Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường Chè tháng 9/2018
05 | 10 | 2018
Bản tin phân tích thị trường Chè tháng 9/2018

Xuất khẩu chè tháng 9/2018 ước đạt 11 nghìn tấn với giá trị đạt 19 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu chè 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 92 nghìn tấn và 152 triệu USD, giảm 10% về khối lượng và giảm 7,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường chính của chè Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là Pakistan (với 46,1 triệu USD, chiếm 34,7% tỷ trọng xuất khẩu chè), Đài Loan (với 18,6 triệu USD, chiếm 14,0%), Nga (với 15,6 triệu USD, chiếm 11,8%), Trung Quốc (với 10,7 triệu USD, chiếm 8,1%), Indonesia (với 6 triệu USD, chiếm 4,5%) và Mỹ (với 5 triệu USD, chiếm 3,7%).

Điểm nhấn của xuất khẩu chè trong 8 tháng đầu năm 2018 tiếp tục là sự tăng trưởng mạnh của thị trường Pakistan. Thị phần của Pakistan trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2018 đã tăng 6,8%, khối lượng xuất khẩu cũng đã tăng 1,8 nghìn tấn (tương đương tăng 9,7%) so với cùng kỳ năm 2017.

Giá chè xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1.648 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong nước, giá chè tháng 9/2018 nhìn chung ổn định. Tại Thái Nguyên, giá chè cành chất lượng cao giữ mức 200.000 đ/kg, chè xanh búp khô là 105.000 đ/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), giá chè nguyên liệu (búp tươi) sản xuất chè xanh loại 1 giữ mức 9.000 đ/kg, giá chè nguyên liệu sản xuất chè đen là 6.000 đ/kg. Nhìn chung, thị trường chè từ đầu năm đến nay không có biến động lớn. Hiện tại cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá chè sẽ dao động mạnh trong các tháng cuối năm 2018.

Theo số liệu thống kê của FAO, các thị trường chính của chè Việt Nam là Pakistan, Trung Quốc và Indonesia đều tăng trưởng về tiêu dùng chè trong thập kỷ vừa qua. Cụ thể, trong giai đoạn 2007-2016, tiêu dùng chè bình quân đầu người của Trung Quốc tăng tới 128,6%, Pakistan tăng 35,8%, và Indonesia tăng 26,6%. Các nước này đều được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tiêu dùng trong các năm tiếp theo. Đây là một lợi thế cho ngành hàng chè Việt Nam để có thể mở rộng thị trường và tăng xuất khẩu sang các thị trường này.

Theo IPSARD-MARD



Báo cáo phân tích thị trường