Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Báo động về tình trạng giảm diện tích ở 'thủ phủ' chè Lâm Ðồng (Kỳ 2)
07 | 11 | 2018
Hiện, các ngành chức năng đang tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành chè theo hướng làm mới công nghệ, cải tạo giống, hình thành chuỗi liên kết sản xuất nhằm tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Cần cơ cấu lại ngành chè Lâm Ðồng

Từ hơn 20.950 ha chè trong năm 2017, tới tháng 9/2018, diện tích chè ở Lâm Ðồng giảm tuột dốc chỉ còn 12.697 ha, khiến ngành chè đang bị phá vỡ quy hoạch chung. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT Lâm Ðồng đánh giá, phần diện tích chè còn lại chủ yếu là chè cao sản, chè chất lượng cao cho sản lượng, chất lượng ở mức tốt. Hiện, các ngành chức năng đang tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành chè theo hướng làm mới công nghệ, cải tạo giống, hình thành chuỗi liên kết sản xuất nhằm tăng giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 155 công ty chế biến chè với quy mô 29.871 tấn/năm và 90 cơ sở chế biến. Trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ chè xuất khẩu (XK) đạt 28,8% về lượng (12.314 tấn/42.740 tấn), chiếm 4,2% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (21 triệu USD/499 triệu USD). Trong đó, các sản phẩm chủ đạo là chè Oolong, chè ướp hương, chè đen và chè xanh với nhu cầu tiêu thụ nội tiêu gần 70% và xuất khẩu chiếm hơn 30%.

Nhận diện khó khăn, thách thức

Với thị trường xuất khẩu, khó khăn lớn nhất là “sức ép” về “hàng rào kỹ thuật” khắt khe của một số nước khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất chế biến chè tại Lâm Đồng gặp khó khăn trong tiêu thụ hoặc phải bán với giá thấp hơn so với trước đây, đặc biệt là loại chè Oolong (chiếm hơn 90% sản lượng XK sang thị trường Đài Loan).

Theo nhiều doanh nghiệp chè tại Lâm Đồng, cũng tại thời điểm trên, cùng với tin đồn thất thiệt chè Lâm Đồng trồng trên đất nhiễm dioxin, phía Đài Loan bất ngờ đưa ra quy định dư lượng fipronil - một hợp chất diệt sâu bọ phổ biến - trong chè thành phẩm không vượt quá 0,002 (MMP). Tỉ lệ này cao hơn mức 0,005 (MMP) khi vào thị trường châu Âu, khiến các doanh nghiệp chế biến chè và người trồng chè tại Lâm Đồng vốn lâu nay phụ thuộc vào thị trường trên đã trở nên “điêu đứng” tới tận thời điểm này.

“Khi các doanh nghiệp gặp khó khăn chung, hạn chế thu mua, hoặc thu mua chè búp tươi giá thấp kéo dài đã khiến người dân rời bỏ cây chè (chủ yếu là diện tích chè hạt, chè già cỗi) để chuyển sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn sẽ là xu hướng tất yếu” - ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam nhìn nhận.

Tuy nhiên, theo ông Phương hiện nay qua vài năm gặp khó khăn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã có kinh nghiệm thích nghi, tìm kiếm được các thị trường XK chè khác để thay thế các thị trường truyền thống hoặc hướng về thị trường nội tiêu.

“Diện tích chè giảm mạnh nhưng tôi cho rằng không thể giảm thêm, bởi đã ở mức bão hòa vì diện tích còn lại chủ yếu là chè cao sản, chè chất lượng cao cho thu nhập tốt. Vấn đề thách thức trước mắt là ngành chè phải giữ diện tích, tiếp tục chuyển đổi giống, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tạo ra vùng chè nguyên liệu ổn định để nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo chất lượng chè và tăng tỷ trọng xuất khẩu” - ông Ðoàn Trọng Phương kỳ vọng.

Ông Trần Doãn Hải, chủ một công ty chuyên sản xuất chè Oolong tại TP Bảo Lộc thẳng thắn bày tỏ: Những công ty nào chỉ được một vế, chỉ cung ứng được nguyên liệu hay chỉ có khả năng chế biến đều gặp khó khăn chung. Riêng về chè Oolong, hiện tượng tận thu, tận mua vẫn diễn ra và doanh nghiệp nhỏ rất khó chen chân thu mua vì không có vùng nguyên liệu riêng. Hiện đang có những đơn vị tồn kho vài chục tấn chè khô nhưng cũng có đơn vị tới thời điểm này không có chè để bán. “Trong khi mình chủ yếu bán nguyên liệu thô giá rẻ do doanh nghiệp nhỏ, không có thương hiệu thì phần giá trị gia tăng, chè thành phẩm được các công ty lớn chuyển qua đóng gói tại Đài Loan, Trung Quốc với giá cao gấp nhiều lần” - ông Hải chia sẻ.Tại hội nghị liên kết các đơn vị sản xuất, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng diễn ra cuối tháng 10/2018 do Sở Công thương chủ trì, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Bảo Lộc đã bày tỏ lo ngại trước diễn biến diện tích chè sụt giảm quá nhanh sẽ khiến việc thu mua nguyên liệu gặp khó khăn.

Một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chè tại TP Bảo Lộc cho rằng, khó khăn hiện tại là việc liên kết sản xuất và chế biến vẫn còn nhiều hạn chế. Tình trạng “tranh mua, tranh bán” giữa các doanh nghiệp với nhau và người dân với doanh nghiệp vẫn còn xảy ra. Về phía doanh nghiệp, việc chia sẻ thông tin, liên kết với nhau để thúc đẩy ngành chè phát triển lại diễn ra khá rời rạc trong thời gian qua theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thu, đại diện Công ty TNHH Phong Giang (huyện Bảo Lâm) đánh giá, việc các doanh nghiệp liên kết theo chuỗi là xu hướng tất yếu nhưng hiện nay rất ít doanh nghiệp liên kết sâu với người dân do nhiều nguyên nhân. “Việc liên kết với người dân, tạo vùng nguyên liệu vẫn chưa “tới nơi tới chốn” nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh do không chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào” - ông Thu nói.

Thúc đẩy đồng bộ các giải pháp

Ông Võ Ngọc Hiệp - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cho rằng, nguồn nguyên liệu, thị trường chè ngày càng bị thu hẹp sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp ngành chè Lâm Đồng và các địa phương trong cả nước trong thời gian tới. Bên cạnh những khó khăn, điểm sáng hiện nay là một số doanh nghiệp hoạt động theo hình thức liên kết sản xuất, hợp đồng với nông dân, hỗ trợ kỹ thuật và từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu riêng nên đảm bảo được chất lượng chè. Bởi cái được lợi nhất khi các doanh nghiệp quản lí được vùng nguyên liệu không chỉ là hạn chế được việc “tranh mua, tranh bán” mà các doanh nghiệp chế biến chè kiểm soát được đầu vào và đầu ra, đặc biệt là khâu bảo vệ thực vật. Hiện nay tỉ lệ chè tiêu thụ thông qua chuỗi đạt 17,23% so với tổng sản lượng với 20 chuỗi, 305 hộ liên kết (diện tích 1.663ha), sản lượng búp tươi đạt trên 40.000 tấn/năm.

“Sắp tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến các doanh nghiệp, người dân mở rộng quy mô thu gom nguyên liệu thông qua việc phát triển các trung tâm thu hoạch đối với ngành chè, để chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, ngành chè cần tập trung mở rộng tăng cường liên kết với các hộ dân, hộ thu mua với các doanh nghiệp thông qua hợp đồng, từng bước hình thành vùng nguyên liệu nhằm ổn định về số lượng và chất lượng. Chúng tôi đang khẩn trương xúc tiến việc đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cũng như khuyến nghị tới các hộ thu mua, trang trại trồng chè trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất” - ông Hiệp cho biết.

Trao đổi với phóng viên Báo Lâm Đồng, ông Hoàng Sĩ Bích - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, Sở đã dự báo diện tích chè giảm qua các năm khoảng 1.000 ha nhưng ông vẫn khá ngỡ ngàng trước số liệu chè giảm sâu do Cục Thống kê tỉnh công bố kết quả tổng điều tra diện tích chè trong thông báo mới đây. Nguyên nhân chính do người dân đầu tư trồng xen chè với các loại cây trồng khác từ năm 2015. Sau khi giá chè giảm kéo dài cộng với việc các loại cây trồng xen canh cho thu nhập ổn định nên người dân bắt đầu chặt bỏ chè hàng loạt. Nếu so với diện tích chè năm 2013 (trên 22.000 ha) thì diện tích giảm 45% và sản lượng giảm trên 20%.

Mặc dù diện tích giảm nhưng theo ông Bích, chất lượng vườn chè vẫn tiếp tục được cải thiện do người dân chuyển đổi giống chè hạt, năng suất thấp sang các giống chè chất lượng cao. Diện tích còn lại phần lớn là chè có chất lượng tốt, năng suất cao. Đơn cử, năng suất chè năm 2018 ước đạt 123,6 tạ/ha (tăng 31% so với năm 2013). Trong 5 năm qua, toàn tỉnh thay thế được 2.024 ha chè. Trong đó có 173,6 ha chè chất lượng cao và 1.850 ha chè cành cao sản và hướng tới năm 2020 chuyển đổi thêm 6.000 ha.

Theo Sở NN&PTNT, hiện UBND tỉnh đang tích cực đầu tư để hình thành 2 vùng chè chất lượng cao với quy mô diện tích 600 ha trên địa bàn huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc. Cùng với đó, các giải pháp đồng bộ trong tái cơ cấu ngành chè tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Giải pháp chủ yếu là chuyển đổi cơ cấu, chất lượng giống và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất để tăng năng suất chè bình quân toàn tỉnh lên 13 tấn/ha/năm; xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu và xây dựng thị trường tiêu thụ độc lập cho sản phẩm chè Lâm Đồng; khuyến khích các doanh nghiệp chè đổi mới, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật phù hợp từng khâu trong sản xuất; từng bước cơ giới hóa khâu đốn hạ và tạo tán chè…

“Với tình hình ngành chè hiện nay, Sở NN&PTNT đang cố gắng giữ ổn định diện tích chè hiện có, tiếp tục tái cơ cấu ngành chè thông qua nhiều giải pháp triển khai đồng bộ nhằm tăng năng suất, chất lượng chè… Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nên chuyển đổi cây trồng ồ ạt sang các cây trồng khác vì thực tế cho thấy các cây trồng “được mùa, mất giá” đã nhiều lần xảy ra” - ông Bích thông tin.

Báo Lâm Đồng



Báo cáo phân tích thị trường