Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo triển vọng ngành điều Việt Nam năm 2019
10 | 04 | 2019
Trong khi Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo thị trường điều thời gian tới không có nhiều biến động. Trong khi đó, Hiệp hội Điều Việt Nam lạc quan rằng năm nay sẽ thuận lợi cho các công ty sản xuất, chế biến điều.

Giá điều xuất khẩu quý I giảm hơn 20% cùng kỳ

Theo ước tính của Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hạt điều tháng 3 đạt 30.000 tấn, trị giá 234 triệu USD, tăng gấp đôi về lượng và hơn 90% về trị giá so với tháng 2. 

Lũy kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt 78.000 tấn, trị giá 625 triệu USD, tăng 4,7% về lượng, nhưng giảm 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. 

Giá xuất khẩu bình quân hạt điều tháng 3 đạt 7.800 USD/tấn, giảm 6,4% so với tháng 2. Trong quý I, giá điều xuất khẩu bình quân đạt mức 8.043 USD/tấn, giảm gần 21% cùng kỳ năm ngoái.

Tỉ trọng xuất khẩu hạt điều sang các nước trong quý I. (Số liệu tổng hợp từ Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản)

Đặc biệt, theo ghi nhận của Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, hai tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu hạt điều tăng mạnh là Bỉ (gấp 2,7 lần), Tây Ban Nha (tăng 72,4%) và Australia (tăng 48,8%). 

Ở chiều ngược lại, khối lượng hạt điều nhập khẩu tháng 3 ước đạt 92.000 tấn với giá trị 158 triệu USD; đưa tổng khối lượng và giá trị hạt điều nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm đạt 224.000 tấn và giá trị 389 triệu USD, tăng 6,2% về khối lượng nhưng lại giảm 19,5% về giá trị so với cùng kỳ.

Giá điều trong nước biến động trái chiều trong tháng 3. Cụ thể, tại Bình Phước, điều thô mua xô giảm 2.000 đồng/kg, từ 39.000 đồng/kg xuống còn 37.000 đồng/kg. 

Tại Đắk Lắk, giá điều thô tăng nhẹ 200 đồng/kg lên 42.200 đồng/kg. Trong khi đó, Đồng Nai ổn định ở 46.000 đồng/kg. 

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), trong tuần cuối cùng của tháng 3, giá điều thô nhập khẩu giảm trung bình 30 - 50 USD/tấn. Điều nhập khẩu từ Campuchia thậm chí còn giảm sâu hơn nữa. Vinacas giải thích lí do của giá điều thô giảm chủ yếu là nguồn tiền của doanh nghiệp đã cạn, trong khi ngân hàng hạn chế cấp tín dụng cho ngành điều vì lo sợ rủi ro.

Giá điều nhân tại Bình Phước giảm, với điều nhân loại W240 ở mức 270.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; điều nhân loại W320 ở mức 260.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước.

Thị trường điều dự báo ảm đạm thời gian tới?

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định giá điều thô có thế tiếp tục giảm trong vài tháng tới, do áp lực xả kho của Tanzania (hiện ở mức 300.000 tấn). 

"Với tình hình lượng cung điều thô lớn như năm nay chắc chắn giá điều thô khó tăng trong những tháng tới. Giá điều nhân trên thế giới vẫn biến động theo xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Hiện nhiều nước xuất khẩu như Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Nigeria, Bénin, Mozambique, Ghana vẫn đang trong vụ thu hoạch", Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định

Cục cho rằng phải bước sang quý II, giá điều thế giới mới có khả năng phục hồi trở lại do nhu cầu hạt điều tăng từ Trung Quốc và một số thị trường nhập khẩu khác. Theo dự báo của Ủy ban Quả và Hạt khô quốc tế, nhu cầu hạt điều năm nay sẽ tăng mạnh từ tháng 4/2019 và ổn định cho tới cuối năm.

Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản dự báo thời gian tới, mặc dù nhu cầu gia tăng song lượng cung ứng năm 2019 ước cũng sẽ tăng, đạt gần 4 triệu tấn, tăng 300.000 - 400.000 tấn so với 2018. Do đó, thị trường không có nhiều biến động.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Vinacas nhận định: "Hiện tại, giá điều nhân và điều thô đã giảm nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá điều thô rẻ nên tiêu thụ nhân sẽ tốt. Dự báo của các nhà nhập khẩu quí II và IV điều nhân sẽ tiêu thụ tốt nhờ giá trên kệ siêu thị điều chỉnh giảm từ quý II. Như vậy, năm nay sẽ là năm thuận lợi cho các công ty sản xuất, chế biến điều". 

Giải quyết điểm nghẽn nhập khẩu điều thô trong mùa cao điểm

Ngày 16/3, Vinacas đã gửi công văn đến Cục Bảo vệ thực vật, và Chi cục kiểm dịch thực vật Vùng II.

Theo phản ảnh của doanh nghiệp, hiện nay, cơ quan kiểm dịch thực vật yêu cầu tiến hành kiểm tra, lấy mẫu toàn bộ những lô hàng điều thô nhập khẩu có nguồn gốc từ châu Phi tại cảng, thay vì cho phép đưa về kho của doanh nghiệp như trước kia,...

"Hiện nay là cao điểm thu mua và nhập khẩu điều thô năm 2019. Nếu quy định trên không sớm được tháo gỡ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất - kinh doanh của toàn ngành năm 2019", Vinacas nhận định.

Vinacas phản ánh trong quý I, lượng điều thô doanh nghiệp nhập khẩu từ châu Phi vụ mùa mới 2019 và vụ cuối năm 2018 vẫn chưa được chuyển về Việt Nam.

Trước tình hình ấy, Vinacas đề nghị áp dụng lại qui trình lấy mẫu như đã áp dụng đối với hạt điều thô nhập khẩu như trước, cho phép doanh nghiệp được kiểm tra, lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp theo hình thức kiểm tra nhanh, áp dụng đối với mặt hàng hạt điều.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo quý I của Bộ NN&PTNT diễn ra cuối tuần trước, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho hay thời gian gần đây, cơ quan kiểm dịch thực vật liên tục phát hiện nhiều lô hàng điều nhập khẩu từ châu Phi có mọt cứng đốt (Trogoderma SP). 

Ông Trung cho biết đây là loại mọt nguy hiểm nhất trong số các loại mọt và được tất cả quốc gia đưa vào danh sách kiểm dịch thực vật, cần kiểm soát chặt chẽ.

Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho hay chi phí để xử lý loại mọt này rất lớn. Trước đó, Cục đã cảnh báo các doanh nghiệp nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma SP trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho. 

Ông Trung cho hay, dù đã cảnh báo đến doanh nghiệp, nhưng cơ quan kiểm dịch thực vật vẫn tiếp tục phát hiện mọt Trogoderma SP trong các lô hàng thì không thể cho doanh nghiệp đưa hàng về kho. 

"Đây sẽ là nguy cơ cao để loại mọt này xâm nhiễm và phát tán ở Việt Nam", ông Trung nói.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường