Không làm những cái người khác đã làm
Những hòn đá xù xì, to có nhỏ có, có cái nằm lăn lóc, có cái được tạo dáng kiểu vịnh Hạ Long, có cái dáng dấp hòn Phụ Tử nhưng trên đó là những tấm ảnh được phóng trực tiếp. Trịnh Công Sơn điềm đạm ngồi bên điếu thuốc, khói phả vào từng phiến đá; Bùi Giáng gồ ghề và đơn độc, những nếp nhăn thời cuộc được đá nói hộ; Văn Cao và Phạm Duy sừng sững trên hai phiến đá, như có sóng gợn trên ánh mắt, chiếc ba-toong chống vào vô định như đi chưa hết giấc mơ miên viễn... Đá và ảnh đá của Lê Đức Vỹ đã nói như thế.
Để theo đuổi cái nghề mà anh cho là “trò chơi” này, Lê Đức Vỹ phải mất 13 năm trả giá, trả đến mức chiếc xe máy đang đi phải bán, nhà đất đem cầm 120 triệu... Vốn tự học được kỹ thuật làm ảnh từ một người bạn trước năm 1975, anh nuôi hi vọng một ngày mình tự làm một dạng ảnh của riêng mình mà chưa ai làm.
13 năm trước, cái thời người ta đổ xô đi làm ảnh đá truyền thần, anh bắt tay vào việc phóng ảnh đen trắng trên mặt đá nhẵn. Công việc hồi đó đơn giản, do yêu cầu của bức ảnh chỉ là đen và trắng, quá trình làm không đến mức công phu như làm ảnh màu bây giờ. Vậy mà Vỹ đã mất những 1 năm quăng quật để có được tấm ảnh đen trắng vừa ý khách và vừa ý mình. Anh mua rất nhiều sách để tự học, sách Tây có, sách ta có, có một số sách mỗi cuốn viết một kiểu, chi bằng tổng hợp lại. Thế mà, có khi hàng tuần anh chỉ loay hoay với một phiến ảnh. Nhịn bữa là bình thường, lỗi hẹn với khách cũng là bình thường.
Khi ảnh đen trắng làm trên đá của Lê Đức Vỹ có một chỗ đứng và việc làm cũng không đến nỗi cực nhọc, thì cũng là lúc khách hàng không còn chuộng ảnh đen trắng. Thậm chí, người ta còn đổ xô đưa những tấm ảnh quý một thời đi tô màu cho thật... thời thượng. Hàng trăm, hàng ngàn phiến đá trắng quý được xẻ ra và làm nhẵn đành bỏ không, nhiều tấm ảnh khách đang làm dang dở, họ cũng không buồn đến lấy. Cả đống tiền đổ vào hóa chất đều... chảy xuống cống. Thất bại, bầm dập, thậm chí cả cay đắng với ảnh đen trắng, anh quyết định sẽ quên cái nghề mà mình dày công đeo đuổi.
“Ngồi chơi xơi nước” gần 1 năm, anh quyết định tiếp tục bắt tay làm ảnh màu trên đá, nhưng không phải là trên đá nhẵn nữa. Khi nói đến chuyện làm ảnh, cả gia đình anh ngán như uống mỡ. Cậu con trai đầu chọn lúc ba bình tĩnh nhất thì góp ý: “Dẫu là ba có thành công thì đầu ra ở đâu? Và vốn ở đâu?”. Anh rất bình tĩnh: “Chỉ cần làm ra được cái mới thì chẳng ngại đầu ra, chẳng ngại vốn, thành công cái mới thì tự khắc có tất cả con à”.
Vỹ bắt tay vào làm. Máy móc mua về sẵn, nhưng có cái không phù hợp với những hòn đá gồ ghề lại phải bán rẻ. Chất liệu phải mua hàng xịn nhất vì đơn giản, những hòn đá sẽ thành ảnh chứ không phải những tấm giấy thành ảnh. Tấm ảnh đầu tiên anh đem ra thử nghiệm là tấm ảnh gia đình mình, trầy trật đến 4 lần mới cho bức ảnh đầu tiên. Nhưng, nước ảnh cứ xỉn xỉn, 7 sắc cầu vồng chẳng rõ rệt sắc màu nào, được cái là mặt ai cũng rõ người đó. “Thế là được” - anh tự an ủi. Anh lại một chặng hành trình đọc sách và tìm hiểu về công nghệ xử lý ảnh của những người thợ giỏi.
Một hòn đá vào máy lab để ra là một bức thạch ảnh, không dễ. Công sức cho tấm ảnh, dù làm bằng công nghệ hiện đại nhưng phải mất đến 70% là làm thủ công. Anh quay... như đá, điều chỉnh từng góc độ màu sắc, góc độ ánh sáng, mà góc nào cũng đòi hỏi sự tinh tế của người thợ. Có những phiến thạch ảnh phải làm cả tháng trời, cái hỏng trên, cái hỏng dưới. Cái mắt mũi đâu vào đấy nhưng vầng trán lại không phải là của người ta do độ cong của hòn đá làm hẹp lại. “Có ngày tui làm đến 18 tiếng đồng hồ, còn trung bình là 15, cả khu ai cũng mất ngủ vì tui. Hai năm thử nghiệm mới dám làm ảnh cho khách, tui cứ đi từng bước, nướng 5, 10 triệu trong chốc lát là chuyện bình thường.
"Tôi là doanh nhân trẻ"Thạch ảnh của Lê Đức Vỹ là một sản phẩm lạ. Hết thời gian thử nghiệm, những phiến thạch ảnh của Vỹ giờ đã rõ ràng, tươi tắn và rất nghệ thuật. “Cuộc chơi mới bắt đầu”- anh nói. “Nếu là chơi, thì nghề chính của anh là gì?” “Đừng bao giờ hỏi tui nghề nào là nghề chính. Tui làm cả trăm nghề, mỗi nghề làm một cách. Tui có thể thiết kế các công trình, nhà cửa, chạm trổ, trang trí nội thất, viết các dự án kinh tế, rồi viết nhạc”. Tôi lấy làm ngạc nhiên: “Anh học bao giờ?” “Tui tự học, cái gì người ta học được tui sẽ học được, và học theo cách của tui”.
Hèn chi, ở Đà Nẵng nhiều người gọi anh là “dị nhân đảo Sơn Trà”. Sách trong đầu anh nhiều vô kể, triết học đông tây kim cổ đều nắm làu làu nhưng cách sống mà anh ảnh hưởng nhiều nhất là từ đạo Lão. “Không quan tâm được gì nhưng không có nghĩa là không có gì là không đáng quan tâm. Không làm được gì nhưng không có nghĩa không có gì là không làm”, anh rất tâm đắc câu đó. Ngoài công việc, anh còn lặng lẽ viết nhạc. "Cửa đại ngục bỏ ngỏ tự bao giờ nhưng cửa thiên đường không bao giờ hé mở”, anh đã viết như vậy trong một ca khúc gần đây.
“Tôi theo ổng gần hết cuộc đời, bây giờ sự mệt mỏi với tôi vẫn như những ngày đầu. Vậy mà, ổng cứ lạc quan tếu "tôi là doanh nhân trẻ" - chị Trần Thị Chanh “than phiền” về chồng mình nhưng vẫn không giấu được tình cảm trìu mến trên nét mặt.
Hành trình đi đến một thương hiệuCuối năm 2005, thạch ảnh của Lê Đức Vỹ kết thúc quá trình thử nghiệm. Hơn 700 ngày, 600 triệu và bay đi... 2 cái tuổi, anh mới có thể tin rằng mình đã bắt đầu. Cầm cố cái nhà cũng là lúc gia đình tay trắng, “mọi lý thuyết trong đầu đều xám” nhưng anh không thấy bất lực hay bế tắc. Đơn giản là không làm ở đây sẽ làm nơi khác, không làm ở Đà Nẵng thì vào TP HCM bởi thạch ảnh lạ như vậy thì kiểu gì cũng có khách. Thấy anh tính nước “Nam tiến”, Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã tặng anh 50 triệu đồng và đề nghị anh ở lại Đà Nẵng để làm hàng lưu niệm.
Ngoài chất liệu đá, anh mở rộng phạm vi chất liệu là vỏ sò, vỏ trai, thậm chí cả vỏ sam cua biển. Những chất liệu lạ này bắt đầu có sức thu hút khách hàng bởi sự độc đáo mới lạ, chưa từng xuất hiện trên thị trường trong nước cũng như trên thế giới. Điều đặc biệt của sản phẩm này là không sản phẩm nào giống sản phẩm nào, mỗi sản phẩm một hình hài và là một tác phẩm nghệ thuật mang tính thẩm mỹ khác nhau.
Anh đã tính, trước mắt sẽ là studio độc quyền tại Đà Nẵng và Hội An và sau đó sẽ tính nước xa hơn, ở Hà Nội và TP HCM. Lê Đức Vỹ còn có tham vọng đưa thạch ảnh sang các nước châu Âu để tiếp cận với công nghệ tiên tiến hơn và nhờ bạn bè mở chi nhánh tại đó. Hiện nay anh đang chuẩn bị lập một website riêng để nhanh chóng giới thiệu sản phẩm ra thị trường trong nước cũng như quốc tế.