Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản, thực phẩm Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu vào châu Âu
16 | 04 | 2019
Nông sản, thực phẩm Việt đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu, nhưng để biến cơ hội thành giá trị thực tế, doanh nghiệp cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu.

Doanh nghiệp Việt Nam chế biến nông sản xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Nông sản, thực phẩm Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tuy nhiên để biến cơ hội thành giá trị thực tế, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt được xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu cũng như có chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo xúc tiến xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang châu Âu do Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11/4. 

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến thực phẩm Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung nông sản thực phẩm quan trọng cho thị trường thế giới nói chung và châu Âu nói riêng.

Những năm vừa qua, thông qua đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, các đối tác nhập khẩu, các nhà phân phối bán buôn, bán lẻ cũng như người tiêu dùng châu Âu đã có cái nhìn tích cực hơn về sự đổi mới của ngành nông nghiệp cũng như sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam. 

Ngược lại, các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, có khả năng cung ứng cho nhiều nhà nhập khẩu hàng đầu và kênh phân phối cao cấp của châu Âu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với số lượng lớn. 

Ông Koos van Eyk, Giám đốc quốc gia Chương trình hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan (CBI) đánh giá, ngành sản xuất nông sản và chế biến thực phẩm của Việt Nam đang chuyển đổi một cách tích cực từ sơ chế và xuất khẩu thô, sử dụng nhiều lao động nhưng lợi nhuận thấp sang chế biến sâu, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thường xuyên đổi mới và quan tâm tới nhu cầu của khách hàng.

Việc tổ chức, quản lý hoạt động thương mại của các doanh nghiệp cũng có những cải tiến nổi bật, tạo được niềm tin với thị trường tiêu dùng ở châu Âu. 

Ông Reindert Dekker, chuyên gia tư vấn cao cấp CBI cho biết, xu hướng tiêu dùng ở châu Âu đang có sự thay đổi so với trước đây, theo đó người dân châu Âu đang ưu tiên sử lựa chọn các sản phẩm nông sản, thực phẩm thuần tự nhiên, hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ ở châu Âu đã tăng 50% trong vòng 5 năm qua và có xu hướng gia tăng hơn nữa trong thời gian tới. Thị trường thực phẩm chay cũng tăng cao, đặc biệt là ở Anh, Đức. 

Bên cạnh đó, giá trị dinh dưỡng và tác động của thực phẩm tới sức khỏe cũng là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. “Việc lựa chọn thực phẩm của người châu Âu hiện nay không đơn thuần dựa trên chức năng ăn uống mà còn cảm nhận về giá trị trải nghiệm văn hóa, tính độc đáo của ẩm thực thông qua xuất xứ và cách thức làm ra sản phẩm.

Ngoài ra, những giá trị xã hội, môi trường, tính bền vững của sản phẩm cũng tác động đến quyết định tiêu dùng của người dân châu Âu”, ông Reindert Dekker nhấn mạnh. 

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu vào thị trường châu Âu, ông Nguyễn Tiết Tiệm, Giám đốc Công ty Phong Sơn cho biết, các tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường châu Âu thường khắt khe hơn các thị trường khác. Vì vậy, muốn tiếp cận thị trường châu Âu một cách hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và củng cố thương hiệu; đồng thời tích cực tham gia các hội chợ quốc tế tại châu Âu để có thông tin chính xác về nhu cầu, xu hướng cũng như hiểu rõ tập quán kinh doanh của đối tác. Một khi doanh nghiệp đã xuất khẩu được sản phẩm vào châu Âu khả năng mở rộng xuất khẩu sang các thị trường là rất lớn. 

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào châu Âu, các chuyên gia khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tạo ra nhiều giá trị mới cho sản phẩm, đồng thời chủ động nắm bắt kịp thời các xu hướng, nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu trên thị trường thế giới thông qua hệ thống nhận diện thương hiệu và đáp ứng các yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật mà thị trường đặt ra./.

Theo Bnews.vn

 



Báo cáo phân tích thị trường