Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (NN&PTNT), trong tháng 5, giá cá tra nguyên liệu vẫn ở mức cao. Người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng cường nuôi cá tra trở lại. Cơ quan chức năng của các địa phương này đang tăng cường kiểm tra những hộ tự ý đào ao nuôi cá tra ngoài quy hoạch, theo dõi sát sao tình hình môi trường, nguồn nước thải để tránh để ô nhiễm.
Sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh ĐBSCL trong 5 tháng ước đạt 485.300 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn: Đồng Tháp sản lượng đạt 161.900 tấn, tăng 8%; An Giang với sản lượng đạt 125.000 tấn, tăng 9%; Cần Thơ sản lượng đạt 74.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong 5 tháng đầu năm 2018 liên tục "nóng" trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Ngay từ đầu năm 2018, nhiều địa phương ĐBSCL đối mặt với việc thiếu cá tra giống và nguồn nguyên cho xuất khẩu thiếu hụt. Tính trạng này vẫn kéo dài đến tháng 5 khiến giá hai mặt hàng này liên tục tạo đỉnh.
Nếu thời điểm đầu năm giá cá tra dao động phổ biển 27.000-29.000 đồng/kg thì nay đã thiết lập mức đỉnh mới với giá phổ biến từ 31.000 – 33.000 đ/kg (cá loại I). Hiện giá cá giống phổ biến ở mức 75.000 - 85.000 đ/kg tùy kích cỡ, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu cá tra 5 tháng đầu năm đạt 760 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Bộ NN&PTNT nhận định với tình hình trên, nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu trong năm 2018 sẽ hạn chế, tuy nhiên giá cá tra xuất khẩu đạt ở mức tốt và dự báo có thể kéo dài cả năm 2018.
Cá tra Việt vẫn tăng trưởng mạnh ở thị trường Mỹ
Hôm 15/3, Mỹ bất ngờ tuyên bố áp mức thuế cao đối với cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, gây hoang mang cho nông dân và các nhà xuất khẩu. Theo kết quả kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, mức thuế mà các doanh nghiệp phải chịu dao động từ 3,87 USD/tấn - 7,74 USD/tấn.
So với mức 0,69 USD/kg của lần xem xét hành chính thứ 12 (POR12) mức thuế này đã tăng 5,61 lần. Đây là ngưỡng cao nhất từ trước đến nay.
Mặc dù vậy, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến ngày 15/4, xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tăng 26,1% đạt 91,8 triệu USD. Hiện nay, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có thể xuất khẩu sang Mỹ. Trong khi đó, thị phần của Việt Nam chiếm tới 90% do giá cá tra Việt chỉ bằng một nửa so với cá tra Trung Quốc.
VASEP giải thích xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng nhờ giá nguyên liệu trong nước tăng từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, đây là một yếu tố khiến giá XK cá tra sang tất cả các thị trường, trong đó có thị trường Mỹ tăng.
VASEP dự báo, trong quý II, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số lượng doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này vẫn ở mức khiêm tốn dưới 3 doanh nghiệp.
Nguồn: Vietnambiz.vn