Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
'Cay mắt' vì giá tiêu đến bao giờ?
23 | 02 | 2019
Giá tiêu hiện thủng đáy 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Nam Hải cho rằng trong ngắn hạn không thể kì vọng giá tiêu sẽ phục hồi mà phải chờ 1 - 2 niên vụ nữa.

Người dân lỗ 6.000 đồng/kg tiêu

Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá tiêu sau kì nghỉ Tết Nguyên đán ổn định ở mức 46.000 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, rất ngắn sau đó, chỉ khoảng 2 tuần sau Tết, giá tiêu tiếp tục "thủng đáy", chỉ còn ở mức 44.000 đồng/kg, bằng 1/5 lần so với mức kỉ lục 230.000 đồng/kg thiết lập vào năm 2013 - 2014.

Cụ thể, tính đến 22/2, giá hồ tiêu tại khu vực miền Nam, Tây Nguyên dao động trong khoảng 43.000 - 44.000 đồng/kg. Trong đó mức giá thấp nhất được ghi nhận tại hai tỉnh Gia Lai và Đồng Nai.

Tỉnh /huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua Đơn vị: VNĐ/kg

ĐẮK LẮK

 

— Ea H'leo

44,000

GIA LAI

 

— Chư Sê

43,000

ĐẮK NÔNG

 

— Gia Nghĩa

44,000

BÀ RỊA - VŨNG TÀU

 

— Tiêu

44,000

BÌNH PHƯỚC

 

— Tiêu

44,000

ĐỒNG NAI

 

— Tiêu

43,000

Nguồn: tintaynguyen.com

 

Đà giảm giá tiêu kéo dài dai dẳng suốt từ giữa năm 2015 đến nay khiến nhiều nông dân lâm vào cảnh khốn đốn khi nợ ngân hàng vẫn còn đó mà tiêu bán ra lại phải chịu lỗ.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho hay: "Chi phí sản xuất tiêu hiện nay là 50.000 đồng/kg. Như vậy, với mức giá như hiện nay, người dân phải chịu lỗ tới 6.000 đồng mỗi kg".

Lí giải cho tình trạng này, ông Hải cho biết tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa chấm dứt. Trong khi đó, 95% tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu nên yếu tố thị trường thế giới ảnh hưởng rất lớn đến giá tiêu trong nước.

Theo ông Hải, đây chính là hệ quả của việc phá vỡ quy hoạch trồng tiêu. Giai đoạn 2013 - 2014, giá tiêu đạt kỉ lục, người dân ồ ạt trồng tiêu. Thậm chí có những vùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp với cây tiêu nhưng người dân vẫn cố tình trồng.

Hệ quả là chỉ trong vòng 5 năm (từ 2013 - 2018) diện tích tiêu tăng gấp ba lần từ 53.000 lên 152.000 ha. Trong khi đó, theo Quyết định 1442 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở 50.000 ha.

Chủ tịch VPA thông tin ngoài Việt Nam, các nước trồng tiêu khác như Brazil, Campuchia cũng tăng diện tích theo. Tồn kho năm này qua năm khác dồn ứ, cung nhiều hơn cầu ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Tiêu chết hàng loạt, khó chồng khó

Hiện người trồng hạt tiêu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, nhiều diện tích hạt tiêu mất trắng gây thiệt hại nặng nề cho người dân.

Theo thống kê sơ bộ của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), tính đến tháng 12/2018, toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 92.992 ha tiêu tập trung chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông.

Trong đó, 50.099 ha diện tích tiêu cho thu hoạch. Tuy nhiên, thống kê đến hết năm 2018, đã có hơn 3.500 ha hạt tiêu bị chết, gây thiệt hại cho nông dân hàng nghìn tỉ đồng.

WASI cho hay đến giữa tháng 1/2019, mặc dù diện tích tiêu mắc bệnh đã giảm tại các tỉnh Tây Nguyên nhưng vẫn còn gần 3.000 ha, khả năng diện tích tiêu bị chết còn tăng lên.

Tiêu chết nhưng nguồn cung sẽ không ảnh hưởng nhiều

Tiêu chết nhiều là vậy nhưng ông Hải cho rằng áp lực dư cung giảm không đáng kể khi so sánh với tổng diện tích tiêu cả nước hiện nay.

Giải thích cho tình trạng cây tiêu chết hàng loạt, ông Hải cho hay phần lớn là do biến đổi khí hậu, thời tiết xấu.

Bên cạnh đó, một số vùng trước đây không phù hợp với cây tiêu nhưng bà con vẫn cố tình trồng nên sức đề kháng của cây kém, dễ nhiễm sâu bệnh.

Ngoài ra, giá tiêu giảm quá sâu khiến người dân không còn muốn đầu tư chăm sóc dẫn đến cây tiêu còi cọc, không chống chịu được với sâu bệnh.

Nên bán hay găm hàng chờ giá lên?

"Đây là một câu hỏi rất khó trả lời trong bối cảnh giá tiêu thấp. Hiện nay, tình hình cạnh tranh giữa các nước sản xuất tiêu trên thế giới ngày một gay gắt.

Chẳng hạn như giá tiêu của Brazil cũng chỉ khoảng 2 USD/kg. Trong khi nhu cầu trên thế giới chỉ có hạn. Rất có thể người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua tiêu của Campuchia và Brazil", Chủ tịch VPA nói.

Ông Hải cho rằng trong ngắn hạn không thể kì vọng giá tiêu sẽ phục hồi mà phải chờ 1 - 2 niên vụ nữa.

Cần co hẹp diện tích trồng tiêu

Tại Hội nghị Triển vọng Ngành công nghiệp Hồ tiêu Việt Nam diễn ra hồi tháng 12/2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm qua diện tích tăng trưởng nóng đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.

Chỉ riêng việc một ngành hàng có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỉ USD nhưng đến nay vẫn chưa có cây giống nào được công nhận là không thể chấp nhận được.

“Do vậy, từ nay cây tiêu không nên đi theo con đường chay theo số lượng nữa mà phải là chất lượng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Theo Bộ trưởng, cần tập trung tái cơ cấu ngay ngành hồ tiêu. Trước tiên, diện tích hồ tiêu không được tăng thêm mà phải kiên quyết giảm xuống.

Theo đó, tập trung giảm ở những nơi không phù hợp, không trồng mới ở những diện tích tiêu bị chết. Bộ phải chọn ra những giống tiêu tốt để công nhận. Đồng thời, tìm quy trình canh tác chuẩn cho từng tiểu vùng sinh thái.

Ông Hải cho rằng, đối với những diện tích không còn phù hợp cần chuyển đổi sang loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế hơn. Bên cạnh, việc liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân cần tăng cường tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học.

Ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu hướng tới chế biến sâu tạo giá trị gia tăng. "Hiện nay, Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu tiêu dưới dạng thô. Trong khi đó, tỉ trọng các sản phẩm chế biến sâu như tiêu trắng và tiêu nghiền vẫn còn thấp.

Và còn nhiều sản phẩm có thể chế biến từ hồ tiêu mà chúng ta chưa làm được như trong sinh học, y tế, chế biến thực phẩm chức năng", ông Hải nói.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường