Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thaifex 2018: Các nhà chế biến bắt đầu cảm thấy áp lực từ tình trạng giá tôm thấp
01 | 06 | 2018
Các nhà chế biến xuất khẩu thủy sản Thái Lan không còn tập trung vào thị trường EU do thị trường này không còn mang lại lợi nhuận như kỳ vọng. Trong khi đó, bất đồng giá giữa nông dân nuôi tôm –doanh nghiệp chế biến Thái Lan cùng với giá tôm thế giới giảm thấy đang khiến ngành tôm Thái Lan gặp khó khăn chồng chất.

Các nhà xuất khẩu Thái Lan: EU không còn là thị trường ưu tiên

Ngành thủy sản Thái Lan đang ngày càng rời xa thị trường châu Âu và tập trung vào các thị trường khác do khối EU không còn là thị trường sinh lời cho các nhà xuất khẩu, theo các nhà sản xuất kinh doanh cá ngừ và tôm cho IntraFish biết

Nhà sản xuất kinh doanh thủy sản lớn của Thái Lan Sea Value có các văn phòng tại Hà Lan và một nhà máy chế biến thịt cá ngừ tại Pháp, nhưng công ty cho biết không có bất cứ kế hoạch đầu tư nào tại châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn. “Thay vào đó, chúng tôi tập trung vào thị trường châu Á, hiện đang chiếm 25% thị phần của công ty chúng tôi”, theo ông Somkiat Threamruktakul, giám đốc marketing của Sea Value cho hay. “Châu Âu hiện có chiếm 20 – 22% doanh thu của công ty, nhưng chúng tôi sẽ chỉ xem xét đầu tư tại khu vực này nếu có thể đàm phán mức thuế quan tốt hơn”.

Tương tự như vậy, trong ngành tôm, các thương nhân Thái Lan cũng không còn trông đợi nhiều vào thị trường châu Âu. “Đây không còn là thị trường cho chúng tôi nữa”, theo nhận định của ông Jim Gulkin, giám đốc điều hành công ty thương mại thủy sản Siam Canadian. “Thái Lan hiện tập trung mạnh vào thị trường Mỹ, Canada, Nhật Bản, thị trường nội địa, nhưng không phải châu Âu”.

Ngành tôm Thái Lan cần tìm ra cách để tồn tại trên thị trường

Ngành tôm Thái Lan hiện gặp khó khăn lớn do sự bất đồng giữa nông dân nuôi tôm và các công ty chế biến, ông Jim Gulkin, giám đốc điều hành Siam Canadian cho hay.

Những bất đồng về giá và sự cần thiết hợp tác giữa tất cả các bên trong ngành đang dẫn tới một cuộc khủng hoảng nội bộ và tình hình giá tôm thế giới càng làm ngành tôm Thái Lan thêm khốn đốn. Do nông dân cố gắng tăng giá bán cho các công ty chế biến, các công ty chế biến lại vật lộn để duy trì vị thế sản phẩm trên các thị trường – nơi sản phẩm tôm từ các nhà cung cấp khác được bán với giá rẻ hơn. “Nông dân tăng giá bán khiến các nhà chế biến gặp rất nhiều khó khăn trong xuất khẩu”, ông Gulkin cho hay.

Mặc dù lợi ích của cả hai bên nằm ở việc hợp tác nhưng trong thời điểm này, hai bên đang đối đầu nhiều hơn là đối thoại. Trước đây, nông dân nuôi tôm Thái Lan tránh hợp tác với các doanh nghiệp chế biến, chủ yếu do nhu cầu cao của các thương nhân Trung Quốc – vốn là đối tác nhiều rủi ro. Tuy nhiên, khi những nước khác như Ấn Độ và Indonesia chào bán giá tôm thấp hơn, thị trường Trung Quốc đang mở mạnh cửa cho các nhà cung cấp này, đẩy các nhà sản xuất Thái Lan vào tình thế chật vật tiêu thụ hàng. “Các nhà chế biến cần thuyết phục nông dân rằng để thành công thì nông dân cần hỗ trợ doanh nghiệp chế biến”, ông Gulkin phát biểu. Theo ông Gulkin, các vấn đề của ngành tôm Thái Lan đang ngày một chồng chất và hàng loạt vấn đề cần được giải quyết. “Thái Lan cần tìm cách trụ vững trên thị trường. Về lượng, Thái Lan không thể cạnh tranh nên cần phải tăng tính hiệu quả, cơ sở hạ tầng, giá trị gia tăng…”.

Năm 2017, sản lượng tôm Thái Lan dạt 300.000 tấn, và sản xuất tôm năm 2018 dự báo duy trì mức sản lượng tương đương.

Theo Intrafish (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường