Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản lượng tôm nuôi toàn cầu tăng khoảng 6% trong năm 2017; Việt Nam trở thành trạm trung chuyển thương mại tôm tới Trung Quốc
04 | 06 | 2018
Thị trường tôm thế giới có một sự chuyển dịch hướng thị trường từ Tây sang Đông và Trung Quốc đóng một vai trò lớn trong năm 2017. Nhu cầu nội địa tại nhiều nước sản xuất lớn tốt và giá tôm duy trì ở mức cao.

Nguồn cung

Sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2017 ước đạt từ 2,9 – 3,5 triệu tấn. Gần 75 – 80% sản xuất tôm nuôi tập trung ở châu Á – Thái Bình Dương.

Trong báo cáo thường niên năm 2017, tạp chí Aqua Culture Asia cho biết xu hướng sản xuất tôm nuôi tại châu Á là “mở rộng và chuyển đổi tại Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia và ở mức độ ít hơn tại Philippines; trong khi phục hồi sản xuất tôm tại Thái Lan bị gián đoạn. Sản xuất tôm nuôi tại Malaysia giảm và diễn biến tương tự tại Trung Quốc”.

Tôm thẻ hiện được nuôi ở phần lớn các nước châu Á, ngoại trừ Bangladesh. Một bộ phận nông dân tại Việt Nam và Indonesia đã quay trở lại nuôi tôm sú do lợi nhuận cao hơn; trong khi nông dân Malaysia chuyển trở lại nuôi tôm sú để giải quyết dịch bệnh tôm chết sớm (EMS). Tại Mỹ Latin, các nhà sản xuất lớn tại Ecuador, Mexico và Brazil thu hoạch hơn 700.000 tấn tôm.

Thương mại quốc tế

Ước tính 7 thị trường tôm lớn nhất thế giới đã nhập khẩu 2,3 triệu tấn tôm trong năm 2017, tăng xấp xỉ 15% so với năm 2016. Nhu cầu tại Đông Á tăng trong năm 2017, thu hút một lượng cung lớn trên toàn cầu đổ về khu vực này.

Xuất khẩu

Tăng trưởng xuất khẩu tích cực tại Ấn Độ và Ecuador  là kết quả trực tiếp của sản xuất tôm nuôi nội địa tăng; trong khi đó, gần 50% xuất khẩu tôm Việt Nam đến từ nguồn tôm nhập khẩu.

Năm 2017, xuất khẩu tôm Việt Nam theo báo cáo chính thức tới top 20 lớn nhất, bao gồm xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc, là 264.000 tấn, chỉ tăng 1,1% so với năm 2016. Tuy nhiên, xét đến lượng tôm tái xuất rất lớn từ Việt Nam sang Trung Quốc (chiếm 60 – 70% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm vào Việt Nam), tổng kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam ra thị trường thế giới năm 2017 tăng tới gần 25% so với năm 2016, lên 530.000 tấn.

Xuất khẩu tôm từ Indonesia và Trung Quốc giảm do sản xuất tôm nội địa giảm. Xuất khẩu tôm Thái Lan sang các thị trường lớn giảm, ngoại trừ Nhật Bản.

Sản lượng tôm khai thác tại Argentina đạt hơn 200.000 tấn trong năm 2017 và xuất khẩu tôm tăng 14,7% so với năm 2016 lên 183.300 tấn. Xuất khẩu tôm Argentina sang Nhật Bản tăng 40% lên 18.000 tấn và sang Việt Nam tăng 80% lên 11.400 tấn.

Xuất khẩu tôm khai thác tự nhiên từ Canada giảm 40% trong năm 2017 so với năm 2016 do sản lượng khai thác giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Canada sang Việt Nam vẫn tăng.

Nhập khẩu

Năm 2017, nhu cầu tôm tại thị trường Đông Á và Bắc Mỹ ở mức cao, chủ yếu nhờ việc người tiêu dùng chấp nhận tôm nuôi và giá cả hợp lý. Tuy nhiên, nhu cầu tôm trên thị trường châu Âu đi ngang.

Nhập khẩu tôm thế giới tại top 10 thị trường (EU28, Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Canada) đạt tổng cộng 2,6 triệu tấn trong năm 2017, trong đó 43% tập trung tại các thị trường châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc). Các báo cáo ngành cho rằng khoảng 60 – 70% tôm nhập khẩu vào Việt Nam được tái xuất sang Trung Quốc, cho thấy luồng thương mại kép trên thị trường quốc tế.

Mỹ

Tôm tiếp tục là loại thủy sản được ưa chuọng nhất tại Mỹ. Nhờ thị trường chứng khoán tăng mạnh và thu nhập khả dụng tăng, tiêu dùng tôm tại Mỹ tăng trong năm 2017 so với năm 2016. Giá nhập khẩu tôm vào mỹ ổn định giúp giá bán buôn ở mức hấp dẫn trong năm 2017. Tăng doanh số trong cả khu vực bán lẻ và ẩm thực đẩy nhập khẩu tôm năm 2017 của Mỹ lên mức cao kỷ lục 665.100 tấn, trị giá 6,5 tỷ US, tăng 10% về lượng và 14% về giá trị so với năm 2016.

Việc Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với tôm Ấn Độ và mức độ chấp nhận của thị trường tăng lên, giúp xuất khẩu tôm Ấn Độ sang thị trường Mỹ tăng vọt 39% lên 214.400 tấn, là động lực chính trong tăng nhập khẩu tôm của Mỹ trong năm 2017. Giá bán buôn trun gbình của tôm thẻ nguyên vỏ Ấn Độ cao hơn 6 – 10% so với các sản phẩm cùng loại từ Ecuador.

Đáng chú ý là khoảng 78% nhập khẩu tôm của Mỹ là các sản phẩm nguyên vỏ và bóc vỏ nước ấm (tôm nguyên vỏ, dễ bóc vỏ; tôm bóc vỏ nguyên đuôi; tôm bóc vỏ bỏ chỉ, tôm cắt cánh bướm). Tỷ trọng các sản phẩm tôm chế biến, bao gồm tôm tẩm bọt chỉ chiếm 22%. Nhập khẩu tôm bóc vỏ và nguyên vỏ nước ấm tăng 10% và nhập khẩu tôm chế biến tăng 11% trong năm 2017 so với năm 2016.

Nhật Bản

Sau 5 năm suy giảm, nhập khẩu tôm Nhật Bản phục hồi trong năm 2017, với mức tăng 4,3% so với năm 2016 lên 223.200 tấn, chủ yếu nhờ tình hình kinh tế cải thiện và thu nhập khả dụngt ăng. Tiêu dùng tôm nhìn chung cải thiện trong giai đoạn so sánh, nhưng như thường lệ, tiêu dùng tôm cao điểm tập trung vào tháng 4/5, 7/8 và cuối tháng 12.

Nhập khẩu tôm GTGT của Nhật Bản đạt 62.200 tấn, chiếm 27% tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của nước này, so với tỷ trọng 22% tại Mỹ và 19% tại EU28.

Trong những năm gần đây, nhu cầu tiêu dùng tôm tươi trong các hộ gia đình Nhật Bản giảm, nhưng nhu cầu đối với các sản phẩm tôm “nấu ngay” và “ăn liền” tăng lên. Doanh số bán các sản phẩm này trong năm 2017 diễn biến tốt. Nhu cầu đối với tôm sú tươi nguyên đầu tại các nhà hàng cao cấp và nhu cầu đối với tôm Argentina tại các cửa hàng sushi và siêu thị tăng trong năm 2017 so với năm 2016.

Việt Nam và Thái Lan là các nhà cung cấp chính cho thị trường Nhật Bản, bao gồm tôm GTGT. Các nhà xuất khẩu tôm lớn khác sang thị trường Nhật Bản bao gồm: Ấn Độ (35.000 tấn), Indonesia (30.500 tấn), và Argentina (21.600 tấn).

EU

Nhu cầu đối với tôm tại thị trường EU28 không đổi trong 5 năm qua. Nhập khẩu tôm ngoại khối EU28 chiếm 75% tổng lượng tôm giao dịch và giữ ở mức 570.000 – 580.000 tấn hàng năm, bao gồm 19 – 20% tôm GTGT cao.

Nhập khẩu tôm của EU28 trong năm 2016 và 2017 tương đương nhau. Bất chấp giá tôm trên thị trường duy trì ổn định, nhập khẩu tôm từ phần lớn các nhà cung cấp chỉ tăn gnhẹ, mặc dù nhập khẩu tôm từ Việt Nam của EU tăng tới 25%, trong đó 43% là các sản phẩm tôm GTGT cao. Xu hướng nhu cầu yếu đi trên thị trường EU duy trì trong thời gian qua, mặc dù có một số giai đoạn nhu cầu cao điểm.

Trong số các thị trường riêng lẻ thuộc EU28, nhập khẩu tăng nhẹ tại Tây Ban Nha (+3% lên 169.400 tấn) và Đan Mạch (+5% lên 79.400 tấn), nhưng giảm tại Pháp (-2,2% xuống 108.000 tấn), Anh (-2,2% xuống 79.400 tấn) và Hà Lan (-16% xuống 72.500 tấn) và Ý (-5% xuống 69.000 tấn). Nhu cầu đối với tôm Argentina tại châu Âu mạnh trong dịp Giáng sinh 2017, so với nhu cầu tôm nước ấm. Thụy Sĩ, thị trường cao cấp tại châu Âu, báo cáo nhập khẩu tôm tăng 4% trong năm 2017 lên 8.200 tấn.

Năm 2017, nhập khẩu tôm của Liên bang Nga đạt mức cao nhất kể từ năm 2015, lên 38.400 tấn. Nguồn cung tôm nước lạnh từ Greenland tăng 29% lên 9.800 tấn. Xuất khẩu tôm từ Argentina sang Nga tăng tới 181% lên 3.600 tấn. Nhập khẩu tôm nước ấm tăng từ Ấn Độ (+24% lên 7.400 tấn) và Ecuador (+38% lên 4.500 tấn).

Châu Á Thái Bình Dương

Nhu cầu tôm tại khu vực châu Á Thái Bình Dương rất cao tại cả nước sản xuất và không sản xuất tôm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong Trung Quốc, Singapore và New Zealand) trong năm 2017. Phần lớn nhập khẩu tôm của khu vực này đều dành cho thị trường nội địa và các thị trường láng giềng (điển hình là Việt Nam sang Trung Quốc: Việt Nam tái xuất phần lớn lượng tôm nhập khẩu dưới dạng chưa gia công chưa hế biến và có gia công chế biến). Tại Thái Lan, tôm nhập khẩu thường được chế biến thêm để gia tăng giá trị cho các sản phẩm xuất khẩu.

Trung Quốc tiếp tục là nước tiêu dùng tôm lớn nhất tại châu Á, bao gồm tôm nhập khẩu. Tỷ trọng tôm sản xuất để phục vụ thị trường nội địa đang tăng, hiện chiếm 60 – 70% tại Trung Quốc. Xu hướng này cũng diễn ra tại các nước sản xuất tôm Đông Nam Á.

Tại khu vực Thái Bình Dương, nhập khẩu giảm nhẹ tại Úc (-1%) xuống còn 32.300 tấn, nhưng tăng nhẹ tại thị trường New Zealand với mưc tăg 4% lên 5.200 tấn.

Theo báo cáo chính thức, sản lượng tôm thẻ tiêu thụ trên thị trường nội địa của Ấn Độ là 70.000 tấn. Phần lớn tôm nước ngọt sản xuất tại Bangladesh, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đều đi vào kênh thị trường thành thị nội địa có giá bán cao hơn nhiều so với giá xuất khẩu.

Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam là nước nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với các nhà cung cấp chính trong năm 2017 là Ecuador (+51% lên 223.900 tấn), và Ấn Độ (+58% lên 157.700 tấn). Nhập khẩu tôm của Việt Nam từ Argentina cũng tăng 79% lên 11.300 tấn. Việt Nam tái xuất 60 = 70% lượng tôm nhập khẩu sang Trung Quốc mà không chế biến gì thêm.

Theo Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm năm 2017 tăng 4% lên 111.400 tấn. CÁc nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Trung Quốc là Canada, Argentina, Ecuador, Ấn Độ và Greenland. Nhập khẩu tăng từ tất cả các nhà cung cấp, ngoại trừ Argentina. Ngoài ra, ước tính 250.000 – 270.000 tấn tôm thâm nhập vào Trung Quốc từ Việt Nam thông qua thương mại biên mậu không ghi chép, trong khi lượng nhập khẩu tôm ghi nhận chính thức từ Việt Nam vào Trung Quốc chỉ là 1.600 tấn. Bắt đầu từ 1/12/2017, Trung Quốc hạ thuế nhập khẩu tôm từ 5% xuống còn 2%, khuyến khích nhập khẩu chính thức hơn so với nhập khẩu biên mậu không ghi chép.

Suy giảm nhập khẩu tôm tại Hàn Quốc và Hong Kong là do giảm nguồn cung tôm tươi từ Trung Quốc sang các thị trường này. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm Việt Nam của các thị trường đích trên tăng. Đồng Ringgit của Malaysia yếu đi so với đồng USD đã tác động tiêu cực tới nhập khẩu, mặc dù nhu cầu nội địa cao ở mức giá hợp lý.

Giá tôm

Bất chấp sản lượng tôm nuôi tăng, giá tôm trên thị trường thế giới duy trì ổn định suốt năm 2017.

Giá tôm tươi nội địa tại Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore đều tăng so với giá nhập khẩu tôm của các nước phương Tây. Tại khu vực bán lẻ của Malaysia, giá tôm thẻ tươi loại 50 – 60 con/kg ở mức cao 10 USD/kg. Tại Ấn Độ, giá tôm thẻ loại 100 con/kg có giá 3,9 USD/kg tại chợ đồ tươi.

Triển vọng

Mùa nuôi tôm năm 2018 tại châu Á bắt đầu vào tháng 4/5. Các nguồn tin trong ngành dự báo xu hướng sản xuất tích cực trong năm 2018 và sản lượng tôm Ấn Độ tăng 10% tại Ấn Độ. Mỹ Latin bước vào giai đoán sản xuất thấp điểm từ tháng 3. Khả năng xảy ra El Nino trong năm 2018 có thể dẫn tới các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán và mưa lớn, gây tác động tiêu cực cho ngành nuôi trồng thủy sản. Tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 7 tới.

Đầu năm 2018, tồn kho tôm tại Mỹ duy trì ở mức cao; trong khi nhập khẩu tôm trong tháng 1/2018 tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. Với tình hình thị trường chứng khoán Mỹ gần đây yếu đi, các nhà nhập khẩu đang có tâm lý thận trọng. Nếu chỉ số Dow Jones giữ đà tăng trong năm 2018, niềm tin người tiêu dùng sẽ duy trì tích cực.

Tại châu Âu, các nhà nhập khẩu đang chờ giá giảm thêm cùng với dự báo sản xuất tăng.

Tại Nhật Bản, tiêu dùng tôm sẽ tăng trong suốt các dịp lễ hội mùa xuân vào tháng 4/5 trong khi nhập khẩu thường thấp trong suốt quý 1 hàng năm theo chu kỳ.

Từ cuối tháng 12/2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu triệt phá nhập khẩu trái phép thủy sản từ Việt Nam, bao gồm tôm. Trong 2 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu tôm chính thức của Trung Quốc từ Ecuador và Ấn Độ đã tăng gấp đôi. Xuất khẩu tôm từ hai nhà cung cấp này sang Việt Nam vẫn cao trong tháng 1/2018. Tác động cũng các diễn biến này sẽ rõ ràng hơn vào giữa năm 2018.

Theo Globefish (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường