Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi lợn gặp họa kép
29 | 03 | 2019
Từ khi công bố DTLCP cộng thông tin nhiễu loạn về sán lợn lượng lợn tiêu thụ hàng ngày của chúng tôi giảm tới 50%. Riêng lợn con gần như không bán được do người chăn nuôi lo ngại dịch bệnh không dám tái đàn.

Cụ thể, nếu như trước đây bình quân mỗi ngày Hòa Phát bán ra thị trường khoảng 400 - 500 con lợn trọng lượng xung quanh 1 tạ thì nay sản lượng chỉ còn 200 - 250 con/ngày.

Các doanh nghiệp chăn nuôi chúng tôi rất mong Chính phủ, các Bộ ngành và đặc biệt là cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về dịch bệnh thật đúng và trúng. Liều lượng vừa phải, góc độ hợp lý để làm sao một mặt vẫn cung cấp được thông tin, mặt khác không khiến cho người tiêu dùng quá hoang mang, sợ hãi dẫn tới tẩy chay thịt lợn như hiện nay.

Năm 2016 - 2017 khi khủng hoảng giá lợn xuống quá thấp kéo dài, Chính phủ và các Bộ, ngành, đoàn thể đã có động thái rất kịp thời phát động, kêu gọi, ủng hộ tiêu thụ thịt lợn để ủng hộ người chăn nuôi và ngành chăn nuôi thì nay chúng tôi chỉ mong người tiêu dùng không quay lưng lại với người nuôi lợn đã là mừng lắm rồi.

Thực tế, thông tin DTLCP tuy có ảnh hưởng, song không quá lớn, quá nghiệm trọng tới việc tiêu thụ thịt lợn, chỉ ảnh hướng tới tiêu thụ lợn giống, song chính thông tin về sán lợn mới là tai họa kép khiến cho bộ phận lớn người tiêu dùng đoạn tuyệt hẳn với thịt lợn, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi công nghệ cao hiện đại của chúng tôi việc tuân thủ an toàn sinh học, và tẩy giun sán định kỳ đối với lợn có khi còn đảm bảo và tuân thủ tốt hơn rất nhiều việc tẩy giun sán ở trên người nên chắc chắn không có hiện tượng lợn sán lợn gạo như mạng xã hội.

Thực tế với người tiêu dùng nhỏ lẻ rất khó để bắt buộc họ phải dùng thịt lợn thay vì thịt khác vì đó là quyền tự do của họ nên chúng ta chỉ có thể kêu gọi, khuyến khích. Tuy nhiên, đối với các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức ra công văn tạm dừng tiêu thụ thịt lợn là thái quá và có vẻ vội vàng.

Thực tế, hiện nay dịch đã vào chúng ta rồi, chúng ta phải xác định sống chung chứ không ai biết thời điểm nào hết dịch nên rất cần Chính phủ, Bộ NN-PTNT có những chính sách, quyết sách, chủ trương hỗ trợ rõ ràng để cứu ngành chăn nuôi lợn.



Báo nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường