Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông sản: Cần tăng cường xúc tiến thương mại
08 | 06 | 2018
Đó là ý kiến của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) khi chia sẻ với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp bên hành lang Quốc hội chiều nay (7/6), khi nói về thực trạng nông nghiệp sạch.

Mô hình nông nghiệp sạch ở nước ta đã có tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn trong việc nhân rộng mô hình này, theo ông Cảnh lý do lớn nhất đó là đầu ra cho sản phẩm.

Theo đại biểu Cảnh, thực tế từ nhiều địa phương cho thấy sản phẩm nông nghiệp sạch đảm bảo đủ điều kiện về chất lượng ra thị trường nhưng không bán và cạnh tranh được với sản phẩm nông nghiệp chưa qua kiểm soát.

Bên cạnh đó, người bán còn lúng túng trong việc tìm nơi tiêu thụ, bị động về giá cả và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn chưa có nên đã không khuyến khích và tạo động lực cho những người sản xuất nông sản sạch tiếp tục sản xuất các sản phẩm sạch.

- Rõ ràng nhu cầu thị trường về các sản phẩm sạch là có nhưng giữa người sản xuất và người mua lại chưa tiếp cận được với nhau, ông có thể cho biết vì sao có thực trạng này?

Vai trò thực hiện liên kết chuỗi từ sản xuất tới cung ứng của chúng ta còn kém hay nói cách khác, chuỗi cung ứng sản phẩm hiện đang là khâu yếu của chúng ta. Nông dân sản xuất ra sản phẩm sạch nhưng chưa có đầu ra ổn định.

Tôi thiết nghĩ việc này cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Người sản xuất nếu không được kết nối, không có sự quảng bá, hỗ trợ đầu ra ổn định thì sản phẩm sẽ không tiêu thụ được, và với người mua họ cũng không có thông tin để phân biệt giữa sản phẩm sạch và không sạch, do đó không biết lựa chọn sản phẩm nào tin tưởng để tiếp cận. Như vậy sẽ không tạo động lực cho người sản xuất sạch tích cực sản xuất theo mô hình sạch và hữu cơ.

- Là nước nông nghiệp, trước xu hướng hội nhập toàn cầu như hiện nay, để sản phẩm nông sản “xuất ngoại” được nhiều hơn nữa thì cần có giải pháp gì, thưa ông?

Theo tôi, chính quyền các cấp cần có biện pháp tuyên truyền vận động để người nông dân sản xuất sạch, sản xuất an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc và phải có chế độ xử phạt những trường hợp sử dụng các chế phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ khi chúng ta thực hiện được việc kiểm soát ngay từ khâu đầu đó là khâu sản xuất như vậy thì mới có thể tạo ra sản phẩm sạch ở khâu lưu thông.

Trên thực tế, hiện nay chúng ta mới đẩy mạnh kiểm soát khâu lưu thông, trong khi hướng tới thị trường xuất khẩu sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Sở dĩ vậy, bởi chất lượng sản phẩm không tốt, vệ sinh an toàn thực phẩm không được bảo đảm sẽ dẫn tới tình trạng hàng bị trả lại, khi đó không những không tiêu thụ được sản phẩm mà còn mất uy tín và sẽ ảnh hưởng rất không tốt tới thị trường sản xuất nông nghiệp trong nước.

- Theo ông, cần có giải pháp gì để khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” như xảy ra trên nhiều địa phương?

Nhà nước cần có chủ trương trong việc thường xuyên định hướng, cập nhật, cung cấp thông tin thị trường trong và ngoài nước để khuyến cáo kịp thời tới người nông dân sản xuất các loại nông sản phù hợp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ về các loại sản phẩm chủ lực là lợi thế của mình để khuyến khích người nông dân tập trung sản xuất các sản phẩm có lợi thế, có hiệu quả kinh tế khi cạnh tranh với thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, vai trò của Nhà nước cũng rất quan trọng trong việc định hướng, quy hoạch giúp người nông dân sản xuất. Ví dụ, số lượng bao nhiêu cho từng loại con nuôi là phù hợp, bao nhiêu ha cho từng loại cây trồng cụ thể, đồng thời kết hợp nắm rõ thông tin thị trường trong nước, thế giới để từ đó khuyến cáo kịp thời cho người dân.

Đặc biệt, việc xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng rất cần thiết. Nhà nước cần hỗ trợ chi phí trong việc kết nối, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tới thị trường quốc tế, khiến nhiều người biết sản phẩm của chúng ta là sản phẩm có chất lượng, an toàn, từ đó từng bước có chỗ đứng ổn định trên thị trường quốc tế và sẽ đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh.

- Ông đánh giá gì về vai trò của việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp?

Khi các ngành đều tiến tới ứng dụng công nghệ 4.0, thì trong sản xuất nông nghiệp cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Các cơ quan chức năng cần có chính sách, tuyên truyền, hỗ trợ và khuyến khích tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận sớm các ứng dụng công nghệ 4.0 tiên tiến nhất nhằm cải thiện năng suất lao động và đảm bảo hiệu quả trong thời kỳ cạnh tranh hội nhập như hiện nay.

Ví dụ, trên địa bàn tỉnh Bình thuận đã có một số cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm giống hoặc cây trồng, như dưa lưới, thanh long. Từ khâu tưới nước, bón phân, điều hành chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói,… đều toàn toàn sử dụng máy móc. Điều này đã giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn trong sản xuất.

- Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo DĐDN



Báo cáo phân tích thị trường