Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Họp khẩn xuất khẩu nông sản giữa dịch virus corona
03 | 02 | 2020
Dân Việt - Chiều 3/2, Bộ NNPTNT tổ chức họp khẩn về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona dự kiến sẽ đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chiều 3/2, Bộ NNPTNT tổ chức họp khẩn về tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Theo Bộ NNPTNT, hội nghị diễn ra nhằm để đại diện Bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm thúc đẩy thương mại nông sản Việt Nam trong tình hình mới với những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018. 

Với diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

14h00 - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị:

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus corona là loại dịch bệnh mới cực kỳ nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu. Bệnh lan từ Vũ Hán (Trung Quốc) ra 27 quốc gia, với 17.000 ca bệnh, 362 ca tử vong, trong đó có 1 ca tử vong ngoài Trung Quốc, bệnh đang trên đà của chu kỳ dịch tễ học, tăng nhanh. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có vắc xin, chưa có thuốc đặc trị.

Nguy hiểm hơn là yếu tố thời tiết khiến dịch này càng nguy hiểm. Mưa phùn, lạnh giá ở miền Bắc cực kỳ phù hợp với loại bệnh này, điều đó dự báo một tương lai ảm đạm cho phát triển kinh tế toàn cầu.

Việt Nam hiện có 8 người bị, 3 tỉnh, thành phố đã công bố dịch. Đó là chưa kể, ngày 1/2/2020, Trung Quốc tiếp tục công bố điểm dịch H5N1 tại Hồ Nam, trong đó chủng lây chéo sang người cực kỳ phức tạp. Thực tế này đặt ra cho chúng ta những thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh để đối phó.Trước tình hình này Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị, yêu cầu các cấp ngành vào cuộc một cách quyết liệt. 

14h04

Đứng trước dự báo tình hình thiệt hại lớn về kinh tế, với riêng hàng nông sản, Trung Quốc là thị trường lớn, do đó, nông nghiệp sẽ chịu tổn thương nhất, ví dụ như nhiều mặt hàng thanh long, dưa hấu; tổn thương đến đầu tư. Hiện, tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên tạm dừng lại, ví dụ, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện tại giờ chưa biết thế nào.

Vì vậy, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị, xin ý kiến của các bộ ngành, doanh nghiệp, hiệp hội để nhận dạng đúng, chính xác tác động trực tiếp của bệnh này, trước hết là thị trường Trung Quốc với nông sản Việt Nam, từ đó xác định giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để doanh nghiệp, nông dân vượt qua.

Đồng thời, biến thách thức thành thời cơ, bàn giải pháp xây chợ mới, từ đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp xa hơn dài hơn với một tinh thần khẩn trương nhưng không hoang mang.

Không có virus corona thì sẽ có dịch bệnh khác bởi trong điều kiện biến đổi khí hậu cái gì cũng sẽ xảy ra. Do đó, chúng ta cần chuẩn bị tinh thần để ứng phó chủ động.

14h15 - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam báo cáo tình hình thương mại nông sản trước ảnh hưởng của dịch viêm đường hô cấp cấp do virus corona:

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 8,47 tỷ USD, giảm 2,6% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, các sản phẩm xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2018 bao gồm: rau quả đạt 2,42 tỷ USD giảm 13,6%, sắn và sản phẩm sắn đạt 864 triệu USD giảm 2,4%, gạo đạt 240 triệu USD giảm 64,8%, cà phê đạt 101 triệu USD giảm 7,7%.

Với diễn biến phức tạp, khó lường của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona trong những ngày gần đây và những động thái của Chính phủ Trung Quốc trong việc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh có cơ sở lây lan trên diện rộng, dự báo dịch Viêm phổi cấp sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước.

14h16

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nhiều mặt hàng nông sản bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp do virus Corona.

Cụ thể, đối với mặt hàng trái cây chủ lực, nhất là thanh long, dưa hấu chiếm tỷ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên Đán và lễ sau Tết. Qua rà soát, từ nay đến hết Rằm tháng Giêng, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn...

Hầu hết các sản phẩm trái cây trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến. Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp nCov được triển khai từ cả hai phía.

14h20

Đối với các sản phẩm từ chăn nuôi được xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10/2019, việc xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh virus corona.

Đối với xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2019 vẫn có mức độ tăng trưởng khá (tăng 22% so với 2018), đặc biệt là tháng 12/2019 đã tăng 36,2% so với tháng 11/2019, trong đó một số sản phẩm có mức tăng trưởng mạnh như: tôm tăng 17%, cá tra tăng 61,5%; mực và bạch tuộc tăng 16,1%.

Nhìn lại quý I/2019, xuất khẩu tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc đều giảm (tôm giảm 15%, cá tra giảm gần 2%) khiến tổng giá trị xuất khẩu thủy sản sang thị trường này giảm 5% so với 2018, chỉ đạt 239 triệu USD.

Vì vậy, đối với quý I/2020, việc chính phủ Trung Quốc có động thái “đóng cửa” mọi hoạt động sẽ khiến cho việc xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn về thời điểm giao hàng.

Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9/2/2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Cùng với đó, việc tạm dừng đường bay, khó khăn trong giao thông giữa hai nước sẽ gây ảnh hưởng lớn đối với hoạt động giao dịch, làm việc trao đổi của doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt đối với các hoạt động vận chuyển hàng hóa nông sản bằng đường hàng không, đường thủy, đường bộ.

14.25 - 2 kịch bản ứng phó với dịch viêm phổi do virus corona của Bộ NNPTNT: 

Phương án trước mắt:

Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý đến 09/2/2020, nếu dịch viêm phổi cấp nCoV không được kiểm soát hiệu quả, lây lan trên diện rộng thì không loại trừ Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn.

Cụ thể như: hạn chế, thắt chặt đi lại, di chuyển của người dân giữa các địa phương của Trung Quốc; kéo dài việc hạn chế hoạt động của các điểm giao dịch, chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa nông sản tại nhiều địa phương của Trung Quốc nhằm tránh để tập trung đông người tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan; kéo dài việc đóng cửa giao dịch mua bán tại các cặp chợ thuộc địa bàn giáp biên.

Trong bối cảnh đó, các đơn vị của Bộ triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 79-CV/TƯ ngày 29/1/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020; Công điện số 121/CĐ-CP ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch dịch Viêm phổi cấp; Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 1/2/2020 về việc công bố dịch; tiếp tục cập nhật, bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ để triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp.

Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y phối hợp các lực lượng chức năng tại biên giới tăng cường công tác kiểm dịch động thực vật, phòng chống H5N1, cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam, tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/1/2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cục chuyên ngành chủ động phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới triển khai toàn diện, xuyên suốt nhằm đạt hiệu quả cao nhất các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách ngay từ đầu năm 2020 tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường.

Cụ thể, đoàn công tác do lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Dubai (UAE) từ 15/2 để mở rộng thị trường Trung Đông; Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ từ 22/2; Đoàn công tác do Bộ trưởng dẫn đầu cùng các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Braxin trong tháng 3/2020; Tổ chức các đoàn công tác mở rộng thị trường sang Nhật Bản (tháng 3/2020)...

Bám sát Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh trao đổi, liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thu xếp các chuyến công tác của chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam trong quý I - II/2020 để tháo gỡ khó khăn. 

Tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch viêm phổi cấp do virus corona.

Phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng:

Bộ NNPTNT phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các đơn vị ngành Công Thương, các địa phương đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn; ưu tiên thị trường nội địa; đẩy mạnh công tác bảo quản, chế biến.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế so sánh của từng địa phương.

14h30 - Ông Nguyễn Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) báo cáo về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trong bối cảnh ổ dịch cúm H5N1 mới bùng phát ở Hồ Nam:

Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh cúm gia cầm tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Trung Quốc, ngày 1/2, phát hiện một trang trại ở quận Song Thành, thành phố Thiệu Dương, tỉnh Hồ Nam có 7.850 con gà và 4.500 con trong số này chết vì bị cúm A/H5N1.

Tại Việt Nam, năm 2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố buộc phải tiêu hủy 133.203 con gia cầm. Từ đầu tháng 1/2020 đến nay, cả nước chỉ có 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa qua 30 ngày tại tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên ổ dịch đã được kiểm soát kịp thời.

Hiện nay bệnh cúm gia cầm là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vắc xin.

Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con), điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi...

14h35

Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao. Việc tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ.

Do đó, nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng virut mới corona (nCoV) gây ra.

Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Tuy nhiên, nguy cơ virut cúm A/H7N9 và một số chủng virut khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.

Ngày 10/1, Cục Thú y đã có Công văn số 37/TY-DT gửi các địa phương thông báo về tình hình lưu hành virus cúm gia cầm và khuyến cáo sử dụng các loại vắc xin phù hợp với từng chủng, nhánh virus cúm gia cầm.

14h40 - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá tác động của dịch cúm do virus corona đến hoạt động xuất nhập khẩu: 

Hoạt động xuất nhập khẩu chịu tác động xấu vì một số lý do theo đánh giá của chúng tôi như sau:

Một là nhu cầu tiêu thụ giảm, ví dụ như chuỗi Starbucks ở Trung Quốc, đã đóng cửa rất nhiều cửa hàng dẫn đến nhu cầu về café giảm. Bên cạnh đó là những chuỗi cửa hàng như McDonald, KFC đặc biệt là ở Vũ Hán ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cá file trắng. Hoặc các nhà hàng khác Trung Quốc cũng vắng khách dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung giảm.

Lý do thứ hai là do chợ biên giới mở cửa chậm hơn thường lệ, như đã biết, phía Trung Quốc sẽ đóng cửa đến ngày 9/2. Việc đóng cửa chợ biên giới khiến việc trao đổi cư dân gián đoạn, đây là hình thức trao đổi quan trọng, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Lý do thứ ba là do khách mua Trung Quốc không thể sang được Việt Nam dẫn đến không có những đơn hàng mới mặc dù một số loại trái cây đã vào vụ. Mọi năm giờ này họ đã sang rất tấp nập để chuẩn bị mua trái cây, hoa quả cho thị trường Trung Quốc.

15h00 - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng: Không nên đưa hàng lên Lạng Sơn thời điểm này

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Lạng Sơn và các tỉnh Trung Quốc đạt khoảng 4,750 tỷ USD, trong đó xuất siêu trên 2 tỷ USD. Tổng số có 186.272 xe xuất khẩu qua 12 cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, một con số rất lớn.

Riêng tháng 12, lượng xe thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh là 12.600 xe, giảm so với cùng kỳ, do nguyên nhân dịch bệnh, kiểm soát xe cộ và truy xuất nguồn gốc.

Trước Tết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn bình thường, đến 28 Tết Canh Tý tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng.

Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn.

Điều đáng nói là, hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên, riêng với thanh long, chúng tôi đã mở đường xuất khẩu riêng ở mốc hai bên Việt Nam – Trung Quốc vừa khánh thành, và đã xuất được 8.000 xe.

Đến giờ phút này, tại các huyện biên giới của Trung Quốc chưa phát hiện ca nhiễm bệnh nào, đó là điều may mắn.

Sáng nay, trực tiếp hội đàm với Trung Quốc, ngày 3/2 thống nhất cho hàng hóa, phương tiện qua lại nhưng tại cửa khẩu Hữu Nghị có một đối tượng đưa tin người Trung Quốc ùn ùn nhập cảnh, gây hoang mang. Chúng tôi đã yêu cầu gỡ bỏ, xử phạt hành chính 20 triệu đồng, có 80 khách đã thông quan chúng tôi yêu cầu trả lại phía bạn, tạm thời chưa cho người nước ngoài vào Việt Nam, dừng toàn bộ xuất nhập khẩu, đóng cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở, có 10 công dân Việt Nam nhập cảnh đã cách ly.

Trong sáng nay, nếu phía bạn nhận 190 xe thanh long chúng tôi sẽ cho quay từ cửa khẩu Tân Thanh về Hữu Nghị, có cho qua thì cũng chỉ qua chợ chứ chưa có hợp đồng nên chúng tôi vẫn quyết định để ở Tân Thanh.

Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cũng thông tin, từ 2 – 4h cho xe thông thương qua với số lượng 65 xe.

Chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội hạn chế đưa xe lên Lạng Sơn thời điểm này, tìm giải pháp tiêu thụ khác trong nội địa, bởi có đưa lên cũng nằm chờ, tốn chi phí.

Chúng tôi cũng đã chỉ đạo, các bến bãi chỉ thu phí ban đầu, còn những ngày còn lại không được phép thu bởi bà con đang rất vất vả, giá thanh long trước Tết 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 3.000 – 4.000 đồng/kg, dưa hấu còn 1.000 đồng/kg.

15.15 - Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An:

Hiện nay, diện tích thanh long của Long An cho ra trái khoảng 9.587ha (trên tổng số 11.826ha) với sản lượng 320.000 tấn. Từ tháng 1 đến cuối tháng 2/2020, còn khoảng 30.000 tấn, trong đó 2.0000 đang tồn kho và cuối tháng 2/2020 thu hoạch 28.000 tấn.

Về sơ sở chế biến, thu mua, tỉnh Long An có 154 cơ sở và 100 cơ sở có kho lạnh, trung bình 50 tấn/kho, tương đương sức chứa là 7.000-8.000 tấn. Toàn tỉnh có 15 cơ sở có bán trực tiếp thanh long sang Trung Quốc; còn lại gia công, chế biến cho các kho của người Trung Quốc.

Về các cơ sở chế biến, có 6 cơ sở chế biến khô, 2 cơ sở chế biến nước trái cây. Hiện Nafood đã ký hợp đồng với các nông dân khoảng 1.000 tấn. Trên diện tích trồng có 9.587ha, có 120 cơ sở cấp mã kho và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tình hình thu mua thanh long của Long An chủ yếu khách Trung Quốc. Giá thanh chủ yếu do các thương lái của Trung Quốc quyết định. Tuy nhiên, hợp đồng với nông dân không chắc chắn nên thường xảy ra rủi ro, do bán qua thương lái. Thị trường chủ yếu bán qua Trung Quốc với 75%, còn 25% Thái Lan, Hàn Quốc, Singapo, Nhật…

Diễn biến từ tháng 1 đến nay, có 2 công ty có sức mua lớn là: công ty Hồng Thái Dương mua 30-40% sản lượng, đặt cọc 300 container với giá mua 40.000-50.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến nay công ty này ngưng không mua, hứa hỗ trợ cho nông dân 4.000 đồng/kg. Công ty thứ hai là Công ty Phú Quý hủy 200 container, nhưng phát giá mua 5.000 đồng/kg. Một số công ty cũng đặt cọc giống như hai công ty trả nông dân 5.000 đồng/kg.

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, bà con nông dân khi thanh long ra trái, gần chín thì bà con chặt bỏ, thiệt hại rất lớn. Tỉnh Long An đã đi qua Trung Quốc tìm hiểu, xúc tiến thanh long, tuy nhiên thấy tình hình khó khăn. Tỉnh đề xuất Cục Chế biến và PTTTNS (Bộ NN-PTNT), Bộ Công thương hỗ trợ xuất khẩu thanh long ở các cửa khẩu, kịp thời đàm phán, tháo gỡ khó khăn cho trái thanh long. Đồng thời, hỗ trợ xuất khẩu trái thanh long xuất khẩu, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối lớn trong nội địa.

Long An cũng đề nghị Bộ NNPTNT hỗ trợ kho lưu trữ ngủ đông, kéo dài thời gian lưu trữ, bảo quản thanh long, đồng thời mở rộng thị trường để tiêu thụ mặt hàng này.

15h30 - Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP): Ngành chế biến cá ngừ đã tìm thấy cơ hội

Hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch cúm do virus corona chưa có, nhưng chậm đơn hàng, điều chỉnh đơn hàng đều chậm lại. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng.

Thứ hai, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngưng hết. Một số khách hàng họ không sang, nhưng đánh giá từ xa.

Những doanh nghiệp có xuất sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet. Tại Trung Quốc, những khách hàng bán trực tiếp các nhà hàng, khi các hệ thống nhà hàng ngừng hoặc giảm thì các cửa hàng thực phẩm lớn giảm hoặc ngưng vì không muốn mất chi phí lưu hàng hóa.

Rủi ro có, nhưng cũng có một số cơ hội. Chúng tôi thấy có 2 cơ hội thúc đẩy tranh thủ sản xuất không tác động nhiều: Trước hết, những nhà làm ăn chân chính, Việt Nam chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn.

Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với chúng ta như cá ngừ, Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn, hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả.

15h45 –  Ông Nguyễn Tôn Quyền - Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam: Doanh nghiệp gỗ đã và đang chuyển hướng

Ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng.

Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.

Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, xuất khẩu gạo trước mắt không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch cúm do virus corona. 

16h00 - Ông Nguyễn Đình Tùng - Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Đề nghị hỗ trợ tiền điện cho doanh nghiệp bảo quản lạnh trái cây

Dịch viêm phổi cấp do virus corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây. Đơn cử như sầu riêng, trước Tết, giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.

Có thể nói, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán, các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.

Những nông dân không có liên kết với doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng nề, các nông dân có liên kết vẫn được thu mua.  

Trước thực tế này và dịch cúm do virus corona không biết bao giờ mới chấm dứt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản, riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này. 

16h15 - Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail: Cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân trong phạm vi có thể

Hiện, Big C có 37 siêu thị ở 22 tỉnh, thành phố, hàng ngày tiêu thụ một lượng nông sản tương đối lớn. Trước ảnh hưởng của dịch cúm do virus corona đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, BigC không đứng ngoài cuộc.

Chúng tôi cam kết hỗ trợ tiêu thụ trong phạm vi tối đa với nông dân. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được đề nghị của Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai hỗ trợ tiêu thụ thanh long, dưa hấu. Hiện tại, theo tôi, giá thanh long chưa đến mức tiêu cực, cụ thể, thanh long chúng tôi mua tại kho với giá 14.000 đồng/kg, dưa hấu 6000 đồng/kg.

Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT cho danh sách các sản phẩm nông sản đang tồn đọng để chúng tôi lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy tối đa cho bà con.

Trong bối cảnh này, tôi cho rằng, các HTX, nông dân nên quay về thị trường nội địa và nghiêm túc với thị trường này. Có một thực tế là, nhiều HTX khi giá xuất khẩu lên thích bán sang Trung Quốccho nhanh mà không muốn bán cho siêu thị vì hàng vào siêu thị phải qua nhiều khâu đàm phán, nhiều tiêu chuẩn.

Nhưng nếu cứ giữ cách làm này thì khi xuất khẩu khó cũng không còn đường vào siêu thị, vì vậy cần tập trung cho thị trường trong nước với 100 triệu dân.

16h30 - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kết luận hội nghị: Không thay đổi, không khóc vì corona thì cũng khóc vì những thứ khác

Trong bối cảnh khó khăn về tiêu thụ, ngành hàng nào cũng tìm thấy cơ hội trong khó khăn như ngành gỗ, thủy sản,...

Đây là điều đáng hoan ngênh, chúng tôi sẽ tiếp thu hoàn thành kịch bản chỉ đạo cũng như nhận dạng rõ các nhóm giải pháp xử lý.

Chúng tôi mong muốn người dân đồng hành, thông tin chia sẻ và cùng ứng phó cả trước mắt và lâu dài. Trong thời gian tới, bà con và các doanh nghiệp cần sản xuất có trách nhiệm và tìm ra nhiều cơ hội, giải pháp như: tăng cường trữ trong kho lạnh, tăng chế biến… và coi đó là áp lực để tái cơ cấu, mở cửa thị trường.

Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng, trước hết là trùm nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực, khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước.

Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…

Điều quan trọng nhất là, các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La, họ thành lập rất nhiều HTX nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không khóc vì con virus corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác.

Bộ NNPTNT sẵn sàng họp bàn, tìm giải pháp với các địa phương để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho nông dân.

Nguồn: http://danviet.vn/thi-truong-nong-san/truc-tiepthao-go-tinh-trang-dong-bang-nong-san-xuat-khau-vi-virus-corona-1055171.html



Báo cáo phân tích thị trường