“Bánh nhà làm, không ăn được”
Đường vào xã La Phù (huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây) có hàng đoàn xe tải nhẹ từ Hà Nội và các tỉnh xa về đây "đánh" hàng tấp nập. Trong vai người đi lấy hàng về bỏ mối trên Hà Nội, chúng tôi rẽ vào đại lý "hàng xuất khẩu" B. Chủ hàng là một phụ nữ dáng nhỏ thó tên B. có cách tiếp thị khá lạ: mua sản phẩm được tặng thêm... bao bì. B. bảo, nếu không dùng có thể bán lại cho các đại lý bao bì trên phố Hàng Mã (Hà Nội).
Đại lý B kiêm luôn việc sản xuất một số mặt hàng như bánh nướng, bánh dẻo, ngô cay... Còn loại bánh kem xốp có hình dáng tương tự như của Công ty bánh kẹo Hà Nội hay snack "giống bim bim Tràng An", tức là có nhãn mác, thì lấy lại của những cơ sở khác - nơi gia công cả mặt hàng bao bì. B. bắt đầu "tán" về những mặt hàng của đại lý được bày la liệt theo từng bọc cuốn tròn trên hai chiếc bàn cáu bụi. Bất chợt, chúng tôi giật mình khi quan sát phía dưới gầm ghế là chiếc chậu nhựa màu đỏ rêu mốc chứa đầy ngô cay, cạnh đó là lổn nhổn vỏ bìa giấy in tên sản phẩm "chính hãng" nhưng không đề nơi sản xuất, hạn sử dụng, với dòng chữ to "Sản phẩm triển lãm ẩm thực Việt Nam năm 2001" (?). Trước khi ra về, B. còn cho tôi một lô hàng mang về làm mẫu, 13 sản phẩm đủ các loại kẹo bánh nhưng giá tổng cộng chỉ có... 28.000 đồng !
Chúng tôi vào cửa hàng khác nằm cùng trục đường, ông chủ tên K. niềm nở và quyết giữ khách bằng cách chỉ tay sang đại lý B., nói xấu: "Bánh nó xơi vào có mà Tào Tháo đuổi, bẩn bỏ mẹ! Xưởng sản xuất bằng mắt muỗi cũng đòi cạnh tranh". Theo ông K., xưởng sản xuất nhỏ thường bỏ qua nhiều quy trình kiểm duyệt quan trọng, gây mất vệ sinh. Xưởng lớn như nhà ông đông khách nên phải giữ chữ tín, "ngon mà vẫn giá hữu nghị". Chúng tôi đòi vào thăm xưởng sản xuất nhưng không được đồng ý, chỉ nghe ông K. bảo đảm sản phẩm đều hợp vệ sinh. Lúc này, thằng cháu ông K. chừng 7 - 8 tuổi đi học về với tay lấy gói bánh nướng treo trên giá. Ông K. tét vào mông thằng bé một cái rõ đau, lừ mắt: "Bánh nhà làm, không ăn được". Thấy mình hớ, ông K. quay lại chữa: "Sợ nó ăn nhiều lại bỏ cơm"...
Giống 90% thôi là ổn
Nghề sản xuất bánh kẹo ở La Phù có từ hàng chục năm nay. Độ dăm năm trước, khi thị trường bánh kẹo xuất hiện nhiều mặt hàng của một số công ty như Kinh Đô, Hải Hà, Bảo Ngọc... với mẫu mã đẹp và chất lượng được ưa chuộng thì cũng đồng nghĩa với việc làng nghề La Phù có nguy cơ phá sản. Những người "thức thời" thì thấy đó là cơ hội làm hàng nhái. Những sản phẩm này sau khi tung ra thị trường bên ngoài có giá gấp đôi, gấp ba, thậm chí cả chục lần giá thực nếu được "bảo kê" bằng nhãn mác "hàng hiệu". Chủ đại lý B. cho chúng tôi biết, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tự ý làm nhãn mác và đề tên cơ sở sản xuất ở tận... khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, hoặc trên Hà Nội... "Làm như vậy sẽ khiến người tiêu dùng yên tâm". B. còn cho biết: "Không nên bán rẻ quá, người ta sẽ nghi ngờ về chất lượng".
Chúng tôi tìm đến nhà Th., chủ cơ sở chuyên sản xuất bao bì, nhãn mác. Với thái độ thận trọng, Th. bảo chúng tôi cần có giấy tờ đăng ký mẫu mã, sản phẩm anh ta mới làm. Tuy nhiên, theo người bà con của Th. thì với những khách hàng ruột, anh ta có thể đáp ứng mọi yêu cầu. Những người như Th. thừa khôn ngoan để "lách luật", "giống đến 90% thì cũng còn có 10% là khác", Th. bảo vậy.
Một ngày, hàng chục cơ sở bánh kẹo ở La Phù sản xuất ra hàng vạn sản phẩm, bán ở Hà Nội là nhiều nhất, hướng đến những người có thu nhập thấp, quanh các trường học..., rồi sau đó mới tới thị trường thuộc những tỉnh xa như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Bắc Giang...