Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
3 thị trường mới nổi cần theo dõi về tăng trưởng ngành thực phẩm châu Á Thái Bình Dương năm 2019
08 | 01 | 2019
Trong số vô số cơ hội ngành thực phẩm và đồ uống tại châu Á Thái Bình Dương, Food Navigator đã chọn ra 3 thị trường mới nổi, có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2019.

Thị trường thực phẩm hữu cơ tại Ấn Độ

Thực phẩm hữu cơ tại Ấn Độ vẫn tương đối mới nhưng là một ngành tăng trưởng nhanh. Theo báo cáo The Indian Organic Market: A New Paradigm in Agriculture​, thị trường thực phẩm hữu cơ Ấn Độ có giá trị khoảng 563 triệu USD hiện nay nhưng dự báo sẽ đạt 1,7 tỷ USD trong 2 năm tới.

Ấn Độ xuất khẩu hơn 300 sản phẩm trong 20 nhóm tới hơn 20 nước. Các thị trường đích chính là Nhật Bản, châu Âu, Canada, Tây Á và Mỹ. “Ngành thực phẩm hữu cơ tại Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ nhanh. Chính phủ Ấn Độ cũng rất ủng hộ ngành thực phẩm hữu cơ”, theo Rohan Grover, giám đốc Nature Bio Foods Ltd. Nature Bio Foods là công ty con của LT Foods, sản xuất thương hiệu gạo Daawat, một trong những thương hiệu gạo được ưa chuộng nhất Ấn Độ.

Ngành thực phẩm hữu cơ được chính phủ Ấn Đô hỗ trợ mạnh với hàng loạt khung quy định và cơ chế sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 11 chính quyền bang đã tự xây dựng Các chính sách Nông nghiệp Hữu cơ của bang.

Bang Sikkim đã đi một bước xa hơn, chuyển đổi hơn 75.000ha đất nông nghiệp vào các trang trại nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận và trở thành Bang Hữu cơ đầu tiên của Ấn Độ. Meghalaya cũng đang hướng đến mục tiêu này vào năm 2020. “Các nỗ lực của chính phủ hiện vẫn đang mở rộng và hiện bao gồm các quy định như ghi nhãn và đóng gói, theo đó Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm (FSSAI) của Ấn Độ sẽ hỗ trợ xây dựng cấu trúc thị trường. Các sản phẩm hiện nay phải được chứng nhận toàn diện trước khi được phép công bố là sản phẩm hữu cơ”, ông Grover cho hay.

FSSAI cũng nỗ lực thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng vào các sản phẩm hữu cơ Ấn Độ bằng cách triển khai các hệ thống xác nhận như National Programme for Organic Production (NPOP) và Participatory Guarantee System-India (PGS-India). Tăng trưởng thị trường thực phẩm hữu cơ cũng xuất phát từ sức mua trên đầu người tăng lên và tăng nhận thức về các vấn đề kinh tế xã hội, tính bền vững và lợi ích sức khỏe của thực phẩm hữu cơ. “Tôi tin rằng ngành thực phẩm hữu cơ Ấn Độ đang đi đúng hướng, đi những bước đúng đắn, với đúng người, đúng quy định”, ông Grover nhận định thêm.

Nông nghiệp cũng là trọng tâm của ngành hữu cơ Ấn Độ và và cùng với điều này là rất nhiều các công ty hữu cơ bắt tay với nông dân. Hiện Ấn Độ có 2,7 triệu nông dân sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lớn nhất thế giới. “Organic India cung cấp tập huấn và đào tạo cho nông dân, giúp họ tự phát triển và truyền lại các kỹ năng cho thế hệ tương lai”, theo Bharat Mitra, người sáng lập Organic India. “Chúng tôi làm việc với hàng ngàn nông dân tại Ấn Độ để canh tác và tái sinh hàng ngàn ha đất nông nghiệp hữu cơ”.

Organic Ấn Độ hiện đang dẫn đầu thị trường hữu cơ Ấn Độ, chiếm khoảng 9% thị phần. Môi trường tích cực nói chung dẫn đến tâm lý lạc quan của các nhà sản xuất hữu cơ – Organic India đang hướng đến mục tiêu doanh thu khoảng 70,4 triệu USD đến năm 2020, trong khi Nature Bio Foods tự tin rằng “cả hoạt động kinh doanh nội địa và quốc tế đều tăng trưởng mạnh. Ấn Độ có thị trường 1,2 tỷ người. Chúng tôi đang hướng tới trở thành thị trường hữu cơ lớn nhất thế giới trong 10 năm tới”, ông Grover cho hay.

Thị trường halal tại Nhật Bản

Các doanh nghiệp thực phẩm Nhật Bản đang ngày càng quan tâm tới triển vọng của các sản phẩm thực phẩm halal, một phần do các lợi ích từ thế vận hội Olympics Tokyo 2020. Ví dụ, doanh nghiệp Nhật Bản NH Foods đã hợp tác với doanh nghiệp Malaysia Lay Hong Bhd để mở một nhà máy mới chuyên sản xuất thịt đông lạnh halal. Đặt tại Pulau Indah, Malaysia, nhà máy này sẽ không chỉ “phục vụ thị trường nội địa, mà còn cho các thị trường xuất khẩu như các nước Trung Đông, Singapore và Nhật Bản”, theo ông Hiroji Okoso, giám đốc quản lý cấp cao của NH Foods cho hay.

Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sắp tới và nhu cầu đối với thực phẩm chế biến tại Nhật Bản là nguyên nhân mở nhà máy mới, ông cho biết. “Trên thị trường nội địa, nhu cầu đối với thực phẩm tiện lợi và chất lượng cao cấp đang tăng lên và do Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sắp diễn ra, chúng tôi dự báo nhu cầu mạnh đối với thực phẩm halal từ những nhà bán lẻ và dịch vụ ẩm thực lớn. Nhà máy này được xây dựng đúng thời điểm để phục vụ thị trường cầu vượt cung”.

Tháng 8/2018, chính phủ Malaysia cũng đã ký một biên bản ghi nhớ hợp tác với Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO). Tính đến năm 2016, xuất khẩu các sản phẩm halal của Malaysia sang Nhật Bản đạt 2,67 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2015.

Tuy nhiên, một số người có nhận định khá thận trọng về triển vọng thị trường halal tại Nhật Bản. Một nguyên nhân là do thiếu một cơ quan tập trung để theo dõi các hướng dẫn chứng nhận tại Nhật Bản, theo ông Ammar Jebawi, sáng lập Hiệp hội Halal Nishi Nippong (NNHA) cho biết – một tổ chức chứng nhận halal. “Các nhà sản xuất Nhật Bản cho chúng tôi biết rằng hiện có những thông tin khác nhau về xác nhận thực phẩm halal và họ bối rối về thông tin nhận được”, Ông cũng cho biết có những tổ chức chứng nhận không cung cấp hoạt động đào tạo cần thiết để chuẩn bị thực phẩm tiêu chuẩn halal, và cấp ngay chứng nhận halal ngay khi nhận được phí chứng nhận.

Tiêu dùng bánh mỳ tại Đông Nam Á

Với đô thị hóa, sức mua tăng và du lịch nước ngoài nhiều hơn, người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á đang áp dụng ngày càng nhiều các thực đơn phương Tây, như tăng tiêu dùng bánh mỳ và pizza.

Đây là nhận định của Lesaffre, nhà sản xuất men bánh mỳ. “Chúng tôi nhận thấy tiêu dùng bánh mỳ tăng trưởng hàng năm 5 – 6% trên khắp các thị trường Đông Nam Á”, theo Joergen Lundgaard, giám đốc điều hành của  Lesaffre tại châu Á Thái Bình Dương. “Những gì chúng tôi quan tâm là bánh mỳ, bánh ngọt và các thị trường men sẽ tập trung tại các nước đông dân ở Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và tất nhiên là Indonesia”. Ông từ chối tiết lộ hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp trên các thị trường này nhưng cho biết doanh nghiệp đang “tăng trưởng cao hơn tăng trưởng thị trường chung, nghĩa là đang giành thị phần lớn hơn”.

Ông cho biết thêm rằng cong ty đang hợp tác với “tất cả các công ty sản xuất bánh ngọt công nghiệp lớn và có 25 – 40% thị phần ngành men bánh tại hầu hết các nước Đông Nam Á. “Tôi cho rằng tiêu dùng bánh mỳ và theo đó là tiêu dùng men bánh tại châu Á Thái Bình Dương tương đối thấp… Tại khu vực của chúng tôi, mức tiêu dùng cao nhất là 33 kg/người/năm tại Úc, trong khi chỉ đạt 12 kg/người/năm tại Philippines và mức tiêu dùng tại Thái Lan, Myanmar thậm chí còn thấp hơn. Nhưng chúng tôi bị thuyết phục rằng tiêu dùng bánh mỳ sẽ tăng trưởng tốt tại các thị trường này. Ý tôi là bạn có một nước nhỏ tại châu Âu có mức tiêu dùng bánh mỳ trên đầu người cao, rồi bạn có Indonesia, chỉ tiêu dùng bánh mỳ gần 3 kg/người/năm. Nhưng thị trường này có đến 250 triệu người và vẫn còn quá sớm để nói, nhưng với xu hướng đô thị hóa, thu nhập tầng lớp trung lưu đang tăng, sức mua mạnh hơn, du lịch nước ngoài nhiều hơn và tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm bánh ngọt, tất cả đều có tác động lên tiêu dùng bánh mỳ”.

Theo Food Navigator Asia



Báo cáo phân tích thị trường