Công nghệ thông tin và các tiến bộ của khoa học đang ngày càng được ứng dụng nhiều trong ngành chăn nuôi gia súc, đặc biệt là lợn, ở Trung Quốc.
Dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành gây ra tình trạng lợn chết hàng loạt, đe dọa nguồn cung thịt lợn, loại thực phẩm phổ biến trên bàn ăn của người dân Trung Quốc. Vì thế, công nghệ đang được áp dụng triệt để nhằm đảm bảo sức khỏe cho đàn lợn, trong đó công nghệ nhận diện khuôn mặt và âm thanh được quan tâm chú ý hơn cả, theo New York Times.
“Nếu chúng không vui vẻ, ăn không tốt, trong một số trường hợp, bạn có thể suy đoán chúng có bị ốm hay không”, Jackson He, giám đốc điều hành Yingzi Technology, một công ty nhỏ ở thành phố Quảng Châu nơi vừa giới thiệu đề án về công nghệ nhận diện khuôn mặt và tiếng kêu cho các trang trại lợn của Trung Quốc, chia sẻ.
Các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc cũng muốn tham gia vào cuộc đua chăm sóc đàn lợn. Công ty thương mại điện tử Alibaba và đối thủ JD.com đang sử dụng camera để theo dõi khuôn mặt lợn. Alibaba còn sử dụng phần mềm nhận diện tiếng kêu để phát hiện khi lợn ho.
Sự phát triển công nghệ đang bao trùm Trung Quốc với những phát minh mới ra đời gần như mỗi ngày. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc đẩy mạnh công nghệ trong chăn nuôi lợn dường như là quá sớm.
“Tôi thích ý tưởng, tôi thích khái niệm, nhưng tôi cần thấy bằng chứng chúng thực sự hiệu quả”, Dirk Pfeiffer, giáo sư dịch tễ thú y tại Đại học City Hong Kong, nói. “Bởi nếu không hiệu quả, chúng sẽ phản tác dụng”.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ không giúp ích gì nếu Trung Quốc không có một kho dữ liệu tổng thể cho phép nhận biết những thay đổi, ông cho biết. “Ngoài ra, nhận diện khuôn mặt cũng không có giá trị khi lợn được đưa vào lò mổ và đã bị xẻ thịt. Làm sao để có thể liên kết một chiếc thủ lợn với phần còn lại của đàn?”.
Nhiều người chăn nuôi lợn cũng hoài nghi. Trung Quốc đang trong quá trình đóng cửa và củng cố các trang trại lợn nhỏ vì cho rằng chúng gây ô nhiễm môi trường. Nhưng vẫn còn 26 triệu trang trại lợn nhỏ ở nước này, chiếm khoảng một nửa số trang trại, theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp và chuyên gia.
“Chúng tôi sẽ không chọn đầu tư vào những thứ như vậy”, nông dân Wang Wenjun, 27 tuổi, người nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc nhờ video hát cùng đàn lợn, cho hay. “Trừ khi chúng được áp dụng cho các trang trại quy mô lớn. Những trang trại chỉ có vài trăm con lợn sẽ không thấy chúng hữu ích”.
Chính phủ Trung Quốc những năm gần đây không ngừng khuyến khích ứng dụng công nghệ tại các trang trại. Bản kế hoạch kinh tế 5 năm mới nhất kêu gọi tăng cường sử dụng robot và công nghệ mạng lưới.
Hồi tháng 10 năm ngoái, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc tuyên bố họ muốn thúc đẩy “nông nghiệp thông minh” và ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp. Hồi tháng 8, giới chức nông nghiệp Bắc Kinh hết lời ca ngợi việc “nuôi lợn theo cách thông minh”, gồm sử dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ khối chuỗi, điện toán và dữ liệu đám mây.
Khi dịch tả lợn châu Phi quét qua các trang trại Trung Quốc, những công ty công nghệ đã nhìn thấy cơ hội.
Họ khẳng định có thể giúp nông dân cách ly những con lợn mang mầm bệnh, giảm chi phí thức ăn, tăng khả năng sinh sản ở lợn nái và giảm tỷ lệ tử vong phi tự nhiên. Hệ thống mà JD.com đưa ra sử dụng robot để cho đàn lợn ăn với lượng chính xác dựa trên giai đoạn phát triển của con vật. Trong khi đó, SmartAHC, công ty dùng trí tuệ nhân tạo để theo dõi các chỉ số sinh trắc của lợn, lại đeo cho những con lợn nái một thiết bị giúp dự đoán thời kỳ rụng trứng.
Phát ngôn viên JD.com Lu Yishan cho biết công nghệ nhận diện khuôn mặt của họ có thể phát hiện khi lợn ốm và đề xuất nguyên nhân tại sao. Hệ thống sau đó thông báo cho người nuôi để lên phương án điều trị. Công ty đã áp dụng hệ thống trên tại một trang trại ở tỉnh Hà Bắc và sẵn sàng bán cho nông dân.
Hệ thống của Alibaba lại theo dõi hoạt động của lợn và cho phép nông dân giám sát đàn theo thời gian thực. Hệ thống có thể đề xuất các kế hoạch tập luyện giúp nâng cao sức khỏe đàn lợn.
Tuy nhiên, không phải ai trong lĩnh vực công nghệ chăn nuôi lợn cũng đồng tình. Chen Haokai, nhà sáng lập SmartAHC, cho rằng nông dân không thực sự cần tới công nghệ nhận diện khuộn mặt. Theo Chen, chi phí để lập bản đồ khuôn mặt một con lợn mất tới 7 USD trong khi việc gắn thẻ tai chỉ mất 0,3 USD.
“Chúng tôi nhận thấy rằng chi phí nhân công để cập nhật dữ liệu khuôn mặt đàn lợn vượt quá xa so với chi phí bỏ ra để gắn thẻ chúng”, ông nói.
Wang Lixian, nhà nghiên cứu về động vật và thú y tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, lại lạc quan tin tưởng chi phí áp dụng công nghệ sẽ giảm. “Hiện tại, những ứng dụng này có thể chưa đạt tới mức mong muốn của họ”, ông nhận định. “Nhưng trong tương lai chúng sẽ ngày càng mở rộng”.