Việt Nam
Giá lợn sống hơi hiện ở mức 40.000 VNĐ/kg tại Việt Nam, tương đương 1,76 USD/kg, tại một số khu vực giá lợn sống lên tới 42.000 VNĐ/kg. Giá lợn sống tại Việt Nam gần dây tăng rất nhanh và đã quay trở lại mốc có lợi nhuận cho phần lớn các nhà sản xuất chăn nuôi lợn thương phẩm sau 15 tháng thua lỗ lớn, lên tới 70 USD/con. Với mức độ thua lỗ này, không đáng ngạc nhiên khi quy mô đàn lợn tại Việt Nam giảm nhanh, với mức giảm lên tới hơn 800.000 lợn nái theo dữ liệu công bố năm 2017 của Bộ NNPTNT. Diễn biến này tác động lên tất cả các nhà cung cấp đầu vào cho chăn nuôi lợn như TACN, thuốc thú y và con giống. Một số nhà sản xuất TACN đang cung cấp các dòng sản phẩm mới cho các vật nuôi khác như cá và tôm để bù đắp suy giảm nhu cầu TACN cho chăn nuôi lợn.
Ngay cả khi giá lợn tăng, có vẻ những nông dân đã giảm đàn, đặc biệt là hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, sẽ không sớm tái đàn do xuất khẩu chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản xuất, vì vậy họ không đủ niềm tin về thu hồi lợi nhuận dài hạn từ đợt tăng giá lợn sống này. Cộng với việc chính phủ đang triển khai một số biện pháp kiểm soát nhằm tối thiểu hóa mở rộng tràn lan, trừ khi hoạt động mở rộng sản xuất gắn với chuỗi cung ứng phù hợp. Theo lãnh đạo cơ quan quản lý chăn nuôi Việt Nam, ngành sản xuất – kinh doanh lợn sẽ tập trung hơn vào các lò giết mổ và các doanh nghiệp chế biến thịt như Masan, Dabaco, CP – những nhà sản xuất hiện đang nỗ lực kết nối chuỗi cung ứng. Các chuỗi cung ứng này sẽ giúp cải thiện chất lượng và an toàn thực phẩm các sản phẩm thịt lợn Việt Nam – là điều rất quan trọng nếu Việt Nam muốn trở thành nước xuất khẩu thịt lợn được công nhận. Bộ NNPTNT đã công bố việc thành lập một vùng sạch dịch bệnh cho sản xuất thịt lợn có truy xuất nguồn gốc và chuỗi sản xuất khép kín để đáp ứng các yêu cầu của người mua quốc tế, giúp thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn.
Thái Lan
Hiệp hội các nhà chăn nuôi lợn Thái Lan đã tăng giá lợn sống từ tháng 4/2018 thêm 20% lên 62 Baht/kg, tương đương 2 USD/kg, trong tháng 5/2018. Tuy nhiên, giá thị trường thực sự không thay đổi so với tháng trước, ở mức 52 Baht/kg, tương đương 1,6 USD/kg, khiến nông dân thua lỗ khoảng 1.500 – 2.000 Baht/con, tương đương 48 – 64 USD/kg.
Với tình hình này, Hiệp hôi cho biết khoảng 20% nông dân chăn nuôi lợn tại Thái Lan đã ngừng sản xuất kinh doanh. Họ không thể chống đỡ mức thua lỗ này. Nguồn cung lợn sống tại Thái Lan giảm mạnh sau khi ngành chăn nuôi lợn giảm đàn lợn nái và lợn thịt từ tháng 1/2018. Tuy nhiên, thương nhân vẫn từ chối mua lợn từ nông dân do lo ngại bất ổn giá.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi lợn Thái Lan đang gặp áp lực từ Mỹ, vốn vẫn thúc đẩy Thái Lan nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Gần đây, Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia đã đề xuất với Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) về xóa chính sách bỏ thuế ưu đãi phổ cập (GSP – Generalized System of Preferences) cho hàng hóa Thái Lan vào Mỹ. Động thái này nhằm trả đũa Thái Lan về việc cấm nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Lệnh cấm này của Thái Lan dựa vào chất ractopamine có trong thịt lợn Mỹ. “Đây là chất kích tạo nạc và vi phạm quy định về sử dụng trong TACN lợn tại Thái Lan. Các nhà quan sát dự báo Mỹ sẽ gây sức ép mạnh hơn lên Thái Lan về việc mở cửa nhập khẩu thịt lợn Mỹ. Các tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể dẫn đến dư cung thịt lợn trên thị trường thế giới. Để trả đũa Mỹ, Trung Quốc đã áp thuế bổ sung đối với thịt lợn Mỹ. Do Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu thịt lợn Mỹ, động thái này có thể dẫn đến giá thịt lợn Mỹ giảm mạnh, giải thích cho động thái Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia yêu cầu USTR xem xét xóa bỏ GSP cho hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo The Pig Site (gappingworld.com)