 5 năm tới. Để đạt được, các nhà chức trách đang hoạt động để xây dựng nhận thức, giúp tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng, và mở rộng các thị trường nước ngoài.
Cơ quan nông nghiệp Thái Lan đã triển khai một số hoạt động nền tảng quan trọng cho canh tác không hóa chất từ năm 2002, khi tạo ra một hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Organic Thailand, cung cấp chứng nhận miễn phí cho nông dân. Điều này giúp những người sản xuất tập trung vào tiêu thụ sản phẩm trên thị trường nội địa.
Tuy nhiên, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ của Thái Lan vẫn duy trì ở mức thấp, với doanh thu bán lẻ chỉ đạt 24 cents/ngườ itrong năm 2014, so với 10 USD tại Nhật Bản, mức cao nhất tại châu Á, và 294 USD tại Thụy Sĩ. Do dân số Thái Lan đang già đi và thu nhập tăng, tiêu dùng nội địa các thực phẩm hữu cơ có thể tăng. Thị trường này cũng có thể tích lũy động lực từ mở rộng kinh doanh liên quan tới du lịch như các nhà hàng cao cấp, spa và resort.
Xuất khẩu cũng có thể tăng. Thái Lan là một trong những nước đứng đầu thế giới về nông sản, chiếm hơn 1/6 xuất khẩu của nước này. Và Thái Lan cũng là một nước xuất khẩu ròng thực phẩm, mang lại vị thế thuận lợi cho những người bán có khả năng xuất khẩu các sản phẩm hữu cơ như gạo, trái cây cao cấp, cà phê và chè.
Tăng trưởng trong nhu cầu sẽ sớm thúc đẩy thêm nhiều nông dân và doanh nghiệp khắc phục được những trở ngại và mở rộng kinh doanh thực phẩm hữu cơ. Điều này sẽ giúp ngành nông nghiệp đa dạng hóa sản phẩm chào bán và tăng giá trị gia tăng. Vì vậy, nông nghiệp và thực phẩm không hóa chất xứng đáng có một vị trí nổi bật trong chương trình nghị sự quốc gia bởi Thái Lan đang nỗ lực hướng đến các cách tiếp cận bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Bangkok Post