Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỳ vọng đột phá từ Nghị quyết 19/2018
11 | 06 | 2018
Thực hiện Nghị quyết 19 (2014-2017), Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chế biến tôm xuất khẩu ở Công ty CP chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Cà Mau . (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN).

Trên nền tảng đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (Nghị quyết 19/2018) vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá thực hiện hiệu quả nhiều vấn đề.

Mục tiêu kỳ vọng

Sau 4 năm thực hiện các nghị quyết số 19 của Chính phủ, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta liên tục được cải thiện. Năm 2017, nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã tích cực và quyết liệt hơn trong thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và đã đạt được những kết quả tích cực.

Năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 5 bậc so với năm 2016 (từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế); môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế); đổi mới sáng tạo cải thiện 12 bậc, đạt thứ hạng 47/127 nền kinh tế. Đó là những thứ hạng cao nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay.

Để đạt được mục tiêu xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4 (gồm các nền kinh tế: Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines) đòi hỏi phải có nỗ lực cải cách mạnh mẽ, toàn diện cả về quy mô và cường độ trên tất cả các lĩnh vực.

So với Nghị quyết 19/2017, Nghị quyết 19 năm nay có những bước chuyển mới về tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8 - 18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể là: Khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Đồng thời, phải hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Theo đó, phải giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%.

Đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đến hết 2018, hầu hết các dịch vụ công phổ biến, liên quan đến người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và 4.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch, để du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics, tạo thuận lợi và giảm chi phí kinh doanh, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Cụ thể: cải thiện năng lực cạnh tranh ngành du lịch thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 67/136 quốc gia). Từng bước giảm chi phí logistics trong nền kinh tế xuống mức bằng khoảng 18% GDP (hiện hơn 20% GDP); cải thiện Chỉ số Hiệu quả logistics thêm khoảng 10 bậc (hiện xếp thứ 64/160 quốc gia).

Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, để nâng cao chất lượng chỉ số khởi sự doanh nghiệp, chỉ hỗ trợ, cắt giảm thủ tục thành lập doanh nghiệp là chưa đủ. Bởi đăng ký doanh nghiệp chỉ là bước khởi đầu, trong khi việc vận hành doanh nghiệp là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn và chi phí phát sinh. Vì vậy, trong chiến lược phát triển doanh nghiệp của cả nước hay của từng địa phương, cần phải có cơ chế phù hợp để người khởi sự lựa chọn thành lập doanh nghiệp thay vì hộ kinh doanh cá thể.

“Muốn vậy, phải xóa bỏ sự “bất công bằng” về thuế phí, về tần suất thanh, kiểm tra… giữa các loại hình kinh doanh. Bên cạnh đó, phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn lực, tham gia thị trường mới có thể hoạt động hiệu quả, sinh ra lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách,” chuyên gia Lê Duy Bình cho hay.

Liên quan tới cải cách hành chính trong kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, cần có tiêu chí đo lường hiệu quả, cụ thể.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lý giải, sở dĩ phải có tiêu chí đo lường hiệu quả của việc cải cách bởi thời gian qua, việc cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đang trong tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hay “nóng, lạnh không đồng đều”. Nghĩa là, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng mỗi bộ ngành, địa phương lại triển khai ở cấp độ khác nhau.

Bên cạnh những địa phương tích cực đề ra các giải pháp nâng cao năng lực cạnh cấp tỉnh thì vẫn còn nhiều địa phương chỉ “chờ” những giải pháp từ trên xuống.

Vì vậy, theo ông Phan Đức Hiếu, đánh giá hiệu quả nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh không nên chỉ dựa trên tiêu chí số thủ tục được cắt giảm, mà phải dựa trên tiêu chí tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Muốn dỡ bỏ gánh nặng chi phí không chính thức thì phải minh bạch hóa các hoạt động quản lý.

Chỉ khi ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hạn chế việc tiếp xúc giữa cán bộ quản lý với doanh nghiệp mới có thể triệt tiêu các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Xã hội hóa công tác kiểm tra

Liên quan đến kiểm tra chuyên ngành, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch Việt Nam (AFT), cho rằng, để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên ban hành chính sách và kiểm soát quá trình thực thi chính sách mà không nên tham gia vào các dịch vụ cấp phép, chứng nhận có thu phí…

Thay vào đó, các hoạt động này nên xã hội hóa cho các tổ chức độc lập hoặc doanh nghiệp thực hiện để xóa bỏ cơ chế “xin – cho”.

Mặt khác, các chính sách cần được xây dựng nhất quán, rõ ràng, cụ thể để việc thực thi được minh bạch. Ví dụ như, mức thuế thu nhập doanh nghiệp khoa học công nghệ là 5%; doanh nghiệp không phải là khoa học công nghệ là 10%...

Tuy nhiên, những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để xác định là doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện nay chưa được cụ thể, rõ ràng, tùy thuộc vào quan điểm của từng cấp, từng cán bộ phụ trách hồ sơ, khiến doanh nghiệp phải tìm cách lách luật…

Các chuyên gia cũng cho rằng, để việc cải cách được triển khai và mang lại hiệu quả đồng đều hơn, toàn diện hơn, Chính phủ cần yêu cầu các bộ, ngành, địa phương áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện cung ứng tất cả dịch vụ hành chính công ở cấp độ 3 và 4.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng phải kết nối tất cả thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia để cắt giảm các thủ tục, động tác thừa gây tốn kém về thời gian và phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, khuyến nghị, để nâng cao hiệu quả của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) thì tiến trình rà soát, cắt giảm không nên giao cho các vụ, cục của các bộ, ngành thực hiện. Bởi, họ chính là bộ phận có quyền cấp phép thì sẽ không có động lực để cắt giảm, thay vào đó nên giao cho bộ phận pháp chế thực hiện sẽ hiệu quả hơn.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, việc nhận diện và tiến hành cắt bỏ, đơn giản hóa các ĐKKD là việc làm cần thiết và rất tốt, nhưng quan trọng hơn, cần có sự giám sát việc thực thi cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD đó trên thực tế có đúng như vậy không.

“Các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu các bộ, ngành rất hay. Nhưng trên thực tế, khi triển khai xuống các cấp cơ sở, nhiều khi lại ngược lại… Do đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP lần đầu tiên đã giao cho một số đơn vị tiến hành những khảo sát, đánh giá độc lập việc thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD của các bộ, ngành trên thực tế. Điều đó cho thấy Chính phủ nhận thấy vấn đề việc thực hiện của các khâu trung gian mới là quan trọng”, ông Tuấn chia sẻ.

Đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành chế biến thủy sản nói riêng rất trông chờ vào việc triển khai những yêu cầu mà Nghị quyết 19-2018/NQ-CP đề ra cho các bộ, ngành.

“Hiện nay, doanh nghiệp còn gặp phải nhiều khó khăn khi thực hiện những quy định của pháp luật trên thực tế. Đôi khi doanh nghiệp không được hướng dẫn khi thực hiện các thủ tục hay phải chạy đi chạy lại rất nhiều lần để chỉnh sửa, bổ sung thủ tục… Do đó, doanh nghiệp kỳ vọng vào những cải cách mà các nghị quyết của Chính phủ, trong đó có Nghị quyết số 19/2018 đề ra trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp...”, ông Nam chia sẻ.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, những mục tiêu đưa ra tại Nghị quyết 19/2018 là không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu như có đủ quyết tâm và sự nỗ lực, quan trọng là người đứng đầu của các bộ, ngành, địa phương.

“Vai trò của lãnh đạo bộ, lãnh đạo địa phương rất quan trọng. Ở đâu có vô cảm, vô trách nhiệm, vô lý phải xử ngay. Không thể chờ người bên ngoài lên tiếng. Không thể để doanh nghiệp kêu nhiều như vậy, mà lại cứ để cho chìm, chìm và chìm luôn, nếu để như vậy là lãnh đạo chưa làm hết trách nhiệm”, người đứng đầu CIEM thẳng thắn.

Theo KTNT



Báo cáo phân tích thị trường