Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Coi chừng người Việt lại rủ nhau… giải cứu bò Mỹ!
02 | 10 | 2018
Việt Nam vừa có các cơ hội vừa gặp nhiều thách thức trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Đó là nhận định của TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCMbên lề hội nghị “Tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc (TQ) đến kinh tế TP.HCM” do Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức. Ông Thành nói: “Tác động trực quan và nhanh chóng nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là lĩnh vực xuất nhập khẩu”.

Trong ngắn hạn, Việt Nam hưởng lợi

. Phóng viên: Việt Nam (VN) sẽ nằm ở đâu trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, thưa ông?

coi chung nguoi viet lai ru nhau giai cuu bo my
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM

+ TS Võ Trí Thành: TQ và Mỹ đều là đối tác thương mại lớn của VN. Theo thống kê của hải quan TQ, thương mại hai chiều giữa VN và TQ có giá trị kim ngạch lên đến 100 tỉ USD.

Trong khi đó, Mỹ là một thị trường xuất khẩu lớn cho hàng hóa VN. TQ là nhà đầu tư lớn thứ sáu và Mỹ đang đứng thứ tám về đầu tư tại VN.

Do vậy, dưới góc nhìn của tôi, trong ngắn hạn, VN sẽ hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này.

Nếu nhu cầu thị trường Mỹ không thay đổi và không nhập hàng hóa TQ thì dịch chuyển thương mại sẽ sang các nước khác, trong đó có VN.

Ngành dệt may, điện tử VN sẽ có lợi đầu tiên. Thống kê xuất khẩu vừa qua, xuất khẩu VN sang Mỹ trong chín tháng đạt gần 35 tỉ USD, tăng 12,5%. Đặc biệt, điện thoại và linh kiện tăng đến 46%, dệt may tăng gần 12%, da giày tăng gần 13%.

. Đó là mặt tích cực, còn ảnh hưởng tiêu cực thì sao?

+ VN với tính chất là nền kinh tế mở nên không thể tránh khỏi tác động của cuộc chiến. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu cuộc chiến leo thang thì tác động đến thương mại VN sẽ xoay sang khía cạnh tiêu cực nhiều hơn. Bởi theo các nghiên cứu cho thấy leo thang chiến tranh thương mại quy mô lớn sẽ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 0,5 điểm %. Trong khi đó, xuất khẩu của VN luôn phụ thuộc vào hai biến số quan trọng là tỉ giá và tăng trưởng kinh tế thế giới.

Khi tăng trưởng kinh tế thế giới giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu của VN, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước bởi xuất khẩu là trụ cột cho tăng trưởng. Do đó, VN phải nhìn nhận cuộc chiến này hết sức cẩn trọng.

Cuộc chiến này cũng sẽ tác động đến đầu tư, tỉ giá, lãi suất... Ví dụ, cú sốc chiến tranh thương mại có thể làm thị trường tài chính, chứng khoán rung rinh, làm dịch chuyển dòng vốn ngắn hạn và ảnh hưởng đến lòng tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn phản ứng khá bình tĩnh của thị trường thế giới khi Mỹ tiếp tục đánh thuế 200 tỉ USD cho hàng hóa TQ thì tạm thời thị trường VN chưa có ảnh hưởng lớn.

coi chung nguoi viet lai ru nhau giai cuu bo my

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể tạo ra cơ hội để VN tăng xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là sản phẩm cá tra. Ảnh: GIA TUỆ

Bình tĩnh ứng phó

. VN cần phải có hành động cụ thể gì để ứng phó?

+ Tôi cho rằng VN phải bám rất sát, nhìn nhận cuộc chiến này với thái độ bình tĩnh, không hốt hoảng, tiếp cận cả ở góc độ tiêu cực lẫn tích cực; có những cơ chế, những chính sách để hạn chế rủi ro, giảm thiểu sự bất định, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế...

Chẳng hạn về đầu tư có thể hy vọng dòng đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển về VN để tránh sự bất ổn của nền kinh tế TQ. Bởi không nhà đầu tư nào đi ngược lại nguyên tắc chung là tìm hầm trú ẩn an toàn với môi trường đầu tư, kinh doanh. Nghĩa là họ tìm đến nền kinh tế ít có các yếu tố rủi ro, bất định.

Tuy vậy, việc thu hút đầu tư trong ngắn hạn để tranh thủ cuộc chiến thương mại có thể dẫn đến rủi ro là khi Mỹ và TQ dừng lại, VN sẽ trở thành quốc gia khủng hoảng thừa. Ví dụ, đừng thấy TQ không nhập bò Mỹ mà VN đổ xô đầu tư nuôi bò Mỹ, tới khi họ nhập lại thì VN có thể lại phải đi giải cứu bò. Đầu tư nhưng phải thận trọng, đừng đầu tư quá mức kiểu phong trào.

. Riêng về TP.HCM phải ứng phó ra sao trong cuộc chiến này, thưa ông?

+ TP.HCM là đầu tàu phát triển kinh tế VN. Nói đến phát triển kinh tế, cải cách không thể không nói đến TP.HCM. Chính vì vậy, tôi cho rằng TP.HCM cần cùng với cả nước bám sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để giảm thiểu rủi ro, tận dụng cơ hội. TP.HCM thiết lập những cơ chế ứng phó giảm thiểu rủi ro tốt và từ đó có những bài học lan tỏa đến cả nước và tỉnh, thành khác. Đặc biệt, TP.HCM cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, bám vào xu thế mới của sự phát triển, trở thành hình mẫu phát triển và cải cách.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần phát triển đô thị thông minh, tạo tính lan tỏa, mạnh dạn đi đầu trong đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0, phải là nơi đi đầu trong thu hút nhân tài.

Những mặt hàng nào chịu ảnh hưởng nhiều nhất?

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang lên quy mô toàn diện, cơ hội sẽ đến với rất nhiều nước khác trong vai trò thay thế các mặt hàng xuất khẩu vào hai thị trường Mỹ và TQ, trong đó có VN.

Ở các ngành hàng như lắp ráp đồ điện tử, các loại chip, chất bán dẫn, hàng may mặc, da giày, sản xuất đồ chơi trẻ em, đồ dùng thể thao, đồ gỗ nội thất..., VN có cơ hội rất lớn trong việc giành thêm thị phần từ TQ tại thị trường Mỹ cũng như thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành hàng này. Qua đó tạo thêm việc làm, tăng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại.

Tuy nhiên, thách thức của VN là cần quản lý chặt, tránh hiện tượng hàng TQ mượn VN như một nước trung chuyển để tìm đường xuất khẩu sang Mỹ, tiêu biểu là các mặt hàng sắt thép, thịt bò, đồ gỗ nội thất... Nếu để điều này xảy ra, VN sẽ bị ảnh hưởng vạ lây khi Mỹ tiến hành áp thuế trừng phạt.

Tập trung xây dựng đô thị thông minh

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các đại biểu cần tiếp tục theo dõi sát sao tình hình của cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ, cần phải bình tĩnh để có những ứng phó thích hợp. Bí thư Thành ủy cũng cho biết TP.HCM đang tập trung xây dựng đô thị thông minh để tháo gỡ những điểm nghẽn mà TP đang gặp phải như kẹt xe, ngập nước. Song song đó, TP.HCM đang xây dựng đề án khu đô thị sáng tạo phía Đông gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với kỳ vọng khu đô thị này sẽ trở thành hạt nhân của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.



Nguồn: Vietnambiz
Báo cáo phân tích thị trường